Thay đổi để tồn tại
Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh sau 12 năm gồng gánh, nay thường xuyên lỗ. Có thời điểm, chỉ cần 50 khán giả đến xem là sàn diễn này cố gắng sáng đèn. NSƯT Thành Hội, đạo diễn Ái Như phải nhờ sự giúp sức và ủng hộ bền bỉ từ gia đình, người thân để duy trì hoạt động của sân khấu.
Kế hoạch “diễn theo mùa” được cân nhắc chọn lựa và bắt đầu thực hiện từ tháng 5 đến tháng 7-2022, với lịch diễn 10 vở kịch tiêu biểu: Hãy khóc đi em, 29 anh về, Bông hồng cài áo, Nửa đời hương phấn, Con ma nhà họ Hứa, Bàn tay của trời, Sông dài, Bạch Hải Đường, Tình yêu trời đánh, Nửa đời ngơ ngác. Từ nay, mỗi năm, sân khấu sẽ chỉ tập trung sáng đèn vào hai mùa diễn: tết và giữa năm. Còn những tháng không diễn, là thời điểm để tập trung tìm kiếm kịch bản, lên sàn tập vở mới, đẩy mạnh công tác đào tạo nghề.
Trong khi đó, NSND Hồng Vân “buông tay” điểm diễn tại Trung tâm Văn hóa quận Phú Nhuận sau 22 năm nỗ lực bám trụ. Chị tâm sự: “Sau từng ấy năm sống hết mình, gồng gánh sân khấu vượt qua bao khó khăn, nay sức khỏe không cho phép nên tôi sẽ không làm công tác tổ chức biểu diễn thường xuyên như trước. Thay vào đó, tôi sẽ chuyển hướng đầu tư dàn dựng các vở kịch lớn với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ tên tuổi. Khi vở dàn dựng hoàn thiện, tôi sẽ tổ chức lưu diễn các tỉnh, thành. Việc đem các vở kịch lưu diễn ở nhiều tỉnh, thành cũng là sự ấp ủ và mong mỏi của tôi từ lâu”.
Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ 5B cũng nhanh chóng tạo dựng thêm một sân khấu dành riêng cho thiếu nhi, biểu diễn vào các sáng cuối tuần. Kế hoạch này đang từng bước tạo sự bứt phá với những suất diễn thu hút đông đảo khán giả. Bên cạnh đó, sân khấu thử nghiệm cũng được NSƯT Mỹ Uyên, giám đốc nhà hát, chú trọng mở rộng sự đa phong cách trong dàn dựng và biểu diễn, thông qua việc thu hút những người làm nghề trẻ về đầu quân.
Mong mỏi và hy vọng
NSƯT Thành Hội tâm tư: “Nhiều năm qua, những khó khăn đã tạo quá nhiều áp lực cho sân khấu và thực tiễn cho thấy, các sân khấu XHH đang lâm nguy. Anh Huỳnh Anh Tuấn của sân khấu kịch Idecaf từng tâm sự với tôi rằng, anh ấy có nhiều căn nhà để cho thuê, tiền thuê đó để bù lỗ cho hoạt động sân khấu. Chuyện bù lỗ dường như thấy ở hầu hết các sân khấu kịch XHH. Trước tình hình như vậy, sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh bắt buộc phải thay đổi để tồn tại. Kế hoạch này có thành công hay không thì chúng tôi chờ thời gian trả lời, riêng chúng tôi đã làm hết sức mình. Nhiều người nghĩ chúng tôi đang phiêu lưu, mà đành phải vậy thôi, còn nếu dừng lại thì chắc chắn chúng tôi sẽ đóng cửa”.
Buồn bã trước thông tin sân khấu kịch Hồng Vân sẽ phải đóng cửa từ tháng 5-2022, NSƯT Trịnh Kim Chi tính toán nhiều phương cách để có thể tiếp sức đàn chị duy trì sàn diễn này.
Chị cho biết: “Tôi làm việc tại sân khấu Phú Nhuận cũng 15 năm. Nay chị Vân ngỏ lời nhờ tôi cùng tiếp sức để sàn diễn hoạt động vào các tối cuối tuần, tôi rất lo. Bắt tay làm, tôi đã chuẩn bị tinh thần chịu lỗ. Rất mong Trung tâm Văn hóa quận Phú Nhuận sẽ tạo điều kiện cho tôi và sân khấu tiếp tục được sáng đèn. Tôi cũng mong chị Hồng Vân không dừng lại, luôn hỗ trợ chúng tôi, bên cạnh sự chung sức của anh em nghệ sĩ, hậu đài…”.
Sân khấu kịch Thế Giới Trẻ cũng đang ở giai đoạn có nhiều mối lo toan, khi đạo diễn Ngọc Hùng quyết định chia tay sân khấu.
Chị An Thi, phụ trách sân khấu hiện tại, cho biết: “Hợp đồng thuê mướn mặt bằng điểm diễn với Trường ĐH Sân khấu và Điện ảnh TPHCM còn 2 năm. Tuy nhiên, trong 2 năm qua, vì dịch bệnh ảnh hưởng nặng nề nên sân khấu thực sự khó khăn. Tôi hy vọng nhà trường sẽ cho chúng tôi kéo dài hợp đồng thêm 2 năm. Còn trong trường hợp bất khả kháng, chúng tôi sẽ buộc phải tìm kiếm một nơi khác để có thể duy trì hoạt động”.
Sân khấu TPHCM đã qua giai đoạn tỏa sáng, nhưng nhiều nghệ sĩ vẫn luôn mong muốn được làm nghề, sống với nghề và đặt nhiều hy vọng vào sự thay đổi, phát triển của sân khấu trong tương lai. Nhưng thực tế có quá nhiều nỗi lo toan, trăn trở của những người làm sân khấu XHH. |