Khoảng một năm trở lại đây, đã xuất hiện nhiều sàn đấu giá nghệ thuật nhưng cũng nảy sinh một số hiện tượng như: tác phẩm nghệ thuật được đấu giá thành công với mức cao nhưng sau đó chủ sở hữu chấp nhận mất tiền đặt cọc chứ không lấy tác phẩm; việc tranh cãi thật, giả, bản gốc hay bản sao tác phẩm nổi tiếng của các danh họa trong nước… Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam; xung quanh vấn đề này.
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam
PHÓNG VIÊN: Theo ông, việc xuất hiện sàn đấu giá mỹ thuật chỉ trong một thời gian ngắn, có phải là tín hiệu “ấm dần lên” của nền mỹ thuật trong nước?
Ông LƯƠNG XUÂN ĐOÀN: Cá nhân tôi ủng hộ việc xuất hiện và đi vào hoạt động của các sàn tranh. Nó thúc đẩy sự phát triển của nghệ thuật nói chung và hội họa nói riêng, tạo ra một thị trường lành mạnh, thu hút các nhà đầu tư cũng như giới mộ điệu không chỉ trong nước mà cả quốc tế “ngó” vào Việt Nam.
Hoạt động của các sàn giao dịch tranh còn tạo điều kiện cho các tác giả trẻ khẳng định giá trị và đóng góp vào sự nhộn nhịp, đa dạng của thị trường còn bỏ ngỏ, hoạt động chưa hiệu quả này. Loạt các sàn đấu giá mọc lên cũng không thể giải quyết được câu chuyện của nghệ thuật. Nó tiếp tục là một kiểu làm ăn mới trong lĩnh vực mỹ thuật.
Một số ý kiến tỏ ra nghi ngờ khi cho rằng, mỗi cuộc đấu giá là một cuộc “rửa tranh” rất tốt. Tranh lọt qua vòng đấu giá và có người mua thì giá trị đã có mốc cụ thể?
Tôi không khẳng định điều này, vì khi nói cần phải có cơ sở rõ ràng. Song có thể thấy đã và đang tồn tại những đường dây làm tranh giả xuyên quốc gia, ngoài tầm kiểm soát của những người chuyên trách. Điều này làm tổn hại đến hình ảnh đẹp đẽ của các danh họa Việt Nam, cũng như đã xóa hoàn toàn khuôn mặt của mỹ thuật Đổi mới. Các sàn đấu giá nghệ thuật là xu hướng chung mà thế giới đã thực hiện từ lâu. Tuy nhiên, cái gì mới cũng gặp nhiều khó khăn, trong đó có những vấn đề như: chưa đủ điều kiện để hoạt động, chưa đủ cơ sở pháp lý kèm theo, nên cần thời gian “tập dượt”.
Có nên có một hội đồng thẩm định mỹ thuật, nơi đưa ra các nhận định mang tính chân xác cao về các tác phẩm đang nghi vấn thật giả?
Thực ra cách đây khoảng 10 năm, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cũng đã thành lập một trung tâm kiểm định tranh như vậy. Nhưng tiếc là trung tâm lập ra nhưng không có bất cứ ai lai vãng… cuối cùng đã đóng cửa. Phân tích việc đóng cửa này, một số người cho rằng, do việc lâu nay giao dịch ngầm vẫn đang thắng thế. Một thực tế là thành viên tham gia trung tâm chưa hẳn chuyên nghiệp, uy tín và xuất sắc nhất, phần lớn đều là quân số của bảo tàng, vì vậy cũng dễ hiểu khi trung tâm không giành được niềm tin của các nghệ sĩ và người mua tác phẩm mỹ thuật.
Khi mà ý thức của các tác giả về việc bảo vệ tác quyền của mình chưa cao; món lợi từ tranh giả còn quá lớn, khiến nhiều tranh giả xuất hiện và nhiều phiên bản của một tác phẩm tốt cũng xuất hiện, theo ông làm cách nào để phân định rạch ròi thật - giả?
Trước tiên phải nói tới ý thức tự thân của mỗi nghệ sĩ trước những đứa con tinh thần của mình. Thêm nữa, cũng cần chất xúc tác mạnh hơn để nghệ sĩ có môi trường sáng tác lành mạnh, trong sạch. Cũng có trường hợp, họa sĩ vẽ đi vẽ lại một số bức được cho là ăn khách. Việc làm này cũng dẫn tới một vài tình huống dở khóc, dở cười khi họa sĩ bị trả lại tranh do người mua thấy tác phẩm khác giống hệt. Đó là cá nhân, còn một số phòng tranh tuy ký hợp đồng độc quyền với họa sĩ, nhưng cũng bị nghi ngờ làm giả tranh để đi cửa sau. Tranh gốc có thể vẫn còn nguyên nhưng những phiên bản thì được giao dịch. Những ngón nghề buôn bán nghệ thuật thật khó xác định, bởi không có vật chứng cụ thể.
Với tư cách là hội nghề nghiệp, bảo vệ quyền lợi của những người làm việc trong môi trường mỹ thuật, hội có giải pháp gì không?
Hội Mỹ thuật chỉ có quyền lên tiếng bảo vệ hội viên chứ không thể trực tiếp giải quyết các vụ việc. Thêm nữa, rất nhiều người khi phát hiện tác phẩm của mình bị xâm hại, họ chỉ kêu lên, ấm ức thậm chí chửi đổng, chứ rất ít người khiếu kiện.
Đấu giá tranh là một bước tập dượt đối với thị trường nghệ thuật Việt
Chẳng lẽ nghệ sĩ chỉ có thể ngồi than và chờ đợi nền mỹ thuật tự gạn đục khơi trong?
Ở thế kỷ 20, ở Hà Nội có nhà sưu tập Đức Minh, ông xứng đáng là nhà sưu tập mỹ thuật hàng đầu của Việt Nam với một tư chất văn hóa lớn, có thể cảm nhận được nét bút của các bậc danh họa. Sau này, xuất hiện nhiều nhà sưu tập biến tướng, tranh giả cũng từ đó tuồn ra…
Chúng ta cần phải dọn sạch thị trường tranh giả Việt Nam, xây dựng lại từ đầu thị trường tranh nội địa sạch sẽ và chuyên nghiệp. Các nhà sưu tập thế hệ mới, các chuyên gia có tiềm lực kinh tế cần vào cuộc để hình thành nên những bộ sưu tập mới của các họa sĩ đương thời Việt Nam. Từ đó, tôi tin với sự tiếp cận đời sống mỹ thuật đương đại, phát hiện những tác giả mới, chắc chắn một thời đại thị trường mỹ thuật Việt Nam mới sẽ hình thành.
Rõ ràng hiện nay từ các phòng tranh, thị trường tranh nội địa có quá nhiều bất cập. Những hoạt động sáng tạo của họa sĩ bị chông chênh, mất niềm tin. Các phòng tranh phải cùng gánh trách nhiệm, như vậy mới hy vọng hình thành một thị trường chuyên nghiệp và lành sạch.
Xin cảm ơn ông!