Lần đầu tiên, tôi đi chợ ở ngoài quê Vạn Giã, Khánh Hòa, thấy con cá to, có màu xanh đèm đẹp, cứ đứng xớ rớ mà không biết cá gì. Một người phụ nữ tốt bụng nói nhỏ vào tai: cá mó mua làm gì, thịt dở lắm. Lúc đó mới nhớ lại lời má: “Cá mú chú ăn, cá mó chó ăn”.
Câu đó má nói hồi tôi còn nhỏ. Má giải thích: “Chú là các chú đó, mấy ông chệc giàu lắm mới có tiền ăn cá mú. Còn cá mó thịt dở, người hổng mấy ai ăn, nên người ta mới nói cá mó chó ăn”. Chuyện má tôi nói là thời Mẹ Đại dương còn thanh tân, còn giàu nứt đố đổ vách.
Một lần khác, tôi thấy một hàng cá "chạy" bày trên phần ngăn cách của con đường Trần Phú (xưa là Duy Tân), Nha Trang, đoạn gần cây cầu cùng tên đường, có mấy con cá mó xanh thiệt bự, mới đứng lại coi, vì dẫu sao loài cá này còn đẹp hơn cá mú. Chị bán cá mời. Tôi nói: “Cá mó chó ăn, mua làm gì!” Chị hàng cá nguýt dài: “Bây giờ người không có ăn, lấy đâu có chó ăn!” Tới lúc này Mẹ Đại dương coi mòi đã "xụi lơ" với sản vật của mình.
Bớt mú, mó đắt hàng
Trên bước đường tha phương, rồi tới lúc cũng được ăn cá mó vốn chỉ có... chó ăn. Con cá mó xanh khá bự. Quả ư là thịt nó vừa tanh, vừa bở. Bở không hẳn là một tiêu chí để chê cá không ngon. Cá thu thịt cũng bở, nhưng lại thuộc loại cá hàng "khanh tướng", hàng chợ Tông Đảng. Cá thu chiên giòn chấm mắm ngò, hoặc nấu cháo, ngon cỡ gì, thịt nó ngọt hơn nhiều loại cá thịt dai khác. Cá mó thịt chẳng ngọt gì mấy. Chỉ được có cái đầu béo, đủ thứ kết cấu: mềm thịt, giòn sụn, dai gân. Đúng là so với cá mú giống như so chú với chó.
Chẳng hiểu sao người Huế lại gọi cá mó là cá ốc mó. Trong cuốn dạy nấu ăn bằng thơ Thực phổ bách thiên, bà Trương Đăng Thị Bích, con dâu của nhà thơ Tùng Thiện Vương, có công thức “Cá ốc mó nấu thơm”: Ốc-Mó, thơm sòng vị hạp nhau,/ Đương tươi rửa sạch nấu liền mau,/ Muối rang với ruốc nêm chừa cặn,/ Nhuống xuống hành ngò xắt bỏ sau.
Ngày Môi trường thế giới 5-6-2021 tôi mới hay nhiều lời báo động về sự cạn kiệt của loài cá này, vì chúng có công góp phần tẩy độc cho san hô.
Trong lúc tìm hiểu về chúng, tôi gõ thử từ "thịt cá mó" vào máy tìm của Google, kết quả là 436.000. Tìm sâu hơn, có cả thảy 17 trên tổng số 19 trang có thông tin về món ăn cá mó. Nên xin đời hãy giữ lại tinh thần của tiền nhân, hãy cứ để "cá mó chó ăn".
Thực ra, cho đến nay, khoa học vẫn chưa biết cặn kẽ về dòng cá này, nhất là dòng chuyên cạp tảo ở san hô giúp san hô thở và phát triển (?). Tuy nhiên ở Việt Nam, cá wrasse và parrotfish đều gọi chung là cá mó, vì đều là cá rạn. Và dân ta từ mấy chục năm nay đã phục hồi "nhân phẩm" cho chúng. Coi cá mó là thứ sơn hào hải vị. Nói cho công bằng, thịt cá mó chỉ vào hàng trung bình. Nhưng thời nay, khi nhiều thứ cạn kiệt, nhiều người ca ngợi nó như một món cá ngon.
Thị trường vẫn đang bán cá mó xanh con bự, cá mó cát con nhỏ, còn gọi là cá lưỡi mèo. Cá mó đầu bướu khan hiếm hơn, giá cao gấp mấy lần cá mó xanh.
Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2 mới thực hiện đề tài “Khai thác nguồn gen cá mó Cheilinus undulatus phục vụ phát triển bền vững”. Con cá mó này bên tiếng Anh là con humphead wrasse - cá mó đầu bướu, nằm trong Sách Đỏ của IUCN.
Loại mó này lại không phải là dân "xáng cạp" mà chỉ ăn động vật chân bụng, cũng như động vật chân đốt, nhum, giáp xác và cá. Để ăn thịt nhum nó có kỹ năng ngậm con vật đem đập vào đá.
Cá mó cạp san hô là con parrotfish, đặc biệt là con humphead parrotfish - cá mó đầu bướu, chưa đủ dữ liệu để xếp vào loài nguy cơ. Để phân biệt, ta tạm gọi cá "xáng cạp" là cá mó vẹt. Vì nó có cải mỏ giống y mỏ chim vẹt nên Tây trông mặt đặt tên như thế.
Câu chuyện về con cá này thật lắm điều thú vị. Để không ăn nó nữa, tưởng cũng nên biết về đời sống của nó.
Cá mó vẹt có họ hàng gần với cá mó wrasse, gồm hơn 30 loài, chọn các rạn san hô làm quê hương. Một số loài dài tới 1,2m. Có thể kể ra năm đặc tính hấp dẫn của những sinh vật một thời bị dân Việt khắc khẩu:
Cá mó vẹt luôn luôn ngủ trong nóp. Trước khi đi ngủ mỗi đêm cá vẹt làm một cái túi ngủ trong suốt bằng chất nhầy tiết ra từ các tuyến ở trong mang. Chính thứ nhớt này làm cho món cá mó nặng mùi. Nóp giúp chúng không chỉ tránh các loại "rệp" - những động vật không xương sống - bám vào mình khi ngủ, mà con che dấu "hương" của chúng khỏi những kẻ săn mồi đêm như chình moray và cá mập.
Cá mó vẹt ăn nhiều và ị liền liền. Có một số loài chỉ thích ăn các loại tảo bám trên san hô. Với cái mỏ không thua... xáng cạp, nó có thể cạp san hô với tốc độ dễ nể 20 nhát mỗi phút. Những miếng cạp như thế gồm cả tảo và đá san hô, nên những gì đi vào tất phải đi ra. Nếu bạn bơi đằng sau một con mó vẹt đang kiếm ăn, bạn có thể phát hiện ra một đám cát mịn chảy ra đằng cửa hậu của nó. Đó là thứ đá không thể tiêu hóa được bị nhai nghiền mịn và thải ra. Các nhà khoa học cho rằng phân cá mó vẹt đóng góp phần lớn vào cát san hô được tìm thấy trên các rạn san hô và thậm chí giúp hình thành các đảo đá ngầm. Một con cá mó vẹt lớn ước chừng ị ra gần nửa tấn cát mỗi năm.
Răng cá mó vẹt cứng như sắt. Lặn dưới nước bên trên các vùng rạn, người ta không chỉ thấy cảnh sắc thần tiên và còn nghe được tiếng lạo xạo của một số loài cá mó vẹt khi chúng cạp và nhai san hô. Đó là lúc chúng đang ăn tảo và khuẩn trên đá vôi. Những chiếc răng cứng của chúng hợp nhất thành một với xương hàm. Bộ răng ấy được làm bằng một chất gọi là fluorapatite gồm calci, fluorin, phosphor và oxygen, có độ cứng 5 Moh, ăn đứt vàng, đồng và bạc. 6,5cm² răng ấy chịu được áp lực 530 tấn.
Cá mó vẹt có thể thay đổi màu và giới. Cá vẹt sinh ra phần đông là cá cái, một số ít là cá đực sơ cấp. Cá cái lớn lên sẽ biến thành cá đực thứ cấp và màu sắc của chúng cũng thay đổi. Cá đực sơ cấp suốt đời ôm kiếp nam nhi mù phận hồng nhan. Một con đực lớn có màu sắc rực rỡ theo kiểu chim công đực để thu hút và bảo vệ một hậu cung gồm những con cái xỉn màu hơn và chịu trách nhiệm như dê đực. Những con cá cái lớn lên sẽ thành đực, mã sắc thay đổi cho đẹp trai. Tới lượt nó tranh chức đầu đàn với những đực rựa khác. Từ khoa học gọi hiện tượng này là “lưỡng tính tiền nữ”.
Cá mó vẹt nhảy múa cầu tình dưới trăng rằm. Đêm rằm, hàng trăm con mó vẹt đực tập hợp với nhau trong một "chợ tình". Con đực húc đầu vào nhau để bảo vệ lãnh thổ và sau đó múa lượn biểu diễn khi con cái theo lối đi qua nhà anh. Khi đã chịu đèn nhau, chúng sẽ đẻ trứng và tinh trùng vào nước, ở đó quá trình thụ tinh diễn ra.
Rạn chết, cá mó bùng phát
Trong khi cá mó rạn ở Việt Nam ngày càng ít đi, quần thể cá mó ở hai rạn san hô Great Barrier Reef ở Tây Thái Bình Dương và Quần đảo Chagos ở Ấn Độ Dương - cách nhau 8.000km - lại bùng phát, theo một phát hiện được công bố hôm 2-12-2019.
Các nhà nghiên cứu dẫn đầu bởi Tiến sĩ Brett Taylor của Viện Khoa học Biển Úc (AIMS) có trụ sở tại Perth, xem xét các quần thể cá ở những khu vực rạn san hô bị tẩy trắng nghiêm trọng tại hai vùng rạn vừa nêu.
Tẩy trắng là phản ứng căng thẳng của san hô khi tiếp xúc lâu dài với nhiệt độ bề mặt biển cao hơn do biến đổi khí hậu. Lúc đó san hô mất màu sắc rực rỡ do tảo cực nhỏ có tên là Zooxanthellae. Các vi sinh vật này sống trong san hô theo mối quan hệ đôi bên cùng có lợi, mỗi bên giúp đỡ các loài khác tồn tại. Nhưng khi môi trường đại dương thay đổi - chẳng hạn như nếu nó trở nên quá nóng - thì san hô sẽ căng thẳng và trục xuất tảo ra ngoài. Khi tảo rời đi, san hô mờ dần cho đến khi trông giống như bị tẩy trắng. Nếu nhiệt độ tiếp tục cao, san hô sẽ không cho tảo quay trở lại và san hô sẽ chết.
Tại các khu vực rạn san hô bị hư hại, nghiên cứu ở trên cho thấy quần thể cá mó tăng số lượng từ hai đến tám lần, và các cá thể cá lớn hơn khoảng 20% so với những cá thể ở những phần không tẩy trắng. Hầu hết các loài cá khác đều giảm mạnh ở các khu vực bị tẩy trắng.
Các nhà khoa học kết luận rằng san hô và cá mó tạo thành một vòng phản hồi, từ từ đưa nhau về trạng thái cân bằng. Khi rạn san hô bị hư hại, số lượng cá mó phình to. Điều này dẫn đến mức độ bong tróc thấp do bị cá cạp, tạo cơ hội tốt nhất cho san hô phục hồi. Khi rạn san hô trở lại khỏe mạnh, số lượng cá mó lại suy giảm.
Các nhà khoa học đang tiến thoái lưỡng nan khi đưa ra kết luận về việc bảo vệ cá mó, vì san hô chết do địa cầu đang nóng lên. Trong khi không có san hô, cá mó nhanh chóng thích nghi với các loại thức ăn khác.
Dẫu sao tin này buồn nhiều hơn vui, vì số phận các rạn san hô đang chỉ mành treo chuông khi nhiệt độ Trái đất ngày càng nóng lên.