Nghe, xem và thực hành
Vào mùa diễn sân khấu học đường, Nhà hát Nghệ thuật Hát Bội TPHCM tất bật với lịch diễn tại nhiều trường. Tùy theo lứa tuổi, nhà hát sẽ sắp xếp nội dung giao lưu, biểu diễn, giới thiệu về nghệ thuật hát bội, từ quá trình hình thành và phát triển, nghệ thuật cách điệu - ước lệ - tượng trưng trên sân khấu hát bội, ý nghĩa của hóa trang mặt nạ, các trình thức vũ đạo đến biểu diễn các trích đoạn Trần Bình Trọng tuẫn tiết, Trần Hưng Đạo ra quân, Lê Công kỳ án, Ôn Đình chém Tá… Các em còn tập thử làm diễn viên, thực hiện các động tác vũ đạo hát bội như chèo thuyền, chạy ngựa, múa giáo…
Trung tâm Văn hóa TPHCM cũng “đắt sô” với nhiều buổi giao lưu, biểu diễn sân khấu học đường. Trung tâm chủ động phối hợp với nhiều đơn vị như Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh TPHCM, Nhạc viện TPHCM, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, cùng các nghệ nhân dân gian đưa âm nhạc dân tộc đến với học sinh, sinh viên. Với từng chương trình âm nhạc dân tộc về nghệ thuật đờn ca tài tử, đơn vị tổ chức đã chọn giới thiệu đến các em các loại nhạc cụ tiêu biểu, những làn điệu dân ca, hò, vè vui tươi dí dỏm. Riêng với sinh viên, chương trình giới thiệu sâu rộng hơn về những điệu lý, nghệ thuật hát xẩm, ca trù, vọng cổ và các thể điệu, bài bản đặc sắc, tiêu biểu nhất. Chính sự đa dạng và phong phú của chương trình đã giúp chương trình luôn mới mẻ, có sức lôi cuốn với khán giả trẻ.
CLB sân khấu Lạc Long Quân thuộc Trung tâm Tổ chức và biểu diễn điện ảnh TPHCM cũng rất tâm đắc với việc đưa âm nhạc dân tộc, các trích đoạn cải lương đến với học sinh phổ thông. Trong đó, sử dụng hình thức trình diễn các trích đoạn cải lương, ca cảnh, kịch nói, được dàn dựng mới, để giới thiệu các nhân vật anh hùng dân tộc; thực hiện giao lưu với các NSND Bạch Tuyết, Minh Vương, Thanh Tuấn, Lệ Thủy, Ngọc Giàu…, qua đó giới thiệu nét đẹp sân khấu cải lương, đờn ca tài tử Nam bộ. Ngoài ra, học sinh cũng cùng tập ca một số bài bản được sáng tác lời mới, phù hợp với lứa tuổi, trong đó có bài Long Hổ Hội lời mới (sáng tác: soạn giả Hoàng Song Việt).
Mạnh ai nấy làm
Dù hoạt động sân khấu học đường lâu nay vẫn được các đơn vị nghệ thuật Nhà nước và các đơn vị nghệ thuật xã hội hóa nỗ lực duy trì, song hiệu quả của hoạt động này vẫn còn nhiều hạn chế. Trong đó là sự hạn chế về nội dung, là sự khó khăn của các đơn vị nghệ thuật khi phải tự đi tìm đối tác trường học để giới thiệu, ký hợp đồng biểu diễn. Những khó khăn ấy khiến các chương trình sân khấu học đường chưa thể phát huy hết giá trị.
Nhìn nhận ở góc độ khác, học sinh, sinh viên, đến với các chương trình sân khấu học đường vẫn chỉ như “cưỡi ngựa xem hoa”, vì không ít chương trình thiếu chiều sâu, độ rung cảm cần thiết. Khi chưa tạo được xúc cảm nghệ thuật, khó có thể khiến các em say mê, tò mò, muốn tìm hiểu các loại hình nghệ thuật truyền thống.
Ông bầu sân khấu kịch Idecaf Huỳnh Anh Tuấn, chia sẻ: “Ngay bây giờ, nếu chúng ta không tập trung và chú trọng vào công tác đào tạo thế hệ khán giả kế thừa cho sân khấu truyền thống, từ kịch nói, cải lương, hát bội… thì chắc chắn, 5-10 năm nữa, sân khấu sẽ như chiếc xe xuống dốc không phanh vì không có khán giả tìm đến xem, thích xem”.
Phó Giám đốc Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang - đạo diễn Phan Quốc Kiệt, cho biết: “Thời gian qua, nhà hát tạm ngưng các chương trình sân khấu học đường vì chờ đợi một dự án chung nhất của toàn thành phố xung quanh việc tổ chức chương trình sân khấu học đường mang tính quy mô, bài bản, lâu dài. Hiện nay, Sở GD-ĐT và Sở VH-TT TPHCM đã có sự phối hợp trong việc làm đề án sân khấu học đường, trình UBND TPHCM phê duyệt. Nội dung của chương trình sân khấu học đường mang tính căn cơ, bài bản, dài hơi này sẽ mang tầm chiến lược hơn. Hy vọng chương trình sẽ đạt hiệu quả tốt hơn, vì hiện nay, mỗi đơn vị nghệ thuật mạnh ai nấy làm sân khấu học đường. Các chương trình mang tính lẻ mẻ như vậy thật khó mà đạt hiệu quả cao như mong muốn”.