Lỗ hổng đào tạo, rèn nghề
Một thực tế đáng buồn là nhiều năm qua, trường, khoa chuyên đào tạo diễn viên, nghệ sĩ sân khấu cải lương tại TPHCM không thể cho ra lò những gương mặt mới tài năng, sáng giá, nổi trội cho lĩnh vực sân khấu truyền thống. Dù khâu tuyển sinh của nhà trường luôn quảng bá và sử dụng những chế độ ưu đãi để khuyến khích các thí sinh thi tuyển đầu vào, nhưng số lượng dự thi khoa kịch hát dân tộc cứ ngày càng ít ỏi.
Một giảng viên ngành sân khấu cho biết, khi đầu vào không đủ chỉ tiêu tuyển sinh, nhà trường sẽ ráng “vớt” các thí sinh bị rớt của các chuyên ngành khác. Vào học, các em cũng dần yêu thích nghệ thuật ca diễn, nhưng vẫn không thể phát huy được mặt mạnh năng khiếu của từng em. Thế nên, công việc đào tạo đội ngũ trẻ cho chuyên ngành đặc thù này cũng chỉ có thể đạt được ở mức độ nhất định.
Một thực trạng tồn tại nhiều năm qua, đó là thí sinh có tài năng thực sự thì không chọn thi vào trường chuyên ngành để học bài bản, trong khi số đông đang theo học nghệ thuật sân khấu truyền thống dân tộc chỉ mới có sự yêu thích, chịu khó học hỏi, rèn luyện, còn về tài năng thiên phú, những yếu tố cần và đủ của một nghệ sĩ sân khấu thì các em còn thiếu. Thực tiễn cho thấy, trong nhiều vở báo cáo tốt nghiệp của sinh viên sân khấu cải lương, đa số các em ca còn yếu, diễn xuất đơn giản, nhân vật chưa tạo được ấn tượng với người xem. Đến khi tốt nghiệp ra trường, rất ít em được về các đoàn tỉnh làm việc, một số em cố gắng tự tìm kiếm các show diễn để duy trì với nghề, nhưng cũng có nhiều em phải chuyển hướng làm ngành nghề khác.
Đạo diễn, nghệ sĩ Lê Trung Thảo tâm tư: “Càng nghĩ về nghề tôi càng chạnh lòng. Nhiều năm qua, công tác đào tạo ngành sân khấu thật nan giải. Các em không có ý thức học hỏi, rèn luyện nhiều như thế hệ nghệ sĩ đi trước. Sau khi tốt nghiệp, các em đoạt các giải thưởng từ các cuộc thi, gameshow truyền hình…, nghĩ mình đã thành nghệ sĩ, kiếm được nhiều tiền, chạy nhiều show vậy là thành ngôi sao, người nổi tiếng, sau đó không chịu học hỏi thêm.
Không phủ nhận là nhiều em kiếm tiền rất giỏi, nổi tiếng trên các phương tiện thông tin truyền thông, nhưng với nghề thì các em không thể hiện được bản lĩnh khi đứng trên sân khấu thực sự. Sân khấu cải lương có đông người trẻ, nhưng khi dựng vở, tìm kiếm người cho các vai diễn thì lại kiếm không ra, không ít nghệ sĩ trẻ hay chê vai lớn vai nhỏ, nhưng khi cho đứng trụ vai thì ca diễn không nổi…”.
Trách nhiệm nghệ sĩ trẻ
TPHCM có một đơn vị hoạt động cải lương chuyên nghiệp là Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, tuy đã nhận cơ ngơi mới - rạp Hưng Đạo làm nơi tổ chức biểu diễn, nhưng vì còn nhiều trở ngại về kỹ thuật, thiết kế trong xây dựng, nên hoạt động sáng đèn cũng gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, một trong những khó khăn lớn nhất của nhà hát hiện nay chính là nguồn nhân lực. Nhà hát hiện có 3 đoàn, lực lượng nghệ sĩ trẻ của nhà hát khá đông, thế nhưng những gương mặt tài năng, nổi bật, chuyên nghiệp, giỏi nghề, nhiệt huyết và máu lửa với nghề không nhiều.
Vì hoạt động của lĩnh vực sân khấu cải lương truyền thống gặp nhiều khó khăn, công tác tổ chức biểu diễn không được làm thường xuyên, nên trong một thời gian dài nhà hát chưa sáng đèn liên tục. Vậy nên, ban giám đốc nhà hát đã rất ưu ái để cho các nghệ sĩ tranh thủ chạy show, kiếm thêm để xoay sở, trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, đến khi nhà hát dựng vở, nhiều nghệ sĩ mải chạy show bên ngoài, không sắp xếp tham gia nhận vai, tập luyện. Cũng vì vậy tại nhà hát thường xảy ra tình trạng một số nghệ sĩ trẻ ít lên sàn tập, ra diễn không thuộc tuồng, diễn xuất hời hợt.
NSND - đạo diễn Trần Ngọc Giàu, Giám đốc Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, chia sẻ: “Tôi đã góp ý với các em nhiều lần về tính kỷ luật trong việc tập luyện, làm nghề. Mình phải tôn trọng nghề, tôn trọng mình trước rồi hãy đòi hỏi người khác tôn trọng mình. Khi lên sàn tập, các em không chịu học thuộc tuồng, diễn không nhập vai, mấy anh hậu đài coi còn chán huống chi khán giả. Ở các em vẫn còn thiếu sự nhiệt huyết đam mê nghề cần phải có của một nghệ sĩ sân khấu”.
Sân khấu cải lương đến nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế và bất cập, cần giải quyết rốt ráo. Trước tiên chính là chế độ đãi ngộ người tài dành cho nghệ sĩ trẻ tài năng thực sự, nhằm giúp các em chuyên tâm làm nghề, nỗ lực phát huy tài năng và niềm đam mê sàn diễn. Ngoài ra, cần xây dựng, đào tạo, quy tụ một đội ngũ tác giả, soạn giả, đạo diễn sân khấu nhiệt huyết để sân khấu có những tác phẩm hay, chất lượng. Cần đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất đủ chuẩn để đáp ứng nhu cầu tổ chức biểu diễn…
Trong chính sách đầu tư và phát triển văn hóa TPHCM, cần thiết phải có nguồn kinh phí đào tạo đặc biệt dành cho sân khấu cải lương truyền thống, loại hình nghệ thuật mang tính đặc thù, độc đáo của văn hóa nghệ thuật miền Nam. Cách thức đào tạo vừa học vừa hành được xem là mô hình khả thi, giúp trui rèn một lớp nghệ sĩ trẻ kế thừa. Nếu không nhanh có những hành động cụ thể, không có sự quan tâm kịp thời từ phía nhà nước, cơ quan quản lý văn hóa, thì công việc giữ gìn và duy trì hoạt động sân khấu cải lương truyền thống tại TPHCM trong nay mai sẽ càng mai một.