Phần lớn những gương mặt diễn viên trẻ xuất thân từ các trường đào tạo nghệ thuật, các lò đào tạo tư nhân, một số em là tay ngang, chưa từng học qua trường lớp chính quy cũng nhiệt huyết theo đuổi và gắn bó với các sàn diễn. Thế nhưng, đội ngũ diễn viên này tuy đông, song chất lượng lại không cao, đa số diễn xuất còn non, kỹ năng, kinh nghiệm và kiến thức nghệ thuật ít nhiều còn hạn chế. Có thể thấy, ở lĩnh vực sân khấu thành phố đang thiếu vắng một đội ngũ kế thừa có chất lượng và có bản lĩnh.
Thực trạng đáng lo
Ở hầu hết các vở diễn của sân khấu xã hội hóa (XHH) hiện nay, đội ngũ nghệ sĩ kỳ cựu của làng nghệ thuật kịch nói thành phố vẫn luôn là cái tên góp phần bảo đảm cho sàn diễn được sáng đèn. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn một số lượng lớn diễn viên trẻ hiện vẫn chưa khẳng định được vị trí của mình trong nghề nghiệp, cho dù đây là nguồn diễn viên khá lớn đang góp mặt trong không ít vở kịch, trong rất nhiều game show truyền hình và các chương trình, sự kiện của làng sân khấu.
Các diễn viên trẻ trong một vở kịch của sân khấu Thế giới trẻ
Ở mảng sân khấu cải lương, vì thiếu điều kiện hoạt động, biểu diễn, phát triển, nên hầu hết giới trẻ không thích theo đuổi nghề này, còn nghệ sĩ nào đã theo nghề thì đa số rất chịu chạy “sô” lẻ, tham gia các chương trình nghệ thuật với những bài ca cổ, ca cảnh, diễn trích đoạn một số vở tuồng… để giúp bản thân có nguồn kinh tế sinh sống, giữ lửa sàn diễn. Tuy nhiên, cách làm nghề kiểu này cũng chỉ mang tính nhất thời, không thể giúp các nghệ sĩ trẻ nâng cao chất lượng nghề nghiệp, hoặc phát huy được hết khả năng diễn xuất, kỹ thuật ca diễn, rút tỉa kinh nghiệm sân khấu, thăng hoa với từng vai diễn có chiều sâu, mang tính chuyên nghiệp.
Ở các trường nghệ thuật sân khấu, có một số sinh viên mới học năm thứ nhất đã đi đóng phim và may mắn được nổi tiếng, từ đó đã tác động đến tư tưởng của nhiều sinh viên khác, khiến các em có suy nghĩ : Việc gì phải học, cứ chịu khó kiếm sô diễn, tìm phim đóng là được nổi tiếng. Chưa kể, có một nguy cơ nữa là nội dung chương trình giảng dạy sân khấu hiện đã khá cũ, chưa cập nhật thông tin về xu hướng và sự phát triển chung của sân khấu thế giới. Mặt khác, trước đây, chương trình đào tạo yêu cầu sinh viên học rất kỹ các môn văn hóa cơ sở như: mỹ học, tâm lý học… giúp bổ trợ kiến thức nghề rất tốt cho diễn viên, nhưng giờ đây các môn học này gần như không được coi trọng, chưa kể sinh viên của trường nghệ thuật cũng không thiết tha học các môn học này. Với những lỗ hổng về kiến thức, tư duy, quan niệm nghệ thuật như thế, không ít sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường, đã lăn xả vào con đường nghệ thuật nhiều năm, nhưng rốt cuộc vẫn không thể tạo được dấu ấn đáng kể.
Không đầu tư, khó phát triển
NSND Trần Ngọc Giàu trăn trở: “Đã định hướng theo nghề, các em cần phải đọc nhiều, tiếp nhận nhiều kiến thức văn hóa, nghệ thuật trong nước và thế giới, để làm đầy tư duy, làm phong phú cách suy nghĩ, nâng chất nội dung, kỹ thuật trình diễn. Vì một khi không có nghệ thuật biểu diễn, kỹ thuật biểu diễn, các em rất khó có thể phát huy hay rút cho mình kinh nghiệm về diễn xuất, từ đó rất khó để trưởng thành. Không có văn hóa nền, người diễn viên, nghệ sĩ, rất khó phát huy được năng khiếu mình có. Cái vốn của diễn viên, nghệ sĩ cũng không phải là vô tận, do đó cần thiết phải luôn học hỏi, bổ sung kiến thức. Ngày nay, tại sao diễn viên hay nói bậy, vì họ không biết nói gì hết thì nói bậy để gây cười cho khán giả. Có một so sánh hơi khập khiễng rằng: Các em diễn viên trẻ hôm nay không bằng các diễn viên thế hệ trước, dù biết rằng vì thời đại, tiết tấu, con người, mỗi thời mỗi khác, tuy nhiên, nghệ thuật sân khấu của cả thế giới vẫn luôn phải đi vào chiều sâu, đi vào khái niệm con người, mang tính nhân văn”.
Nhìn vào lĩnh vực sân khấu, từ cải lương, hát bội, đến kịch nói, đội ngũ nghệ sĩ - diễn viên trẻ kế thừa vẫn luôn là vấn đề nóng, đầy sự lo lắng, bất an. Hiện nay, các em có sự tươi trẻ, thông minh, năng động, nhanh nhạy nắm bắt xu thế thời cuộc, đa năng trong hoạt động nghề, chịu khó lăn xả vào công việc, có nhiệt huyết, có đam mê… nhưng phần lớn vẫn chưa nhận định rõ được nền tảng cơ bản để làm nghề, làm nghệ thuật vẫn phải là kiến thức văn hóa cơ sở học từ nhà trường, phải chịu khó học hỏi kinh nghiệm từ các thế hệ nghệ sĩ đi trước, thường xuyên bổ sung kiến thức văn hóa - xã hội, văn học - nghệ thuật trong và ngoài nước, phải đọc nhiều sách hơn để tiếp nhận và thẩm thấu chất văn học, tính nhân văn, tính thẩm mỹ, nghệ thuật trong các tác phẩm viết… từ đó tự luyện rèn tư duy, mở rộng tri thức, nâng cao quan điểm thẩm mỹ - nghệ thuật, làm hành trang cho con đường làm nghệ thuật lâu dài. Nếu không có sự đầu tư nghề nghiệp một cách nghiêm túc, mà chỉ muốn làm nghề kiểu “ăn xổi” thì những gương mặt trẻ - dù có “phủ sóng” ở rất nhiều vở kịch, trên các sân khấu truyền hình, gameshow, phim ảnh… vẫn rất khó phát huy được giá trị, thực lực, tài năng cá nhân, mà trên hết là không thể là thế hệ kế thừa chất lượng, bản lĩnh của lĩnh vực sân khấu.