Rầm rộ khai thác đất
Đến xã Đông Thanh (huyện Lâm Hà), chúng tôi bắt gặp từng đoàn xe tải đủ các loại chở đất từ những thửa đã được phân lô đem đi tiêu thụ tại các thôn Tầm Xá, Đông Anh. Những con đường liên thôn chỉ rộng 3-4m bị băm nát bởi xe tải chở đất cày xéo mỗi ngày. Nhiều khoảnh vườn trồng cà phê, dâu tằm của người dân bị cạo trọc, bới múc loang lổ trải khắp các sườn đồi.
Ông L.T. (chủ một xe tải ở địa phương) cho biết, thời gian gần đây liên tục được thuê chở đất. “Họ đào bới, san gạt công khai, có khi san cả quả đồi, chả thấy lực lượng chức năng xử lý. Họ thuê thì mình chở thôi”, ông T. nói. Tương tự, trên địa bàn huyện Lâm Hà không có mỏ đất nào được cấp phép nhưng lại không thiếu những tổ chức, cá nhân chuyên cung cấp các loại đất san lấp mặt bằng. Liên hệ với một đầu nậu tại địa phương để trao đổi về giá đất, người này cho biết, muốn bao nhiêu cũng có, giá mỗi xe đất đỏ bazan dùng trồng cây là 500.000 đồng/xe, nếu là đất tạp (đất lẫn đá) thì 200.000 - 300.000 đồng/xe.
Qua ghi nhận, đất đồi nhiều khu vực tại xã Đạm B’ri, phường Lộc Tiến, phường Lộc Phát (TP Bảo Lộc), thị trấn Lộc Thắng, xã Lộc Quảng (huyện Bảo Lâm)… cũng đang bị “xẻ thịt” đem bán. Người dân quanh các khu vực này tranh thủ san gạt những thửa đất đã được phân thành lô để tạo mặt bằng thuận tiện cho việc xây dựng các công trình. Những triền đất đỏ bazan màu mỡ vun đắp cây công nghiệp trù phú đang bị múc lên đưa đi nơi khác san lấp mặt bằng.
Cần xử lý nghiêm
Có mặt tại khu vực Bãi Sậy, xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương, chúng tôi chứng kiến cảnh hàng chục cây thông đang bị vùi lấp gốc bởi hoạt động san gạt, cải tạo mặt bằng sản xuất nông nghiệp. Một dải dất rộng khoảng 7.000m2 được người dân đưa máy múc cào giật, gạt tràn xuống phía rừng thông ở dưới, khiến màu xanh của rừng bỗng chốc nhuộm màu đất đỏ bazan. Cách đó khoảng 10km, một khoảnh rừng ngay cạnh quốc lộ 27C cũng bị người dân đưa máy múc dọn đất để mở đường lên khu sản xuất của các hộ dân tại tiểu khu 118, xã Đạ Sar.
Để tận dụng phần đất dôi dư hàng trăm mét khối, người dân sử dụng xe tải múc đất tại khoảnh 1, tiểu khu 118 chở băng qua quốc lộ, đổ xuống khu vực thấp trũng để tạo mặt bằng. Đất tràn cả xuống suối gây cản trở dòng chảy. Điều đáng nói, chính UBND xã Đạ Sar đã ký giấy cho phép người dân mở đoạn đường trên đất rừng có chiều dài hơn 600m, trong khi thẩm quyền cho phép thuộc về cơ quan cấp huyện. Còn tại phường Lộc Tiến (TP Bảo Lộc), dù chưa được cấp phép nhưng các hộ dân tại đường Phùng Hưng đã san gạt, đổ đất chặn dòng suối rộng gần 10m. Mặc dù chính quyền địa phương đã ghi nhận nhưng chưa xử lý.
Trước tình trạng san gạt, cải tạo mặt bằng trái phép, Sở TN-MT tỉnh Lâm Đồng vừa có văn bản gửi các địa phương trong tỉnh phối hợp xử lý. Trong đó, đề nghị chuyển hồ sơ các trường hợp vi phạm nhiều lần, cố tình vi phạm, ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường, thất thoát tài nguyên sang cơ quan công an để điều tra, xử lý. Tỉnh Lâm Đồng cũng có chỉ thị nghiêm cấm lợi dụng việc nạo vét, khơi thông dòng chảy, san gạt cải tạo mặt bằng, cải tạo đất, đào ao, hồ để khai thác khoáng sản trái phép; xử lý nghiêm người đứng đầu nếu để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép. Tuy nhiên, với mức xử phạt chưa đủ răn đe, trách nhiệm người đứng đầu chỉ bị xử lý “giơ cao đánh khẽ”, nên tình trạng san gạt, khai thác đất ở Lâm Đồng vẫn diễn ra tràn lan mỗi ngày.