Công ty cổ phần Sân khấu và điện ảnh Vân Tuấn (sân khấu kịch của NSND Hồng Vân), vừa cho ra “lò” một lớp diễn viên trẻ khóa 1. 18 học viên có tuổi đời từ 22 đến 26 đã được đào tạo trong suốt 3 năm qua. Những gương mặt mới đã thể hiện tài năng, niềm đam mê nghệ thuật, nhiệt huyết tuổi trẻ trong hai vở diễn tốt nghiệp: chính kịch Người đàn bà uống rượu và hài kịch Ga thì thưởng. Với lối diễn xuất khá vững vàng, duyên dáng, các diễn viên trẻ đã tạo được dấu ấn với khán giả.
Những gương mặt mới
Mỗi vở kịch thể hiện một sắc thái khác nhau, nếu trong vở Người đàn bà uống rượu (tác giả: Hữu Ước, đạo diễn: Quốc Thảo) là thể loại kịch tâm lý xã hội khá “nặng đô”, khi tham gia các vai diễn, mỗi học viên đều phải có sự đầu tư nhiều hơn, sâu hơn, phải tư duy, tự tìm hiểu và xây dựng hình tượng nhân vật theo đúng phong cách, bản chất, tâm tư tình cảm, nội tâm… của từng nhân vật thì ở vở hài kịch Ga thì thưởng (tác giả: Châu Phương Quân - Minh Nhí, đạo diễn Minh Nhí) đòi hỏi sự diễn xuất phải nhẹ nhàng, duyên dáng… tạo được tiếng cười sâu sắc về cuộc sống, con người, các mối quan hệ gia đình - chòm xóm, tình yêu đôi lứa, phê phán nạn mê tín dị đoan…
Để hoàn thành hai vở diễn tốt nghiệp, các gương mặt trẻ: Đinh Mạnh Phúc, Chu Thanh Vân, Thùy My, Xuân Nghị, Minh Nga, Minh Đăng, Kim Ngân, Hoàng Nhân, Minh Kiều, Ngọc Giao, Khánh Ly, Thanh Phong, Tấn Truyền, Sinh Vũ, Duy Anh, Hoàng Long đã nỗ lực học tập, rèn luyện hết mình. Đạo diễn - nghệ sĩ Quốc Thảo cho biết: “Khi bắt tay dàn dựng vở Người đàn bà uống rượu, tôi buộc các bạn phải làm theo đúng quy trình, không được nóng vội “đốt cháy” quá trình tập luyện. Mỗi học viên đều phải tự viết nhật ký đạo diễn, tìm hiểu lý lịch nhân vật, phân tích tâm lý nhân vật… Chính thời gian ngồi quanh bàn làm việc là thời gian quan trọng nhất, giúp các em hiểu rõ, nắm bắt sâu sắc hơn tâm lý nhân vật mà mình thủ diễn, nội dung, tình tiết vở kịch…”.
Cũng từ khóa đào tạo diễn viên trẻ này, một nửa số học viên đã và đang được rèn nghề trực tiếp bằng những vai diễn, diễn xuất bên cạnh các nghệ sĩ đàn anh đàn chị trong những vở kịch: Chuyện của sao, Đình cõi âm, 2-4-6, 3-5-7, Người vợ ma 1, Làm người ai làm thế, 292… Nghệ sĩ Minh Nhí chia sẻ: “Tôi rất hạnh phúc khi thấy các em trưởng thành, vững vàng trên sân khấu. Hy vọng các em vừa tốt nghiệp sẽ như các học trò của tôi trước đây: Việt Hương, Thúy Nga, Tiết Cương, Hạnh Thúy… được khán giả chấp nhận, ủng hộ và có những cơ hội phát huy tài năng. Bên cạnh việc tiếp tục rèn nghề, làm nghề, tôi và NSƯT Hữu Châu cũng thường xuyên nhắc nhở các em rèn luyện cả về đạo đức nghề nghiệp”.
Đào tạo diễn viên trẻ - học đi đôi với hành
Hiện nay, Công ty cổ phần Sân khấu - Điện ảnh Vân Tuấn đã tổ chức được hai lớp diễn viên kịch nói, sắp tới sẽ khai giảng lớp thứ 3. Các khóa học này không giống như những khóa học ở các trung tâm khác (chỉ tổ chức trong 3 - 6 tháng), mà các em được học bài bản như trong trường đại học về sân khấu - điện ảnh với thời gian học đến hai năm, mỗi năm hai học kỳ, mỗi học kỳ 5 tháng, với các môn học: tiếng nói sân khấu, kỹ thuật diễn xuất… Trong quá trình học tập, các học viên được tham gia rất nhiều hoạt động nghề nghiệp thực tiễn. Bên cạnh việc các thầy đứng lớp truyền nghề bằng tất cả tâm huyết, tình yêu thương học trò, NSND Hồng Vân, NSƯT Hữu Châu, NS Minh Nhí, hễ nhận chương trình, show diễn nào cũng cố gắng tìm kiếm vai diễn cho các em, giúp các em được cọ xát thực tiễn, có thêm những kinh nghiệm biểu diễn. Không chỉ thế, công ty cũng tranh thủ kết nối với các đại sứ quán để tìm kiếm những cơ hội cho các em được tiếp cận, học hỏi kinh nghiệm hoạt động phục vụ cộng đồng từ những chuyên gia, nghệ sĩ người nước ngoài (mỗi lớp tập huấn học trong vòng 1 - 2 tuần).
NSND Hồng Vân cho biết: “Tôi không chủ trương khai thác kinh doanh trong việc đào tạo diễn viên. Tôi chỉ muốn chủ động tạo được lực lượng diễn viên trẻ kế thừa cho sân khấu kịch của mình. Khi tham gia các khóa học, các em vững tin sẽ có cơ hội được làm nghề - tham gia các vở diễn tại sân khấu kịch Hồng Vân. Trong thời gian tới, lực lượng diễn viên trẻ, năng động này sẽ là đội xung kích, tham gia trong nhiều vở diễn, chương trình, phục vụ những khán giả tiềm năng là công nhân, học sinh (tiểu học, THCS, THPT), lực lượng vũ trang… theo kế hoạch hoạt động của công ty. Tôi hy vọng phong trào và cách làm này được lan tỏa rộng hơn để dần hình thành một thế hệ diễn viên trẻ kế thừa sân khấu kịch nói TP. Mặt khác, tôi nghĩ, các đơn vị chuyên về đào tạo trên lĩnh vực sân khấu - điện ảnh cũng nên hướng tới mô hình liên kết với các sân khấu kịch để tạo cơ hội cho học viên tiếp cận thực tiễn nhiều hơn”.
THÚY BÌNH