Chặng đường tới Long Thành, và xa hơn là Bà Rịa-Vũng Tàu, gần đấy mà xa lắc và gập ghềnh, biến mỗi chuyến đi thư giãn của người dân qua quốc lộ 51 như những chuyến đi hành xác. Nhưng bây giờ, chúng tôi đang lướt trên con đường thoáng đãng hơn hẳn ngày xưa. Chưa hết cảnh đông đúc, trước mặt chúng tôi vẫn là những hàng dài xe hơi, nhưng khoảng cách giữa TPHCM và Long Thành đã thu ngắn lại đáng kể.
1. Bắt đầu từ nút giao đường Mai Chí Thọ, TP Thủ Đức, xe chúng tôi trực chỉ về phía Đông và sau 35 phút đã có mặt tại thị trấn Long Thành. Tôi đã nhiều lần đi Bà Rịa-Vũng Tàu và qua Long Thành, nhiều lần dừng xe ở chợ Long Thành nghỉ ngơi uống nước và mua trái cây Long Khánh. Long Thành giờ đây không còn bóng dáng của một thị trấn vùng cao su heo hút và lạnh lẽo. Thay vào đó là cảnh buôn bán sầm uất. Tôi nhìn ra hai mặt phố, bảng treo bán đất hiện diện khắp nơi. Giá đất ở đây đã tăng chóng mặt. Đơn giản, Long Thành đang dần hình thành trung tâm của một đô thị, trong tương lai sẽ là đô thị quốc tế, được bảo chứng bằng sân bay quốc tế, với công suất 100 triệu khách/năm - một sân bay lớn nhất Việt Nam.
Phác thảo dự án xây dựng sân bay quốc tế Long Thành của các nhà quản trị quốc gia đã được các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế bàn thảo, trao đổi, thậm chí tranh cãi, khảo sát một cách nghiêm túc. Dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 6-2011, được đặt lên bàn nghị sự của Quốc hội và thông qua trong kỳ họp tháng 6-2015. Một sự lựa chọn sáng suốt chứng tỏ tầm nhìn xa của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quốc hội - những người đại diện nhân dân. Long Thành (Đồng Nai) nằm ở vị trí đắc địa - một vị trí huyết mạch khu vực tam giác trọng điểm kinh tế phía Nam. Đây lại là địa điểm có quỹ đất đủ sức đáp ứng cho một dự án cần quỹ đất lớn khoảng 25.000ha, trong đó sân bay chiếm 5.000ha.
Chọn Bình Sơn (Long Thành) làm sân bay là chọn được vị trí vàng cho giao thương. Sân bay chỉ cách TPHCM 40km về phía Đông; cách thủ phủ và Khu công nghiệp (KCN) Biên Hòa 30km về phía Đông Nam; cách thành phố biển Vũng Tàu 70km và nằm ngay sát cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, một điểm kết nối lý tưởng cho các hoạt động giao thương kinh tế, thương mại, dịch vụ và du lịch.
2. Quyết định xây dựng sân bay quốc tế Long Thành thể hiện rõ nhãn quan chiến lược của những nhà lãnh đạo đất nước, đã mở ra điểm đột phá cho sự phát triển kinh tế tương lai. Dự án được khởi công giai đoạn 1 ngày 5-1-2021, dự kiến hoàn thành vào năm 2025. Theo quy hoạch tổng thể, sau khi hoàn thành, sân bay sẽ có 4 đường băng cất cánh hiện đại nhất có thể đón các loại máy bay 2 tầng khổng lồ; 4 nhà ga hiện đại có thể đón 100 triệu khách/năm (giai đoạn 1 là 25 triệu khách/năm)…
Vậy nhưng, con đường đi đến dự án sân bay Long Thành không đơn giản như “một cộng một bằng hai”. Vẫn chìm trong những con số lãng mạn về sân bay mới, tôi bỗng chợt nhớ đến những ý kiến phản biện của các nhà khoa học, rất tâm huyết mà lý lẽ không phải không thuyết phục. Có nhà khoa học lập luận rằng, quan điểm sân bay quốc tế phải cách xa trung tâm thành phố là không đúng. Theo nhà khoa học này, hiện vẫn có hàng chục sân bay quốc tế trên thế giới cách trung tâm thành phố chỉ 10km thôi.
Nhà khoa học khác thì cho rằng, sân bay Tân Sơn Nhất còn có khả năng mở rộng và việc mở rộng Tân Sơn Nhất sẽ ít tốn kém hơn xây dựng mới sân bay tại Long Thành, trong khi tiềm năng kinh tế đất nước còn hạn chế. Nhà khoa học khác lập luận, nếu nói về tác dụng trung chuyển quốc tế thì chỉ có thể trung chuyển cho mỗi nước Úc thôi, mà Úc chỉ có 20 triệu dân, trong khi tất cả sân bay ở Đông Nam Á đều có thể trung chuyển cho Úc.
Long Thành khó mà có thể cạnh tranh được với những sân bay rất lớn đã có truyền thống của khu vực như sân bay Chek Lap Kok (Hồng Công), sân bay Changi (Singapore), sân bay Kuala Lumpur (Malaysia), sân bay Suvarnabhumi (Bangkok, Thái Lan). Mong muốn sân bay Long Thành trở thành sân bay trung chuyển quốc tế là không thực tế và con số 100 triệu hành khách/năm, theo dự báo, cũng là một con số thiếu cơ sở khoa học…
Những ý kiến phản biện tâm huyết của các đồng chí lãnh đạo, đại biểu Quốc hội, chuyên gia đã được cân nhắc, trao đổi một cách thấu đáo trên cơ sở khoa học. Quyết định cuối cùng đã được đưa ra. Và hôm nay, tại đây, tôi đã chứng kiến một dự án thai nghén nhiều năm đang dần hiện rõ hình hài. Nơi đây không chỉ đón khách quốc tế, nơi quá cảnh các chuyến bay của các hãng hàng không, là nơi trung chuyển hàng hóa quốc tế, mà sẽ còn là nơi cung cấp dịch vụ hàng không, cung cấp xăng dầu, sửa chữa máy bay cho các hãng hàng không quốc tế và Việt Nam...
3. Trong khi đang suy nghĩ lan man về những viễn cảnh mở ra của sân bay, các bạn trẻ đi chung xe cùng chúng tôi là Dũng, Lê và Quân đã kéo tôi lại với thực tại. Đưa tôi xuống xe, Quân nói: “Đây là nút giao giữa quốc lộ 51 và cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây. Chú nhìn sang phía tay con chỉ đi - đó là 1 trong 4 cao tốc sẽ kết nối với Long Thành trong tương lai - đường cao tốc Bến Lức - Long Thành đã hoàn thành 80%. Và cả đường cao tốc Vũng Tàu - Biên Hòa nữa. Rồi hệ thống đường vành đai 3, 4 và đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây được mở rộng. Giao thông sẽ là điểm tựa để vùng đất Long Thành cất cánh bay lên”.
Tôi nhìn theo hướng tay chỉ của Quân và chứng kiến những chiếc xe ủi đất đang miệt mài làm việc. Tất nhiên, giao thông sẽ là đầu câu chuyện. Nhưng đi cùng với giao thông, các KCN phụ trợ phục vụ sân bay, phục vụ sản xuất và xã hội sẽ theo đó mọc lên. Tôi ghé mắt nhìn tấm bản đồ tổng thể mới nhất khu vực sân bay Long Thành trên tay một bạn trẻ và hình dung ra vị trí các KCN đã và sẽ hình thành nay mai: KCN đô thị Long Đức rộng 550ha; KCN đô thị dịch vụ Long Thành 2.600ha; KCN đô thị dịch vụ Cẩm Mỹ 3.600ha. Và quanh sân bay là các KCN Phước Bình 1, 2, 4... Đó là chưa kể các KCN đang có kế hoạch mở rộng như Dầu Giây, Long Khánh, Tân Phú. Giao thông thuận tiện cũng kết nối sân bay với các cụm cảng Thị Vải - Cái Mép, KCN Gò Dầu, Phú An, cảng Long Phước - một tiềm năng phát triển đang nằm trong tầm tay…
“Đất lành chim đậu”, sau KCN sẽ là các khu dân cư đô thị đã và đang hình thành. Nhưng chừng đó có thể cũng còn chưa đủ khi sân bay đi vào khai thác. Đặc biệt, khi Long Thành trở thành một sân bay trung chuyển quốc tế có thể cạnh tranh ngang tầm các sân bay khu vực Đông Nam Á, sau khi hoàn thành giai đoạn 3 vào năm 2035, nhất là khi những đóng góp của hoạt động sân bay mà theo đánh giá của các chuyên gia quốc tế sẽ đóng góp được từ 3-5% GDP của cả nước.
4. Quy mô, tầm vóc “con rồng mới” Long Thành sẽ ra sao, chưa biết. Nhưng cũng có thể hình dung ra những chuyển động của vùng đất đang vượt “vũ môn” này. Đốt cháy trái tim thành trí tuệ. Một quyết định chắt lọc từ tình yêu máu huyết với cuộc sống, nói tiếng nói của trái tim nhân dân và khát khao bứt phá hóa rồng sẽ tạo ra nguồn năng lượng vô tận giúp con người có thể vươn lên. Không cần gọi “Vừng ơi mở ra” mà tự chúng ta, đang viết lên câu chuyện cổ tích của chính mình.
Chúng tôi rời Long Thành lúc 13 giờ. Bước lên xe, tôi vẫn nghe vẳng bên tai tiếng máy rộn ràng và những tấm lưng đẫm mồ hôi của công nhân công trường, mặc dù Nam bộ đang giữa mùa mưa. Dự án đang diễn ra đúng tiến độ. Tôi nhìn qua những gương mặt mới quen: những Tuệ An, Phúc Lộc, Vũ Lê, Mạnh Dũng, Văn Quân - những chàng trai cô gái Thanh Hóa, Thái Bình, TPHCM và bao nhiêu gương mặt khác khắp đất nước này, hình dung họ sẽ thành công dân danh dự của Long Thành. Và sẽ còn bao gương mặt bạn bè quốc tế đến nhận nơi này làm quê hương. Thấp thoáng trên gương mặt họ, những người sẽ thay chúng tôi tiếp nhận tương lai của đất nước này, tôi thấy ngời lên những sắc hoa đang mùa ươm nụ. Bất chợt tôi nhớ đến câu thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nhất đóa hoàng hoa nhất điểm xuân”.
Tôi nhắm mắt lại. Chiếc xe lại lăn bánh về TPHCM. Mây chiều đã kéo về, nhưng hôm nay thành phố không mưa!