Ngày 1-6, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Kon Tum (Sở NN-PTNT Kon Tum) cho biết, đơn vị vừa kiểm tra và phát hiện tình trạng cây sâm Ngọc Linh con bị chết ở huyện Đắk Glei, tỉnh Kon Tum.
Theo đó, tại huyện Đắk Glei, trong số trên 13.500 cây sâm 1 năm tuổi của các hộ dân ở 2 xã Ngọc Linh và Mường Hoong thì có 2.200 cây đã bị chết, số còn lại (11.300 cây) có tỷ lệ cây bị nhiễm bệnh khoảng 35 đến 40%.
Trong khi đó, tại huyện Tu Mơ Rông, bước đầu, cơ quan chức năng huyện này xác định có 29.143 cây sâm ngọc Linh con bị thiệt hại do sâu bệnh.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Kon Tum, các cây sâm Ngọc Linh bị bệnh xuất hiện ở cây sâm 1 năm tuổi, triệu chứng là lá bị vàng, một số cây bị teo thắt phần thân tiếp giáp với mặt đất, xuất hiện vết đốm hoặc chấm dạng nước sôi nằm trong phiến lá hoặc mép lá… Đa số cây có bộ rễ chưa bị thối.
Đối chiếu với các tài liệu nghiên cứu, xác định các cây sâm bị nhiễm bệnh chết rạp, nguyên nhân gây bệnh là do nấm Rhizoctonia solani và nấm Phytophthora sp gây ra.
Trong thời gian từ tháng 3 đến nay, tại khu vực trồng sâm Ngọc Linh có lượng mưa nhiều, thường xuyên có sương muối, trời âm u, độ ẩm cao tạo điều kiện cho các loại nấm bệnh phát sinh, phát triển mạnh.
Ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết, trên địa bàn, bệnh này mới xảy ra trong năm nay. Cây sâm con bị chết đều rơi vào diện tích của dân, có giá khoảng 300.000 đồng/cây. Sâm con bị chết đã gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của họ. Để giúp người dân vượt qua giai đoạn khó khăn, huyện sẽ kiến nghị các ngân hàng có chính sách giãn nợ, khoanh nợ cho các hộ dân đã vay tiền ngân hàng để trồng sâm Ngọc Linh.
Cũng theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, để quản lý tốt sinh vật gây hại trên cây sâm Ngọc Linh trong thời gian tới, đơn vị đề nghị 2 huyện trồng sâm nói trên chỉ đạo các đơn vị liên quan vệ sinh vườn cây để tạo độ thông thoáng, tách những cây bị bệnh ra khỏi luống và trồng vào giá thể mới để tránh bệnh lây lan. Bên cạnh đó, cần sửa chữa, bổ sung mái che cho luống trồng để mưa không tác động trực tiếp vào cây sâm nhằm hạn chế nấm lây lan; bón bổ sung cho vườn cây bằng mùn núi đã được xử lý bằng các chế phẩm sinh học Trichoderma từ 3 - 6 tháng/lần để tăng cường dinh dưỡng cho cây.
Ngoài ra, có thể sử dụng thuốc có chứa hoạt chất Validamycin như: Validacin 5SL; Tungvali 5SL, 5WP; Vali 5SL; Validan 5WP; Vanicide 5SL, 5WP để phun cho cây, mỗi lần phun cách nhau từ 7-10 ngày, phun đến khi cây hết nhiễm bệnh.