Một năm nữa đang qua nhanh, tình hình hoạt động của các sân khấu kịch ở TPHCM vẫn bấp bênh, gặp nhiều khó khăn trong tổ chức biểu diễn. Thực trạng từ nhiều năm qua, đó là hiếm hoi kịch bản chất lượng, thiếu hụt đội ngũ tác giả, đạo diễn và diễn viên tài năng, chịu khó làm nghề nghiêm túc, cơ sở vật chất xuống cấp, việc giữ chân khán giả gian nan... đang khiến cho hoạt động của sân khấu kịch thành phố rơi vào trạng thái chông chênh, kém sắc, kém chất, rời rạc.
Chuyển mình để tồn tại
Nhìn lại con đường phát triển của sân khấu kịch nói, dễ thấy trước năm 1975, sức sống tân thời của các sân khấu kịch chính là những tiếng nói phản ánh sự mong mỏi của người dân.
Thời điểm đó, có không quá 10 sân khấu kịch tồn tại, làm nên tên tuổi của nhiều nghệ sĩ như kỳ nữ Kim Cương, Thẩm Thúy Hằng, Vân Hùng, Túy Hoa, Túy Hồng…
Sau 1975, chỉ có vài ba sân khấu kịch hoạt động. Mãi đến khi CLB Kịch thể nghiệm của Hội Sân khấu TPHCM ra đời, sàn diễn này đã trở thành bà đỡ cho một lực lượng nghệ sĩ trẻ hùng hậu, nhiệt huyết, tài năng. CLB đã tạo được uy tín và được nâng tầm lên thành Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ, mở ra một bước ngoặt lớn cho sân khấu TPHCM nói chung và sân khấu kịch nói riêng.
Một vở diễn của sân khấu kịch Thế Giới Trẻ với dàn diễn viên trẻ năng động, nhiệt huyết, mê nghề
Tiếp bước hoạt động và phát triển của nhà hát, những năm sau đó, hàng loạt sân khấu kịch xã hội hóa (XHH) ra đời với những tiêu chí nghệ thuật riêng như Idecaf, Phú Nhuận - Hồng Vân, Sài Gòn, Hoàng Thái Thanh, Thế Giới Trẻ… Có một khoảng thời gian dài, mô hình sân khấu kịch XHH đã khẳng định được tên tuổi, vị thế, vai trò trong hoạt động và phát triển, thể hiện sự gắn bó, đi vào những góc cạnh của đời sống xã hội, tâm lý con người thời đại mới.
Tuy nhiên, sau thời hoàng kim, các sân khấu kịch rơi vào cảnh hoạt động bấp bênh. Trong khi các loại hình giải trí hiện đại xuất hiện rầm rộ, đa dạng, đáp ứng kịp thời nhu cầu của công chúng, thì các sân khấu kịch cứ quanh quẩn với phong cách phục vụ lối mòn, không gian khán phòng cũ kỹ, cơ sở vật chất xuống cấp, thiếu những tác phẩm có chiều sâu nghệ thuật và đậm chất giải trí.
NSƯT - đạo diễn Hạnh Thúy, nhận định: “Nghệ sĩ vẫn luôn say mê sáng tạo, nhưng ở một góc độ nào đó, nghệ sĩ vẫn chưa bắt kịp xu thế giải trí và thưởng thức nghệ thuật của khán giả. Mặt khác, hầu hết các sân khấu đều không đáp ứng tốt từ cơ sở vật chất, địa điểm diễn, nơi gửi xe, đến nội dung tổ chức biểu diễn. Khi đến với sân khấu, khán giả bị phụ rẫy nhiều hơn so với đến các điểm giải trí khác”.
Với nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan, khiến cho khán giả đến với sân khấu cứ thưa dần. Để duy trì, xu thế kịch thị trường, viết theo thị hiếu của công chúng ra đời với hàng loạt tác phẩm được công diễn, song tác phẩm hay không nhiều. Sau mô hình sân khấu kịch XHH, thị trường kịch nói lại xuất hiện thêm mô hình kịch cà phê, là hình thức kịch tư nhân, tự phát.
Áp lực và khó khăn
Bằng tất cả nhiệt huyết, ông bà “bầu” các sân khấu kịch XHH đã nỗ lực tự thân vận động, đầu tư, tổ chức biểu diễn, làm nên những thương hiệu nghệ thuật, thu hút khán giả đến với sân khấu. Nhưng sau giai đoạn đầu hoạt động tích cực và hiệu quả, nhiều sân khấu thể hiện sự đuối sức.
Không thể phủ nhận sự đi xuống về chất lượng vở diễn, thời gian tập vở mới ngắn, diễn viên ít đổ công sức cho sàn diễn; người làm công tác sáng tạo lại thích ăn sẵn không chịu đào sâu; đội ngũ đạo diễn có nghề cũng ngày một thưa thớt, thiếu những cây viết sân khấu giỏi nghề, nhiều kinh nghiệm, nhanh nhạy nắm bắt thị hiếu và xu hướng giải trí mới. Tất cả những tồn tại ấy đã ảnh hưởng đến chất lượng các sân khấu và lượng khán giả đến với kịch nói.
NSND Hồng Vân tâm tư: “Chưa bao giờ tôi làm nghề trong trạng thái nước lên thì bèo lên, làm tới đâu hay tới đó như bây giờ”. Có những lúc nữ nghệ sĩ này muốn buông bỏ, thế nhưng tình yêu, niềm đam mê nghệ thuật khiến chị cứ day dứt, để rồi sau đó lại ráng duy trì hai sân khấu kịch Phú Nhuận và Superbowl, lâu lâu lại đau đầu tính toán chuyện thu chi, bù lỗ.
Trong những tồn tại kém sắc ấy, chỉ có một số ít ỏi sân khấu kịch như Idecaf, Hoàng Thái Thanh, Thế Giới Trẻ… giữ được khán giả bằng phong cách nghệ thuật ổn định, có sự đầu tư chỉn chu về tác phẩm, xây dựng được đội ngũ diễn viên nòng cốt, nhiệt tâm với sàn diễn.
Đạo diễn Ngọc Hùng, ông “bầu” của Sân khấu kịch Thế Giới Trẻ, chia sẻ: “Điều quan trọng là chúng ta, những người làm nghệ thuật cần phải làm gì cho khán giả, phải tiếp cận khán giả như thế nào? Thế Giới Trẻ đi lên bằng cách tự xây dựng lực lượng diễn viên, đào tạo, hướng dẫn, đẩy những nhân tố mới lên, lập thành một đội ngũ làm nghề ngày càng chuyên nghiệp. Mỗi sân khấu sẽ chủ động trao đổi với các tác giả để có những tác phẩm phù hợp với tiêu chí và diễn viên của sân khấu mình.
Mặt khác, không thể chỉ làm những vở kịch theo xu hướng thị trường, mà sân khấu còn phải sáng tạo những vở diễn có chất lượng nghệ thuật và định hướng quan điểm thẩm mỹ”. Tuy nhiên, những vở kịch có chất lượng và mang tính thẩm mỹ rất khó bán vé, ảnh hưởng lớn tới nguồn thu của sân khấu.
Các sân khấu XHH hôm nay vẫn tích cực làm nhiều tác phẩm giải trí để thu hút khách, nhằm gom kinh phí phục vụ cho những dự án sân khấu nghệ thuật đỉnh cao, chất lượng. Tuy nhiên, với những khó khăn tồn tại kéo dài trong nhiều năm qua, những người làm sân khấu mãi đau đáu, nặng lòng, lo lắng về một tương lai “cảnh chợ chiều” của sân khấu kịch nói.
Và tiếng lòng chung của bao nghệ sĩ đang nỗ lực làm nghề chính là nỗi niềm mong mỏi nhà nước, các cơ quan quản lý văn hóa phải có sự quan tâm nhiều hơn đến mô hình nghệ thuật đặc biệt này. Cần thiết phải tạo điều kiện để các sân khấu XHH hoạt động, tổ chức biểu diễn tốt hơn, từ đó mới có thể đòi hỏi các sân khấu XHH phải có những tác phẩm chất lượng. Nhất thiết, TPHCM cần có ngay một chiến lược để củng cố sân khấu XHH, có sự định hướng kịp thời không để hệ thống sân khấu này bị lụi tàn, tự sinh tự diệt trong sự tiếc nuối của công chúng.
Đạo diễn Thái Kim Tùng: “Lỗi đầu tiên là do những người làm nghề và mối quan hệ giữa nghệ sĩ - khán giả không chỉ ở việc bỏ tiền mua vé xem kịch. Mặt khác, từ thực tế diễn viên kịch là những nghệ sĩ không có show phim ảnh, truyền hình, quảng cáo…; họ chọn sân khấu làm trạm tạm dừng chân, nhiều người làm chỉ đơn thuần… kiếm cơm. Hoạt động phát triển sân khấu hôm nay rất cần sự chân thành của người nghệ sĩ…”.
Nhà biên kịch - nhà văn Nguyễn Thu Phương: “Để sân khấu tồn tại, điều quan trọng đầu tiên chính là khán giả. Tác giả phải viết theo yêu cầu của sân khấu và thị hiếu khán giả. Nếu viết vở có định hướng mà đời sống của vở ngắn ngủi, khán phòng lạnh tanh thì tác giả cần phải nhìn lại. Mặt khác, bao nhiêu năm qua, TPHCM vẫn chưa có được nhà hát tử tế. Theo tôi, không nhất thiết phải xây một nhà hát 1.000 - 2.000 chỗ, người làm nghề hôm nay chỉ cần nhà hát chừng 500 ghế, có đầy đủ kỹ thuật âm thanh ánh sáng để đáp ứng yêu cầu xây dựng nghệ thuật, tổ chức và thực hiện những vở tốt, chất lượng”.