
Bò cạp chiên giòn, bò cạp nướng… đang là món ăn khoái khẩu của dân nhậu. Chưa hết, bò cạp còn dùng để ngâm rượu trị đau khớp, nhức mỏi. Mối chúa, tắc kè cũng được xem là thuốc quý “tăng cường sinh lực”. Tất cả đang trở thành đặc sản cuốn hút hàng trăm người dân vùng núi Thất Sơn (An Giang) vào cuộc săn lùng...
- Pha đèn đi... bắt bò cạp
Phải hẹn năm lần bảy lượt, chúng tôi mới gặp được “thợ cả” Bùi Văn Đằng, người chuyên bắt bò cạp ở núi Thất Sơn. Từ Tịnh Biên, vượt qua con đường ngoằn ngoèo nhiều đồi dốc mất cả giờ đồng hồ mới đến được nhà ông ở chân núi Phú Cường. Biết chúng tôi tìm đến vì chuyện bò cạp, ông vui vẻ mời trà nước, rồi chuẩn bị đồ nghề chờ đến tối để lên đường săn… bò cạp.

Bò cạp được bắt cho vào thau.
Băng qua cánh đồng An Nông, chúng tôi sang khu vực núi Cấm. Ông Đằng thay đổi ý định từ việc săn theo triền núi sang bờ cao cạnh những đám rẫy khoai mì. Theo ông Đằng, thời gian gần đây nhiều người bắt liên tục làm bò cạp nhát, do đó phải chuyển hướng khác mới mong tìm được nhiều. Quả là chuyên gia săn bò cạp nên ông đoán được đường đi- nước bước của chúng. Chỉ pha đèn đi qua 3 bờ ruộng ông đã bắt được gần 40 con bò cạp. Nhiều nơi bò cạp xuất hiện dày đặc, bắt mê tay.
Theo nhiều người dân địa phương, nghề săn bò cạp mới xuất hiện khoảng hai năm nay, mà ông Đằng là một trong những người đầu tiên làm nghề này. Ông Đằng nhớ lại: “Cách nay 2 năm, có một người ở Châu Đốc vào tận đây đặt 1.000 con bò cạp ngâm rượu với giá 1,5 triệu đồng. Nhiều hộ đời sống khó khăn nên nghe xong liền sắm đồ nghề làm ngay. Hôm giao bò cạp cho khách mới biết bò cạp ngâm rượu trị đau khớp, đau lưng và làm món ăn… Vài ngày sau, cả chục người đến hỏi bò cạp, rồi những thương lái ở chợ biên giới Tịnh Biên cũng vào đặt bò cạp. Vậy là hàng trăm người trong vùng lân cận kéo nhau đi săn bò cạp luôn đến bây giờ”. Trung bình, mỗi người săn bò cạp thu được 70.000đ - 100.000đ/đêm; đêm nào “trúng” được 150.000đ.
Ngoài bò cạp, nhiều hộ còn đi đào mối chúa để bán. Theo anh Nguyễn Tấn Giang, xã An Nông: “Để đào được mối chúa khó khăn vô cùng, chưa kể bị mối càng “giữ cửa” cắn chảy máu. Trước tiên, phải tìm những gò mối cao ven chân núi, sau đó dùng xà beng đào sâu vào giữa gò mối; đến khi nào thấy cục đất cứng như cái đĩa nằm rời trong hang, có mặt ngoài láng o chính là nơi mối chúa ở. Bình quân mỗi ổ mối chỉ có duy nhất một con mối chúa, khi bắt xong phải bỏ ngay mối chúa vào bình rượu gốc để ngâm, nếu không mối bị chảy sữa và hư”.
- Chợ bò cạp biên giới

Rượu mối chúa và bò cạp bày bán rất nhiều ở chợ biên giới Tịnh Biên
Sáng hôm sau, chúng tôi tìm ra chợ biên giới Tịnh Biên. Tại đây có khoảng 20 hộ chuyên kinh doanh bò cạp, mối chúa, tắc kè bông, tắc kè cánh, bìm bịp… Giá bò cạp nhỏ từ 1.500đ - 2.000đ/con; bò cạp lớn 2.500đ - 3.000đ/con; mối chúa 15.000đ - 20.000đ/con; tắc kè 15.000đ/con…
Chị Lê Thị Minh Châu, bán bò cạp được gần 2 năm cho biết: “Khách hàng chủ yếu là dân du lịch từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh khác tới. Mỗi khi có xe lớn ghé, họ giành nhau mua - bán không kịp. Hôm nào đắt cũng được 1 – 1,5 triệu đồng, còn trung bình cũng bán được khoảng 300 ngàn – 500 ngàn đồng/ngày, sống khỏe re”.
Còn bà Phạm Thị Kim Em hớn hở khoe: “Mới tuần rồi, bán cho vị khách ở Sài Gòn 2 hũ mối chúa được 1,4 triệu đồng. Họ còn đặt thêm, hẹn tháng sau xuống lấy…”.
Hiện tại, ngoài người dân ở Tri Tôn và Tịnh Biên, nhiều người Campuchia sống dọc biên giới giáp với Việt Nam cũng tham gia bắt bò cạp và mối chúa từ nước họ mang qua bán. Từ đó, tạo nên phong trào săn côn trùng sôi động. Chợ bò cạp tự phát ở biên giới Tịnh Biên cũng hoạt động suốt ngày không nghỉ. Nhiều quán nhậu ở các nơi xa gần cũng đặt mua bò cạp để làm món nướng hoặc chiên xù. Món này béo ngậy được dân nhậu rất mê…
Nghề săn bò cạp đang góp phần đáng kể tạo công ăn việc làm cho người dân vùng núi An Giang. Theo chính quyền địa phương, việc đào các ổ mối quanh triền núi và săn bò cạp không ảnh hưởng hay xáo trộn đất đai nên không cấm đoán bà con làm để tăng thu nhập. Tuy nhiên, chuyện bò cạp, mối chúa… trị được một số bệnh hay tăng cường sinh lực… chưa có sách khoa học nào khẳng định. Mặc dù, thực tế đã có một số người sử dụng có kết quả, nhưng về liều lượng, cách ngâm, pha chế, sử dụng… chưa ai biết, tất cả chỉ làm qua sự truyền miệng.
Theo Hội Đông y tỉnh An Giang, việc dùng mối chúa chỉ nghe trong kinh nghiệm dân gian. Riêng về bò cạp thì Đông y đã có nghiên cứu và trên thế giới nhiều người vẫn ăn bò cạp. Nhưng không phải vì thế mà ta lạm dụng quá mức hoặc ai cũng có thể dùng được. Do đó, khi sử dụng bò cạp thì nên hỏi ý kiến của thầy thuốc để tránh những việc đáng tiếc xảy ra.
HUỲNH PHƯỚC LỢI