Mới đây, sân khấu kịch Hồng Vân đưa lên sàn diễn 3 tác phẩm kịch đặc biệt: Bỉ vỏ (tác giả Doãn Hoàng Giang, dựa theo tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyên Hồng, đạo diễn NSND Hồng Vân), Con nhà nghèo (tác giả Viễn Hùng, dựa trên nguyên tác của nhà văn Hồ Biểu Chánh, đạo diễn Hồng Vân - Minh Hoàng) và Ngôi nhà trên thuyền (tác giả Cát An, đạo diễn Vũ Xuân Trang). Các diễn viên trẻ khóa K7 và K8 đã tham gia trình diễn với hai vở kịch văn học Bỉ vỏ và Con nhà nghèo. Các em tự tin, kết hợp ăn ý, biết chia sẻ và nâng đỡ nhau trong từng màn diễn, thể hiện tốt tính cách các nhân vật. Riêng vở Ngôi nhà trên thuyền, nói về những người lính sau hòa bình, trở lại cuộc sống lại đối mặt với một “cuộc chiến” khác, khi chất độc da cam đã thấm vào xương tủy, gây hậu quả cho thế hệ con cháu. Cảm nhận được nỗi đau đó, dàn diễn viên khóa K9 đã cùng chung tay tạo nên một vở diễn nhiều cung bậc cảm xúc, đem đến cho khán giả những khoảng lặng cảm xúc.
Để đào tạo nghề thiết thực hơn, NSND Hồng Vân chú trọng việc mời những nghệ sĩ, diễn viên tài năng của sân khấu kịch tham gia giảng dạy như: NSƯT Hữu Châu, nghệ sĩ Minh Nhí, Quốc Thảo, Hoàng Sơn, Đại Nghĩa, Mai Thanh Dung, Ngân Quỳnh, Xuân Trang, Lê Hay… và chị, cùng đứng lớp, chia sẻ kinh nghiệm, động viên các em phát huy năng khiếu và năng lực biểu diễn. Các em được học bài bản các nội dung: kỹ thuật biểu diễn, kỹ thuật phát âm, kỹ thuật hình thể, thanh nhạc, kỹ thuật hóa trang và trang điểm, múa diễn xuất, phân tích nhân vật… Trong hướng nghiệp, những gương mặt sáng giá, học viên giỏi được giữ lại để làm nghề và tham gia vào các hoạt động của Công ty CP Sân khấu - Điện ảnh Vân Tuấn.
NSND Hồng Vân trăn trở: “Thế hệ chúng tôi may mắn vì có được nhiều thầy cô giỏi nghề truyền đạt kinh nghiệm. Thế nên, trong công tác đào tạo, tôi cố gắng mời các đạo diễn, nghệ sĩ, diễn viên có tay nghề đến giảng dạy cho các em, với mong mỏi có thể đào tạo được một thế hệ diễn viên trẻ kế thừa chất lượng. Tôi luôn trăn trở, nếu chúng ta không cố gắng tìm kiếm, xây dựng một lớp trẻ có năng lực để tiếp nối nghề thì sân khấu kịch sẽ đi về đâu?”. Chị cũng khẳng định mục đích mở các khóa đào tạo không phải để khai thác kinh doanh mà chỉ muốn chủ động đào tạo một lực lượng diễn viên trẻ kế thừa cho sân khấu kịch của mình, sân khấu kịch nói TP trong tương lai.
Tâm tư với công tác giảng dạy, “ông thầy khó tính” - NSƯT Hữu Châu chia sẻ: “Tham gia công tác đào tạo, trước nhất là người thầy, cô phải thương học trò mình thực sự, ngoài ra phải có tính kiên nhẫn. Nếu không kiên nhẫn thì không thể nào chuốt tốt câu thoại hay vai diễn cho các em, phải chuốt đến khi nào các em làm được mới thôi. Mình cũng phải phân tích, giúp các em hiểu tại sao phải chuốt kỹ như vậy. Người thầy còn phải tính toán đến sự phù hợp với khả năng, sự cảm nhận, hình thể... từng em, để giúp các em phát huy tốt nhất năng lực bản thân”.
Khi trình diễn 3 tác phẩm kịch văn học, thời sự xã hội này, sân khấu kịch Hồng Vân đã mời một số giáo viên, hiệu trưởng các trường THCS, THPT trên địa bàn TPHCM đến thưởng thức. Từ đây, theo yêu cầu của từng trường, sân khấu sẽ có mối liên kết, phối hợp tổ chức buổi học ngoại khóa, biểu diễn phục vụ học sinh những tác phẩm kịch văn học ý nghĩa.
Với 12 lần tuyển sinh, “lò” đào tạo của sân khấu kịch Hồng Vân đã giúp gần 500 bạn trẻ chạm ngõ nghệ thuật. Các em được trang bị tương đối đầy đủ những kỹ năng, kiến thức thực tiễn cần có của một diễn viên sân khấu chuyên nghiệp. Trong số đó, có thể kể đến các gương mặt: Xuân Nghị, Lạc Hoàng Long, Tiến Dũng, Lê Lộc, Đinh Mạnh Phúc... |