Dự án sân khấu kịch học đường được thực hiện với ý nghĩa nhằm thúc đẩy sự phát triển và lan tỏa hoạt động đào tạo tổ chức biểu diễn nghệ thuật sân khấu, tạo địa điểm để đào tạo nghệ thuật ngắn hạn cho các bạn trẻ yêu thích loại hình nghệ thuật kịch nói, góp phần truyền cảm hứng nghệ thuật đến khán giả trẻ là sinh viên, học sinh và đội ngũ giáo viên, giảng viên, viên chức các trường THPT, cao đẳng và đại học tại TPHCM.
Việc đưa sân khấu kịch đến với khán giả trẻ không phải là điều gì mới lạ. TPHCM cũng đã triển khai chương trình Đưa sân khấu vào học đường nhiều năm qua. Trước khi bị gián đoạn do đại dịch Covid-19, chính Sân khấu kịch Phú Nhuận của NSND Hồng Vân cũng đã từng rất thành công với việc đưa vào trường học các vở kịch văn học, đặc biệt là tác phẩm theo dòng hiện thực phê phán như Số đỏ, Kỹ nghệ lấy tây, Chí Phèo, Bỉ vỏ...
Các sân khấu khác cũng không đứng ngoài cuộc, như Sân khấu IDECAF ghi dấu ấn với kịch lịch sử dành cho thanh thiếu niên như Trần Quốc Toản ra quân, Sơn Tinh - Thủy Tinh, Thánh Gióng, Trưng Nữ Vương, Đinh Bộ Lĩnh…; Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ TPHCM thành công với vở Dấu xưa tái hiện tấm lòng vì nước vì dân của Bác Hồ, tình quân dân, đồng bào và các em thiếu nhi với Bác được khắc họa đầy xúc động, thiêng liêng; Nhà hát Kịch TPHCM với vở 18 tuổi khai thác đề tài tâm lý của lứa tuổi trưởng thành…
Hoạt động đưa nghệ thuật kịch nói đến với người trẻ trong trường học, trong giảng đường được đánh giá rất cao, bởi đây là loại hình nghệ thuật sống động, dễ tiếp thu nên người trẻ rất hào hứng đón nhận. Thông qua kịch nói, học sinh có hứng thú hơn với văn học, cảm nhận được cái hay, cái đẹp của tác phẩm văn học mà các em đã được học trong trường; hiểu hơn về những bài học lịch sử; những vấn đề của cuộc sống hôm nay.
Thế nhưng, tất cả các hoạt động trên lại chỉ dừng ở các chương trình hoạt động mang tính phong trào, tạm thời, chưa thật sự xây dựng một sân khấu kịch đúng nghĩa hướng đến lứa tuổi thanh thiếu niên. UEH Theatre vì thế được xem là bước đi đầu tiên trong việc chuyên nghiệp hóa việc xây dựng sân khấu kịch học đường. Định hướng của UEH Theatre được nêu rõ là sẽ chú trọng đầu tư dàn dựng và tổ chức biểu diễn các tác phẩm văn học, điển tích, truyền thuyết, lịch sử, văn học cách mạng, dân gian, đương đại… nổi tiếng trong và ngoài nước.
Sau mỗi buổi diễn, trích đoạn, khán giả học sinh, sinh viên sẽ có dịp đối thoại và trao đổi với ê kíp đạo diễn, diễn viên, để hiểu hơn về các tác phẩm nghệ thuật dưới những góc nhìn đa dạng. Đặc biệt là hoạt động thử tài hóa thân, nhập vai, biểu diễn một nhân vật trong tác phẩm sân khấu, dành cho học sinh, sinh viên, giúp các bạn trẻ có cơ hội trải nghiệm, mạnh dạn khám phá tiềm năng cá nhân, làm quen với sàn diễn. Bên cạnh hoạt động biểu diễn, UEH Theatre còn tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn tìm hiểu về sân khấu kịch, các loại hình nghệ thuật ứng dụng công nghệ, khóa diễn xuất căn bản sử dụng giọng nói và biểu cảm, ngôn ngữ hình thể bổ trợ cho việc trình bày, giao tiếp trước công chúng.
Những người tổ chức UEH Theatre đang có rất nhiều hy vọng vào sân khấu mới này, từ việc hỗ trợ phương pháp giảng dạy trong chương trình đào tạo ngữ văn của học sinh THPT trên địa bàn thành phố và các tỉnh lân cận, đến giúp người trẻ củng cố tinh thần sáng tạo để cân bằng và nâng cao chất lượng cuộc sống, công việc… Nhưng trên tất cả, niềm mong mỏi lớn nhất vẫn là thông qua những vở kịch, những buổi giao lưu sẽ góp phần từng bước hình thành một cộng đồng cùng hướng đến sự phát triển văn hóa nghệ thuật bền vững và lan tỏa giá trị của công việc truyền cảm hứng nghệ thuật đến những người trẻ - khán giả sân khấu tương lai.