Hơn 600 học sinh cùng các thầy, cô giáo đã cùng tham dự chương trình SKHĐ chủ đề “Học sinh quận 1 TPHCM làm theo 5 điều Bác Hồ dạy”, thưởng thức các tiết mục văn nghệ tuyên truyền, đặc biệt là tiểu phẩm Chuyện của Tí (tác giả, đạo diễn Hoàng Duẩn).
Chuyện của Tí nói về việc bảo vệ môi trường trong học sinh và giới trẻ. Câu chuyện kịch dí dỏm, sinh động xoáy vào nhân vật Tí - một cậu bé thường xả rác ở công viên và bờ kênh. Đến một ngày, khi nguồn nước bị ô nhiễm quá nặng, các sinh vật sống dưới nước như cá, cua, tôm… bị đột biến với những hình dáng vô cùng kỳ dị và đến tìm Tí để đòi cậu bé phải trả lại cho mình hình dáng xưa.
Ngay lúc này, một đàn chuột cống xuất hiện và đứng về phía Tí, vì nhờ có Tí thường xuyên xả rác nên chuột mới có điều kiện sống, sinh sôi. Tí được đàn chuột tôn vinh thành vua chuột. Cuộc đấu tranh quyết liệt, khó phân thắng bại giữa hai bên khiến cho Tí cuống cuồng sợ hãi và tỉnh giấc. Trải qua giấc mơ ghê sợ ấy, Tí cảm nhận được hành động sai trái của mình và hối hận, thay đổi quan điểm sống, nhiệt tình tham gia giữ gìn vệ sinh chung, bảo vệ môi trường.
Sau phần trình diễn, các học sinh có thời gian giao lưu cùng với ê kíp thực hiện chương trình, tương tác với nội dung tuyên truyền qua các câu hỏi ý nghĩa, đậm chất đời sống thực tiễn. Thầy Cao Đức Khoa, Hiệu trưởng Trường THCS Huỳnh Khương Ninh, cho biết: “Đây là một chương trình hay và có ý nghĩa, góp phần tuyên truyền trong học sinh việc thực hiện 5 điều Bác Hồ dạy... Chủ đề này đi đúng hướng với cuộc vận động toàn dân tham gia bảo vệ môi trường, không xả rác ra đường phố và nơi công cộng, cách phân loại rác tại nguồn, xây dựng thành phố xanh, sạch, đẹp, an toàn và một thành phố đáng sống theo chủ trương của lãnh đạo thành phố. Với hình thức biểu diễn nhẹ nhàng, vui nhộn, nội dung tuyên truyền được lồng ghép khéo léo, tự nhiên, hấp dẫn các em và cả các thầy, cô”.
Đạo diễn Hoàng Duẩn là người điều hành và đạo diễn dự án sân khấu quốc tế “Tiếng nói trẻ thơ - Children voice” trong nhiều năm, từng tham gia các khóa tập huấn làm sân khấu cho trẻ em tại Thụy Điển, Trung Quốc, Ấn Độ, Lào, trăn trở: “Mô hình SKHĐ, sân khấu cộng đồng, vốn phát triển rất mạnh mẽ ở nhiều nước trên thế giới... Các nước đưa hầu hết những vấn đề nóng của xã hội vào chương trình SKHĐ, thay vì phải chờ đợi đưa vào sách giáo khoa. Đặc biệt là những vấn đề mà học sinh, tuổi mới lớn thường gặp phải trong cuộc sống, học tập... Những câu chuyện được đưa đến các em, nội dung nhẹ nhàng, giải quyết nhanh những vấn đề bức bối, giúp học sinh dễ dàng cảm nhận những thông điệp ý nghĩa”.