Kịch tết thắng lợi
Sự thắng lợi đó được đo đếm bằng lượng khán giả đặt vé, mua vé qua hình thức trực tuyến và trực tiếp tại các phòng vé. Số lượng vé bán ra nhiều từ những ngày trước tết, khi các sân khấu chính thức thông báo phục vụ khán giả trong những ngày đầu xuân. Bên cạnh phong độ “cháy vé” của 2 điểm diễn Idecaf và Thế Giới Trẻ, các sân khấu còn lại có lượng khán giả phủ kín rạp từ 50%-80%.
Tại sân khấu Hoàng Thái Thanh, vở kịch Nửa đời ngơ ngác được lên lịch tái diễn vào tối mùng 2 tết. Anh Nguyễn Hoàng Minh, nhà ở quận Bình Thạnh, đi xem kịch cùng người thân, cho biết: “Tôi đặt vé cho cả nhà 6 người đi xem kịch. Trước khi suất diễn bắt đầu, NSƯT Thành Hội đã thay mặt ê kíp chia sẻ nhiều tâm sự về hoạt động của sân khấu, chia buồn với những gia đình có người thân mất vì Covid-19, chúc tết khán giả đầu năm mới và mong mỏi năm 2022 sẽ tốt đẹp hơn... khiến ai cũng xúc động. Đó là lời tâm tình rất chân thành của nghệ sĩ và ê kíp thực hiện chương trình với nghề và với khán giả. Suốt gần 3 giờ xem kịch, câu chuyện kịch và tài năng biểu diễn của các diễn viên đã tạo nên nhiều cảm xúc cho chúng tôi”.
Trong khi đó, ông bầu Huỳnh Anh Tuấn của sân khấu kịch Idecaf quyết định chọn 2 vở hài kịch Ngũ quý kỳ phùng và Cậu Đồng để tạo không khí vui tươi trong những ngày đầu năm mới. Sự góp mặt biểu diễn của 2 tài năng sân khấu kỳ cựu làng kịch nói là NSƯT Hữu Châu và NSƯT Thành Lộc, cùng dàn nghệ sĩ, diễn viên đa năng, dí dỏm: Bạch Long, Hoàng Trinh, Lê Khánh, Đình Toàn, Hương Giang, Đức Thịnh, Tuấn Khải… đã giúp các suất diễn luôn đông nghẹt khán giả, không khí thưởng thức nghệ thuật tưng bừng, đầy ắp tiếng cười.
Hết mình với sân khấu tết
Vui mừng đón tết và chào đón những khán giả đã nhiệt thành đến với sân khấu 5B, NSƯT Mỹ Uyên diễn sung sức, hết mình với các nhân vật trong một loạt vở kịch tết. Đến mùng 5, chị bị tắt tiếng. Sau khi được hỗ trợ về y tế, chị lại lăn xả hết mình cùng ê kíp, luôn có mặt trong tất cả suất diễn, vừa trực tiếp diễn vừa hỗ trợ dàn diễn viên trên sân khấu. NSƯT Mỹ Uyên tâm sự: “Mùa tết, cứ được diễn là anh em diễn viên vui và hạnh phúc rồi. Khán phòng năm nay tuy không đầy ắp khán giả nhưng không khí biểu diễn, giao lưu rất tốt. Khán giả háo hức khi đến xem kịch và có sự tương tác rất dễ thương với diễn viên trong nhiều tình huống hài hước”.
Đây cũng là một tín hiệu vui cho sân khấu 5B trong những ngày đầu năm mới. Địa thế có nhiều trở ngại khó khăn, sàn diễn nằm ở tầng 3, không thang máy, nhưng nhiều khán giả, trong đó có những cô chú khán giả đã 60, 70 tuổi vẫn cố gắng đến xem để ủng hộ, giúp những người làm sân khấu sẵn sàng dốc hết sức mình trong những ngày đầu xuân.
Nhiều năm qua, bất cứ sân khấu kịch nào đang hoạt động tại TPHCM cũng gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì hoạt động tổ chức biểu diễn. Từ chuyện khó khăn trong điểm diễn, sân khấu - đạo cụ xuống cấp, cho đến những khó khăn lớn hơn như thiếu kịch bản, thiếu lực lượng kế thừa… Thế nhưng, vì nghiệp diễn, những người làm nghệ thuật chân chính vẫn luôn nặng tình, tìm nhiều cách thức để xoay xở, vực dậy tinh thần anh em diễn viên có cùng niềm đam mê sân khấu. Sân khấu mở ra mà không có khán giả thì khó tồn tại. Vậy nên, nói như khán giả Triệu Hoàng (phường 5, quận Gò Vấp): “Thực tình tụi tui thương sân khấu và anh em nghệ sĩ lắm; cả năm hầu như ngưng diễn vì dịch bệnh. Tết này đi coi để ủng hộ là điều cần phải làm. Còn thấy nghệ sĩ, còn thấy sân khấu trở mình trong khó khăn, khán giả lại càng cần phải ủng hộ. Tôi đã đi xem kịch ở 3 sân khấu, rồi cùng con cái đi xem kịch xiếc nữa. Thấy anh em vất vả nhưng chuẩn bị rất kỹ cho lần trở lại này, thật sự trân trọng và cảm động lắm”.
Tinh thần vì nghề, vì nghệ thuật như vậy không phải ai cũng làm được. Đó chính là điểm cộng đáng quý của những người làm sân khấu trong mùa diễn tết truyền thống hàng năm.