Năm 2012, doanh nghiệp này được Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam mua 51% cổ phần và hiện đang chiếm khoảng 30% thị phần găng tay y tế trên cả nước. Trong mấy tháng qua, các đơn đặt hàng cung cấp găng tay y tế đạt tiêu chuẩn chất lượng từ các nước châu Âu, Mỹ đổ dồn về Việt Nam khiến doanh nghiệp trong ngành sản xuất hết tốc lực với hàng triệu sản phẩm mỗi tháng vẫn không đủ đáp ứng.
Theo ông Dương Duy Phú, Phó Tổng Giám đốc VRG-Khải Hoàn: “Công ty sản xuất các sản phẩm chính như: găng tay cao su có bột, không bột và găng tay cao su phẫu thuật tiệt trùng. Chúng tôi đã và đang duy trì áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo các tiêu chuẩn quốc tế nghiêm ngặt. Công ty cũng đã nhận chứng chỉ FDA 510K xuất hàng đi Mỹ, chứng nhận CE Marking xuất hàng đi châu Âu, Chứng nhận của Bộ Y tế và Giấy chứng nhận phù hợp của Trung tâm 3”.
Hiện Công ty VRG-Khải Hoàn vẫn giữ mức giá bán như lúc chưa có dịch bệnh, cụ thể giá mỗi thùng găng tay y tế bán tại nhà máy là 550.000 đồng/thùng (1.000 cái) và có tới 80% số lượng xuất đi các nước Mỹ, châu Âu, 20% còn lại chủ yếu được bán tại các cơ sở y tế; số lượng bán ra ngoài gần như không có. Hiện Công ty VRG-Khải Hoàn đã hoạt động tối đa công suất, mỗi tháng đạt 220 triệu chiếc găng tay y tế nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu từ các đối tác mới, các đại lý trong nước.
Do sản xuất không kịp đơn hàng nên ở thị trường tự do, các đầu nậu tìm mọi cách mua cho được găng tay y tế để xuất ra nước ngoài với giá gấp 2-3 lần giá niêm yết tại nhà máy của Công ty VRG-Khải Hoàn, nhưng vẫn không mua được. Đã xuất hiện các hình thức lừa đảo, đe dọa để chiếm đoạt hàng hóa. Điển hình như sự việc xảy ra ngày 15-5-2020, một nhóm người có hành vi đe dọa nhân viên kinh doanh Công ty VRG-Khải Hoàn, buộc dừng xe tải để giao 50.000 thùng găng tay, cùng thời điểm có một ô tô bán tải chạy thẳng vào công ty yêu cầu xuất hàng... Bên cạnh đó, các hình thức giả mạo giấy tờ, hợp đồng, ủy quyền... để tìm cách vào kho hàng trong công ty khiến khu vực này có lúc hết sức nóng bỏng.
Theo lãnh đạo Công ty VRG-Khải Hoàn, hiện công ty không có sản phẩm để bán ra ngoài nên việc các tổ chức, cá nhân bên ngoài ký hợp đồng xuất khẩu, phân phối, nhận đặc cọc của các đối tác có nhu cầu thì phần lớn là lừa đảo.