Đa dạng đề tài
Một loạt vở kịch xã hội lần lượt phát sóng trên các kênh HTV7, HTV9 (Đài Truyền hình TPHCM), tạo nên sự khởi sắc cho kịch truyền hình. Các tác phẩm sân khấu thuộc chương trình Chuyện bốn mùa, Siêu thị cười; kịch dài được Đài Truyền hình TPHCM đầu tư dàn dựng, như: Xem bói online, Ngày về, Nhà tôi ba đời, Cha nuôi con nuôi, Làm mẹ trên mạng, Tiện chưa chắc lợi, Nhậu sinh thái, Nước đục thả câu, Hoa phong ba, Người giúp việc, Tứ đại đồng đường, Nhà phải có nóc, Con heo đất, Bữa cơm thời hiện đại, Quan mùi may áo, Phép tính trong tình yêu, Khu phố 4G… đã đem đến cho khán giả nhiều sự lựa chọn.
Với độ dài từ 30-90 phút, các vở diễn đi sâu vào nhiều vấn đề xã hội như vấn nạn xem bói trên mạng, lừa đảo trong điều trị bệnh, cách giáo dục con cái thời công nghệ 4.0, tình cảm gia đình, chuyện người giúp việc, những ông chồng thích nhậu, tình làng nghĩa xóm… Đạo diễn Nguyễn Minh Hải, Trưởng ban Văn nghệ - Đài Truyền hình TPHCM, chia sẻ: “Đài cố gắng xây dựng các ê kíp tác giả, đạo diễn, diễn viên lần lượt tham gia sáng tạo tác phẩm. Tác phẩm được sử dụng luôn tươi mới, cập nhật tình hình đời sống xã hội hiện đại, phản ánh cuộc sống và con người thời đại.
Bên cạnh một số tác giả kịch bản tên tuổi, các cây bút trẻ có tiềm năng cũng được đài khai thác để làm đa dạng nguồn kịch bản. Việc mỗi biên tập có một ê kíp làm việc quen thuộc giúp công việc thêm thuận lợi và đạt hiệu quả cao hơn. Hiện nay, trong dàn đạo diễn đang hoạt động tích cực tại đài có các đạo diễn: Hoàng Duẩn, Thu Hồng, Thái Kim Tùng, Quốc Thịnh, Vũ Huân… Sự tham gia của các đạo diễn trẻ từ phim ảnh qua cũng giúp sân khấu truyền hình thêm đa sắc. Điều cơ bản là những người tham gia làm sân khấu truyền hình thường không quá đặt nặng vấn đề tiền bạc. Với anh em, trên hết vẫn là yêu thích sàn diễn, mong muốn được làm nghề”.
Khán giả Minh Thu (quận 8, TPHCM) cho biết: “Thời gian qua, gia đình tôi theo dõi được vài vở kịch truyền hình như Xem bói online, Nhà tôi ba đời, thấy khá hấp dẫn. Các vở kịch truyền hình hôm nay cũng tạo được tiếng cười lẫn sự suy tư về những vấn đề thời sự xã hội. Tuy nhiên, khung giờ phát sóng lúc 14 giờ, mình nghỉ việc ở nhà tránh dịch thì còn xem được. Mai mốt bớt dịch, phải đi làm rồi thì khó đón xem”.
Vượt khó
Khung giờ phát sóng các chuyên mục sân khấu truyền hình hiện nay là một trong những khó khăn lớn, gây cản trở và khó thu hút công chúng thường xuyên theo dõi. Đạo diễn Thu Hồng nhìn nhận: “Thật ra, do giờ phát sóng của đài không được ưu tiên cho sân khấu truyền hình, ngoại trừ Chuyện bốn mùa phát sóng vào lúc 14 giờ thì được nhiều người xem, còn khung giờ phát sóng lúc khuya, khán giả khó đón xem. Cũng vì lý do này mà không ít diễn viên, nghệ sĩ nổi tiếng của sân khấu thành phố không mặn mà tham gia sân khấu truyền hình. Tôi nghĩ, nếu đài làm được nhiều chương trình hay, có giờ phát sóng đẹp một chút, sẽ dễ dàng thu hút diễn viên tham gia hơn”.
Đạo diễn Hoàng Duẩn tâm tư: “Công tác dàn dựng sân khấu rất được chú trọng. Diễn viên phải đến tập vài buổi rồi mới được duyệt, xong thì mới thu hình. Trong lúc thu hình sẽ tiếp tục chỉnh sửa, thu hình xong sẽ biên tập lại. Qua nhiều khâu kiểm duyệt nên tác phẩm ra đời luôn chỉn chu. Trong khi đó, diễn viên làm hài bên ngoài quen, đôi khi chỉ là nói ý, gạch đầu dòng, từ đó phát triển ý là diễn. Vậy nên nhiều anh em nghệ sĩ không thích vào đài hợp tác vì ngại vất vả. Bên cạnh đó còn là giờ phát sóng không đẹp. Làm việc với đài chỉ có những người thật sự yêu nghề, yêu đài mới chấp nhận”.
Nhìn lại sự khởi sắc của sân khấu truyền hình trong thời gian qua cũng nhờ lực lượng tác giả, đạo diễn nhanh nhạy, cho ra đời những kịch bản phản ánh đời sống xã hội, khâu duyệt ý tưởng cũng thông thoáng. Đạo diễn Nguyễn Minh Hải cho biết thêm: “Trong mùa dịch, công tác ghi hình cũng bị ảnh hưởng rất nhiều. Những đợt giãn cách xã hội, đài thực hiện rất nghiêm nên hoàn toàn tạm ngưng công tác thu hình. Có lúc thì xé lẻ nhân sự để ghi hình cho kịp tiến độ. Thời điểm được thư thả, các ê kíp lại tất bật sản xuất nhiều chương trình gối đầu. Thật ra, từ nhiều năm qua, sân khấu truyền hình gặp không ít khó khăn về lực lượng diễn viên. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều diễn viên tâm huyết và một lực lượng không nhỏ diễn viên mới cùng góp sức. Về chất lượng vở diễn, chúng tôi chú trọng khâu kịch bản, đặt hàng hoặc tự viết, làm sao để nguồn kịch bản đa dạng, phong phú và giữ được chất lượng”.