- PHÓNG VIÊN: Xin ông cho biết, xuất phát từ cơ sở nào để Sở Công thương đề xuất thực hiện mô hình sàn giao dịch heo?
- Ông Nguyễn Nguyên Phương: Thịt heo là mặt hàng đặc biệt quan trọng, chiếm vị trí thứ 2 về nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân TPHCM. Thực tế từ việc triển khai Đề án Truy xuất nguồn gốc thịt heo và Đề án Xây dựng chuỗi liên kết cung ứng thực phẩm an toàn trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, chúng tôi nhận thấy hoạt động chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất, chế biến nông sản thực phẩm đã phát triển rất nhanh và đạt được nhiều thành quả khả quan. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc nên chưa khai thác được hết tiềm năng sẵn có của TPHCM và cả vùng. Chúng ta vẫn phải loay hoay với việc quản lý hết sức gian nan và khó đảm bảo được hiệu quả cao, khi thị trường mặt hàng thịt heo vẫn đang vận hành theo phương thức truyền thống với chăn nuôi nhỏ lẻ, giết mổ thủ công, bán hàng qua nhiều tầng nấc trung gian. Chính vì vậy, Sở Công thương đã đề xuất UBND TPHCM cho phép nghiên cứu xây dựng thí điểm mô hình sàn giao dịch heo, trước khi nhân rộng ra các mặt hàng nông sản thực phẩm khác.
Ở góc độ khác, đối với mặt hàng thịt heo, TPHCM có quy mô thị trường đủ lớn với hơn 10.000 con/ngày, tổng doanh thu vào khoảng 17.000 tỷ đồng, tương đương 750 triệu USD/năm. Nguồn cung tập trung chủ yếu từ các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Bến Tre, Tiền Giang… Hệ thống phân phối tập trung với hơn 80% giao dịch qua 2 chợ đầu mối là Hóc Môn và Bình Điền, số còn lại được phân phối qua kênh các siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Cùng với đó là hệ thống dữ liệu người bán, người mua được thống kê, quản lý hiệu quả, chính xác thông qua Chương trình Truy xuất nguồn gốc. TPHCM cũng đang trong giai đoạn thực hiện quy hoạch xây dựng các cơ sở giết mổ công nghiệp hiện đại… là những điều kiện cần để đảm bảo cho việc xây dựng và hình thành mô hình kinh doanh mới, cụ thể là sàn giao dịch.
Theo tôi, việc hình thành mô hình này có thể giúp đáp ứng được cùng lúc nhiều mục tiêu TP đề ra như tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng văn minh, hiện đại, sản xuất lớn, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, quản lý an toàn thực phẩm minh bạch, ổn định thị trường, xây dựng TP văn minh.
- Ông có thể mô tả sơ bộ cơ cấu tổ chức và cơ chế vận hành của mô hình?
- Về sơ bộ, sàn có thể vận hành theo mô hình công ty cổ phần như hầu hết sàn giao dịch nông sản tại các nước có nền nông nghiệp tương đối tương đồng với Việt Nam. Nhà nước chỉ tham gia hỗ trợ ban đầu trong quá trình hình thành, xây dựng và ban hành các quy chế, quy định cần thiết và phù hợp cho sàn hoạt động; cũng như theo dõi, giám sát thay cho trực tiếp đầu tư, điều hành quản lý.
Qua nghiên cứu, khảo sát thực tế thành công cũng như thất bại của một số sàn giao dịch các mặt hàng nông sản trong và ngoài nước, cùng góp ý của các chuyên gia, chủ thể liên quan, chúng tôi nhận thấy, đối với mặt hàng thịt heo thì đa số các sàn giao dịch đang vận hành ở hình thức giao dịch heo hơi. Bên mua và bên bán giao dịch trực tiếp, sản phẩm mua bán cụ thể là heo sống. Tuy nhiên, việc kiểm định chất lượng được giao cho đơn vị kiểm địch độc lập, thực hiện đánh giá chất lượng trên heo mảnh sau khi giết mổ.
Trong kế hoạch, với sự hỗ trợ của các chuyên gia nước ngoài, đặc biệt từ Tổng Lãnh sự quán Anh và Tổng Lãnh sự quán Hà Lan tại TPHCM, Sở Công thương đề xuất nghiên cứu thêm mô hình giao dịch heo và nông sản khác đang hoạt động rất thành công tại Hà Lan và Pháp (nơi có nhiều sàn giao dịch và Anh tài trợ kinh phí đến nghiên cứu mô hình) để lựa chọn, bổ sung giải pháp kiểm định độc lập phù hợp với mô hình của TPHCM.
- Lợi ích cụ thể dự kiến mang lại của mô hình này khi đưa vào áp dụng so với phương thức mua bán, giao dịch hiện nay ra sao, thưa ông?
- Theo đánh giá của nhóm nghiên cứu, mô hình này sẽ đem lại lợi ích rất lớn cho xã hội cũng như tất cả các chủ thể tham gia.
Cụ thể: Đối với người chăn nuôi được giao dịch trực tiếp với người mua và tự quyết định giá bán, không phải thông qua các tầng nấc trung gian. Qua đó, người chăn nuôi có thể xây dựng được thương hiệu, hiểu rõ nhu cầu, quy mô thị trường để có kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp, ổn định.
Đối với người mua sẽ mua tận gốc, giảm được chi phí trung gian. Đối với cơ quan quản lý nhà nước, tạo lập được môi trường sản xuất kinh doanh tốt, công bằng, ổn định giá cả, quản lý dịch bệnh, an toàn thực phẩm, thuế… đơn giản và hiệu quả hơn. Người tiêu dùng có được thực phẩm sạch, an toàn, giá cả hợp lý.
- Trong quá trình nghiên cứu, xây dựng mô hình, sở đang gặp những khó khăn, vướng mắc gì?
- Tôi có thể nói ngay, khó khăn, vướng mắc chủ yếu tập trung ở giai đoạn khảo sát ban đầu, cụ thể là việc thuyết phục các đối tượng liên quan tham gia, ủng hộ. Chúng tôi đã tốn rất nhiều thời gian, công sức cho việc vận động, thuyết phục này. Để thay đổi thói quen, cách thức chăn nuôi, mua bán gần như tự phát lâu nay bằng phương thức mới văn minh, hiện đại hơn, áp dụng các ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, kiểm tra, kiểm soát… đòi hỏi phải đầu tư, đào tạo lại; các thông tin phải minh bạch, được kiểm soát chặt chẽ, đầy đủ, chính xác. Cách làm này sẽ gây khó khăn cho cách thức sản xuất, kinh doanh gian dối, thiếu minh bạch về chất lượng nên không thể dễ dàng có được sự đồng thuận, ủng hộ từ tất cả các chủ thể liên quan.
Tuy nhiên, phải nói rằng những vấn đề này đã được giải quyết khi chúng tôi triển khai thành công giai đoạn 1 của Đề án Truy xuất nguồn gốc thịt heo. Đến nay, việc lấy ý kiến về mô hình sàn giao dịch, gần như không gặp phải sự phản đối nào, tất cả đều đồng thuận, ủng hộ và đóng góp nhiều ý kiến chính xác, hữu ích. Hơn nữa, trong quá trình nghiên cứu, xây dựng mô hình, chúng tôi nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, quyết liệt của lãnh đạo Thành ủy, UBND TPHCM và sự hỗ trợ, phối hợp tích cực của các sở ngành liên quan, các tỉnh thành trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và 2 chợ đầu mối Hóc Môn, Bình Điền nên công tác triển khai thực hiện tương đối thuận lợi.
- Ông có thể cho biết kế hoạch và tiến độ triển khai của dự án?
- Qua tổng hợp ý kiến các chuyên gia trong và ngoài nước, chủ thể liên quan là các công ty chăn nuôi lớn, cơ sở giết mổ gia súc, thương nhân và ban quản lý các chợ đầu mối… tại buổi tọa đàm, chúng tôi sẽ có báo cáo trình UBND TPHCM cho phép triển khai các bước tiếp theo trong kế hoạch. Dự kiến đến cuối năm 2020, đề xuất mô hình cụ thể cũng như hoàn tất các bước chuẩn bị để đầu năm 2021 đưa vào vận hành thí nghiệm.
- Cảm ơn ông!