Bằng tay nghề thuần thục, kinh nghiệm phong phú, nhiều năm liền lão ngư Lê Xuân Tiến (60 tuổi, Cẩm Nhượng, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) cùng các bạn thuyền vươn khơi và liên tiếp đánh bắt trúng đậm hàng tấn cá chim vây vàng (còn gọi là cá vàng dâng), thu nhập cả tỷ đồng.
Những ngày giáp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, do biển động, tranh thủ tàu đang neo đậu tại âu thuyền xã Cẩm Nhượng, ông Lê Xuân Tiến cùng các bạn thuyền tất bật khâu vá lại ngư lưới cụ, sửa chữa máy móc để chuẩn bị cho chuyến ra khơi cuối cùng trong năm.
Ông Tiến cho biết, năm 20 tuổi, ông được bố cho theo tàu ra vùng lộng để học hỏi nghề đánh bắt lưới vây rút chì. Từ đó đến nay, ông đã gắn bó với nghề này gần 40 năm. Ban đầu, do gia đình khó khăn chỉ mua được tàu nhỏ, ngư lưới cụ thô sơ nên việc đánh bắt hiệu quả không cao. Sau này, khi tích cóp số vốn kha khá và vay mượn thêm, ông Tiến đầu tư gần 1 tỷ đồng đóng mới tàu công suất 115CV và máy móc.
Có tàu lớn, tay nghề và kinh nghiệm, ông Tiến cùng khoảng 10 lao động địa phương ra khơi đánh bắt hải sản chủ yếu ở ngư trường Cửa Nhượng, Hòn Bớc (huyện Cẩm Xuyên), mỗi chuyến đi biển kéo dài 1-2 ngày và mang về thu nhập khấm khá. Những năm gần đây, ông Tiến đầu tư khoảng 200 triệu đồng mua máy móc hiện đại và lưới dài khoảng 250-300m, rộng 30-45m, nặng gần 1 tấn. Nhờ vậy, ngoài trúng các loại hải sản trị giá hàng tỷ đồng thì tàu của ông còn liên tiếp đánh bắt được số lượng lớn cá vàng dâng.
Theo ông Tiến, cá vàng dâng hiếm khi xuất hiện, nhưng mỗi khi xuất hiện thì chúng di chuyển theo đàn lớn, vào ban đêm cá bơi cách mặt nước 1-2m, rọi đèn thấy lấp lánh màu vàng óng ánh. Tại ngư trường Cửa Nhượng, Hòn Bớc có rất nhiều đá ngầm, rạn san hô, đây cũng là nơi cá vàng dâng sinh sống, ẩn nấp. Để đánh bắt được loài cá này, ngoài có đủ phương tiện, nhân lực, đòi hỏi ngư dân phải có trình độ tay nghề cao, nhớ tường tận các vị trí địa hình địa vật khu vực dưới đáy biển, nếu ngư dân tay nghề còn non chắc chắn sẽ thất bại, mà đá ngầm và san hô còn làm lưới bị hỏng rách, thiệt hại.
“Mỗi lần phát hiện đàn cá vàng dâng cách bờ khoảng 2-3 hải lý, tôi và các bạn thuyền sẽ dụ chúng ra khỏi khu vực đá ngầm, rạn san hô. Sau đó, vận dụng kinh nghiệm, tay nghề gần 40 năm đi biển, nhanh chóng thả lưới theo hình vòng cung bủa vây phạm vi khoảng 100-150m² bắt gọn chỉ trong khoảng 1-2 giờ đồng hồ”, ông Tiến chia sẻ.
Ông Tiến cho biết, cá vàng dâng là loài quý hiếm, thơm ngon và có giá trị kinh tế cao, khi đưa về cảng Cồn Gò đều được thương lái thu mua hết ngay tại chỗ. Thời gian đầu, khi đánh bắt được nhiều cá, có lúc bị choáng ngợp, sợ bán không hết và chưa nắm rõ giá cả thị trường, sức tiêu thụ nên chỉ bán rẻ 120.000 đồng/kg, nhưng các mẻ cá sau đó, giá cả được bán cao hơn rất nhiều từ 250.000-370.000 đồng/kg.
“Hiện nay, tôi đã lớn tuổi, sức khỏe giảm dần và chỉ có thể đi biển được thêm vài ba năm nữa. Vì thế, rất mong muốn trong tương lai gần sẽ có thêm nhiều tàu thuyền được đầu tư nâng cấp, đóng mới, để tôi có thể truyền đạt những kinh nghiệm, kỹ năng hành nghề lưới vây rút chì cho các thuyền bạn và thế hệ trẻ, góp phần giúp họ có thêm nguồn thu nhập ổn định, bền vững và giữ gìn được nghề truyền thống của địa phương”, ông Tiến trăn trở.