Sôi động và đa dạng
Sân khấu phía Bắc mở màn với chuỗi chương trình nghệ thuật thiếu nhi “Hành trình kỳ diệu” của Nhà hát Kịch Việt Nam, có dấu ấn đặc biệt khi lần đầu mời các nghệ sĩ nước ngoài tham gia.
Đó là vở Bộ quần áo mới của hoàng đế do đạo diễn người Nhật Bản Hiroyuki Muneshighe dàn dựng. Theo NSND Xuân Bắc, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, việc mời đạo diễn người nước ngoài nhằm mục tiêu mang đến hơi thở, luồng gió mới, cách tiếp cận mới so với các chương trình thiếu nhi trước đây.
Cũng nhằm làm mới kịch mục, dịp này, 2 NSND Xuân Bắc và Tự Long đã cùng dàn dựng vở kịch Rồng thần trở lại, là phiên bản sân khấu đặc sắc từ tác phẩm truyện tranh Nhật Bản nổi tiếng Bảy viên ngọc rồng…
Còn Nhà hát Tuổi trẻ, một địa chỉ biểu diễn thân thuộc với khán giả nhỏ tuổi cũng cùng lúc giới thiệu đến 3 vở kịch thiếu nhi. Lần lượt là vở Giải cứu bà nội của tác giả Jerome Poncin (Bỉ). Đây là vở có sự hỗ trợ của Phái đoàn Wallonie Bruxelles, kể về hành trình “bắt cóc” bà nội từ viện dưỡng lão của một cô bé. Tiếp theo là vở Zorba - Chú mèo thám tử, tác giả Lee Ji-eun, đạo diễn Lee Jong-seok, được dàn dựng với sự hỗ trợ của Nhà hát Sangsangmaru (Hàn Quốc). Và nổi bật nhất là vở diễn Bữa tiệc của Elsa dành cho các em nhỏ có độ tuổi từ 4-10 tuổi. Đây là vở được nhà hát tập trung đầu tư cả về âm thanh, hình ảnh và nhất là lượng lớn trang phục rực rỡ, lộng lẫy.
Đặc biệt, năm nay, Liên đoàn Xiếc Việt Nam có chương trình xiếc ảo thuật cùng các nghệ sĩ Nhật Bản. NSND Tống Toàn Thắng, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, cho biết, các nghệ sĩ ảo thuật Nhật Bản sẽ mang tới phong cách biểu diễn dựa trên huyền thoại về các ninja và cùng phối hợp diễn với các tiết mục xiếc mạo hiểm của nghệ sĩ Việt Nam.
Sân khấu TPHCM cũng không kém cạnh khi hè này có hàng loạt vở diễn cho thiếu nhi đã sẵn sàng để phục vụ. Nổi bật nhất có lẽ là vở nhạc kịch dân ca Nam bộ Lá cờ thêu sáu chữ vàng của Sân khấu Sen Việt. Điều độc đáo của vở là ca từ đều lấy từ các bài ca dao, dân ca, hò, vè, lý… Chính vì vậy, vở được đánh giá cao khi không chỉ giúp các em thiếu nhi tìm hiểu về lịch sử dân tộc mà còn mang đến những bài học về văn hóa truyền thống dân gian Nam bộ đặc sắc.
Song song đó, nhiều vở kịch thiếu nhi khác cũng ra mắt khán giả nhỏ tuổi của TPHCM dịp này như vở Trạm cứu hộ động vật hoang dã của Nhà hát Sân khấu nhỏ 5B. Với nội dung mang nhiều sắc màu trẻ thơ, âm nhạc vui tươi… vở không chỉ mang tới thông điệp bảo vệ thú rừng mà còn là câu chuyện về tình bạn, tình yêu thiên nhiên, giúp đỡ nhau cùng vượt qua những khó khăn của cuộc sống.
Ngoài ra, khán giả nhí thành phố còn có thể đón xem các tác phẩm sân khấu độc đáo khác như: nhạc kịch Colora - Xứ sở rực rỡ của Sân khấu Ban Mai; Truyện Thần tiên 2 - Mễ Cốc phiêu lưu ký của Sân khấu Trương Hùng Minh; Ngày xửa ngày xưa 35: Cuộc phiêu lưu của thuyền trưởng Sinbad - Huyền thoại mắt thần của Nhà hát Idecaf…
Đã đến lúc tính chuyện đường dài
Sự sôi động của sân khấu thiếu nhi là điều đáng mừng nhưng cũng làm nảy sinh nhiều nỗi lo. NSND Xuân Bắc cho biết: “Hiện kịch bản sân khấu dành cho thiếu nhi còn rất thiếu và yếu cả về số lượng lẫn chất lượng. Kịch thiếu nhi không dễ dựng khi phải vừa đáp ứng được yêu cầu giải trí, nghệ thuật đồng thời phải có tính giáo dục. Nhiều kịch bản còn quá nặng, theo tôi với trẻ em, chúng ta chỉ nên chuyển tải những thông điệp nhẹ nhàng, nhắc nhở các em có những hành động đẹp, ứng xử đúng mực”.
Cũng nhằm khắc phục tình trạng thiếu hụt tác phẩm sân khấu thiếu nhi, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đã phối hợp với các ngành lần đầu tiên tổ chức Liên hoan sân khấu toàn quốc dành cho thiếu niên, nhi đồng.
Sự kiện quy tụ 14 đơn vị nghệ thuật tham gia trình diễn 17 tác phẩm như Nhà hát Chèo Hà Nội với Cây tre trăm đốt, Nắm xôi kỳ diệu; Đoàn Kịch nói Hải Phòng với Mặt trời quê hương; Đoàn Nghệ thuật Sen Việt có vở Lá cờ thêu sáu chữ vàng...
Liên hoan lần này được kỳ vọng sẽ là cú hích lớn cho các đơn vị nghệ thuật và nghệ sĩ hướng tới việc xây dựng các tác phẩm nghệ thuật có giá trị và hấp dẫn đối tượng khán giả nhỏ tuổi.
Đón hè năm nay, đến với sân khấu, các bạn nhỏ đã có nhiều lựa chọn phong phú và hấp dẫn hơn, song để sân khấu thiếu nhi có được vị thế mới vẫn cần những câu chuyện đường dài…