Saigon Co.op được vinh danh là "Doanh nghiệp xanh TPHCM năm 2024"

Ngày 29-8, dưới sự chủ trì của UBND TPHCM , Báo Sài Gòn Giải Phóng và Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM tổ chức lễ tôn vinh và trao danh hiệu “Doanh nghiệp xanh TPHCM năm 2024”. Trong dịp này, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) đã vinh dự đón nhận danh hiệu “Doanh nghiệp xanh TPHCM năm 2024”. Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hiệp các nhà bán lẻ Việt Nam, Tổng Giám đốc Saigon Co.op về vấn đề này.

Ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hiệp các nhà bán lẻ Việt Nam, Tổng Giám đốc Saigon Co.op
Ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hiệp các nhà bán lẻ Việt Nam, Tổng Giám đốc Saigon Co.op

Phóng viên: Saigon Co.op đã có những nỗ lực như thế nào để xanh hóa hoạt động của mình và đạt được danh hiệu Doanh nghiệp xanh TPHCM năm 2024, thưa ông?

Ông Nguyễn Anh Đức cho biết: trong ngành bán lẻ tiêu dùng, tiêu biểu có Saigon Co.op, đơn vị luôn định hướng phát triển hệ thống tới tiêu dùng bền vững. Trong kinh doanh, Saigon Co.op đã ngừng sử dụng túi nilông khó phân hủy, thay vào đó sử dụng 100% túi tự hủy sinh học, túi tái sử dụng nhiều lần; thay thế các sản phẩm như ống hút nhựa, muỗng nhựa… trên kệ hàng bằng sản phẩm có nguồn gốc từ bã mía, giấy, gạo hay các dạng nguyên liệu thân thiện môi trường; vận động nhà cung cấp, đối tác chuyển đổi sản xuất xanh; khuyến khích khách hàng tiêu dùng xanh qua các chương trình khuyến mãi. Saigon Co.op còn chủ động thực hiện, cũng như phối hợp tích cực với cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức phát động chương trình vì trái đất.

9HH07328.jpg
Đại diện Sagon Co.op được Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoa (trái) trao tặng danh hiệu Doanh nghiệp xanh TPHCM năm 2024

Với vai trò là Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, ông nhìn nhận như thế nào về xu hướng thương mại xanh hiện nay?

Trong chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 của Việt Nam, tiêu dùng xanh là nội dung quan trọng được đề cập. Mục tiêu tổng quát của Chiến lược là tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được sự thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.

Nếu như trước đây, các tiêu chuẩn xanh, bền vững chỉ có ở các phân khúc cao cấp thì hiện nay đã trở thành các yêu cầu phổ biến trên mọi phân khúc khách hàng, từ mọi thị trường ngách. Tăng trưởng xanh, phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn đang trở thành xu hướng trên toàn cầu và được thực hành quyết liệt ở các nền kinh tế phát triển nhất trên thế giới như thị trường châu Âu, đây được xem như là một giải pháp nhằm giảm phát thải nhà kính, hướng tới nền kinh tế trung hòa carbon trong dài hạn.

Thời gian qua, nước ta đã ban hành các chủ trương, đường lối và cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường. Nhiều ngành hàng, doanh nghiệp đã chủ động nắm bắt xu hướng nêu trên có những bước chuyển đổi mạnh mẽ trong chuỗi sản xuất để đáp ứng các tiêu chuẩn về sản xuất xanh, xuất khẩu xanh, bền vững, không chỉ tại thị trường trong nước mà góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và vị thế của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Ví dụ, trong năm 2023 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt một đề án quan trọng liên quan trực tiếp đến chủ đề “Xu hướng tiêu dùng tiêu dùng xanh, tiêu dùng bền vững”. Đây cũng là chương trình hành động quốc gia chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững.

Thị trường sản phẩm xanh tại Việt Nam đang chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm gần đây, được thúc đẩy bởi nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng đối với các sản phẩm thân thiện với môi trường và bền vững...

Theo Bộ Công Thương, nhu cầu tiêu dùng sản phẩm xanh tại Việt Nam tăng trưởng trung bình 15% mỗi năm trong giai đoạn 2021 - 2023. 72% người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm xanh, cho thấy nhận thức và sự quan tâm ngày càng tăng của người dân đối với vấn đề bảo vệ môi trường.

Với Việt Nam, việc chuyển hướng sang kinh tế xanh và tăng trưởng xanh không chỉ là lựa chọn tất yếu, mà còn là cơ hội để trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực, bắt kịp với xu thế phát triển của thế giới, góp phần hiện thực hóa Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 và cam kết mạnh mẽ của Việt Nam tại COP26.

Xu hướng thương mại xanh sẽ tác động như thế nào đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và chiến lược phát triển của doanh nghiệp?

Xu hướng phát triển này đã và đang hình thành nên “luật chơi” mới về thương mại và đầu tư. Tại thị trường nội địa, nhu cầu của tiêu dùng sản phẩm xanh của người tiêu dùng ngày càng tăng, tác động mạnh mẽ khiến doanh nghiệp phải thay đổi tư duy, để sản phẩm và dịch vụ. Các thị trường nhập khẩu quan trọng triển khai áp dụng thuế suất cao đối với các sản phẩm có tác động tiêu cực đến môi trường; nhiều nền kinh tế phát triển trên thế giới đã đặt ra những quy định liên quan đến môi trường khắt khe hơn đối với hàng hóa nhập khẩu.

Trong bối cảnh đó, để không bị loại khỏi cuộc chơi bởi các tiêu chuẩn cao về môi trường và xã hội do các thị trường nhập khẩu đặt ra, doanh nghiệp Việt Nam cần thay đổi tư duy, quan tâm tới “tính xanh” của chuỗi sản xuất và cung ứng thương mại quốc tế để đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật khắt khe của thị trường.

Tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đã ưu tiên các sản phẩm xanh nhằm nỗ lực giảm rác thải nhựa, hạn chế sử dụng túi nilon và thay vào đó là sử dụng các sản phẩm tái chế, hay những chiếc túi sử dụng nhiều lần với giá phải chăng… Đặc biệt, những năm gần đây xu hướng này càng rõ rệt, một sản phẩm thân thiện môi trường từ nguyên liệu, quy trình sản xuất đến bao bì sẽ mang lại sức cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Từ góc độ Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, tôi đánh giá cao giải thưởng “Doanh nghiệp xanh” do Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM và Báo SGGP tổ chức. Giải thưởng đã tìm ra và tôn vinh các các doanh nghiệp làm tốt công tác bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, từ đó tạo động lực thúc đẩy kinh tế xanh.

Là nhà bán lẻ thuần Việt lớn nhất Việt Nam, Saigon Co.op có những giải pháp nào đã và sẽ hỗ trợ doanh nghiệp xanh mở rộng thị phần của mình tại thị trường trong nước và xuất khẩu thị trường nước ngoài?

Saigon Co.op kết hợp với những cơ quan truyền thông uy tín như Báo SGGP tổ chức chương trình “Tiêu dùng xanh” dẫn dắt thị trường hướng đến lối sống xanh; kết hợp với các tổ chức như HUBA tổ chức các hoạt động góp phần mở rộng thị phần cho doanh nghiệp xanh. Saigon Co.op hỗ trợ doanh nghiệp cung ứng hoàn thiện quy trình sản xuất, tiến tới đạt chứng nhận Doanh nghiệp xanh nhằm tạo cơ hội cho các doanh nghiệp phát triển thương hiệu, mở rộng thị phần trong nước và xuất khẩu thị trường nước ngoài.

Thông qua hệ thống bán lẻ trải dài toàn quốc, Saigon Co.op tích cực tổ chức các chương trình kích cầu nhằm giới thiệu, đưa sản phẩm xanh đến tận tay người tiêu dùng. Đối với doanh nghiệp, chúng tôi khuyến khích và có chính sách hỗ trợ giá bán, chấp nhận lợi nhuận thấp, ưu tiên như vị trí trưng bày, quầy kệ ở vị trí bắt mắt dành tại siêu thị cho các doanh nghiệp xanh để khách hàng dễ tiếp cận.

Xin cảm ơn ông!

Tin cùng chuyên mục