Lợi dụng việc này, không ít lãnh đạo bệnh viện đã “bắt tay” doanh nghiệp để đẩy giá thiết bị lên cao so với giá trị thật, không chỉ gây thiệt hại nặng nề cho ngân sách Nhà nước mà còn trục lợi trên sức khỏe và tính mạng người bệnh.
Khởi tố nhiều lãnh đạo ngành y
Vào giữa năm 2020, ông Nguyễn Nhật Cảm, khi đó là Giám đốc CDC Hà Nội, bị khởi tố và bắt giam để điều tra về hành vi “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại CDC Hà Nội. Ông Cảm bị xác định có vai trò chủ mưu, đã lợi dụng dịch bệnh, vụ lợi, thông đồng nâng giá máy xét nghiệm Covid-19 lên 7 tỷ đồng, gấp 3 lần giá nhập. Nhiều cán bộ cấp dưới của ông Cảm và lãnh đạo một số doanh nghiệp trang thiết bị y tế cũng bị khởi tố, bắt giam.
Cùng với vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại CDC Hà Nội, cơ quan công an đã điều tra mở rộng vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai, Công ty CP Công nghệ y tế BMS và các đơn vị có liên quan trong việc thực hiện các đề án lắp đặt máy, thiết bị y tế phục vụ khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai theo hình thức xã hội hóa. Ông Nguyễn Quốc Anh (nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai), ông Nguyễn Ngọc Hiền (nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai) và kế toán trưởng của bệnh viện này bị khởi tố, bắt giam về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Tháng 2-2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Nguyễn Minh Khải (nguyên Giám đốc Bệnh viện Mắt TPHCM), Võ Thị Chinh Nga (nguyên Phó Giám đốc), Phí Duy Tiến (nguyên Phó Giám đốc) và Nguyễn Quốc Toản (nguyên Trưởng Khoa Phẫu thuật, gây mê hồi sức thuộc Bệnh viện Mắt TPHCM) để điều tra về hành vi “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.
Quá trình điều tra xác định, năm 2018, Bệnh viện Mắt TPHCM tổ chức thực hiện gói thầu “Mua sắm thủy tinh thể nhân tạo đơn tiêu năm 2018” để phục vụ điều trị, khám chữa bệnh. Một số cá nhân lãnh đạo Bệnh viện Mắt TPHCM đã làm trái quy định của pháp luật về đấu thầu để loại mặt hàng thủy tinh thể nhân tạo tương đương đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật và có giá dự thầu thấp nhất, mua các mặt hàng thủy tinh thể có giá dự thầu cao. Hành vi trên gây thiệt hại 14,2 tỷ đồng, trong đó thiệt hại cho Quỹ Bảo hiểm y tế 5,2 tỷ đồng, người bệnh có Bảo hiểm y tế 7,1 tỷ đồng, người bệnh không có Bảo hiểm y tế 1,8 tỷ đồng.
Ngày 21-10, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố ông Nguyễn Quang Tuấn (Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai) về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. Ông Tuấn bị khởi tố do có liên quan tới những sai phạm trong đấu thầu trang thiết bị y tế xảy ra tại Bệnh viện Tim Hà Nội vào thời kỳ ông Tuấn làm giám đốc bệnh viện này. Trước đó, cơ quan công an cũng đã khởi tố 9 bị can, trong đó có 4 người là cán bộ, lãnh đạo của Bệnh viện Tim Hà Nội. Cơ quan điều tra xác định tại 2 gói thầu mua sắm thiết bị vật tư y tế của Bệnh viện Tim Hà Nội có nhiều sai phạm, gây thất thoát hơn 40 tỷ đồng.
Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Minh Quân (Giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức, TPHCM) và Nguyễn Văn Lợi (Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Sản xuất Nguyễn Tâm) về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. Theo cơ quan điều tra, ông Nguyễn Minh Quân và Nguyễn Văn Lợi đã thông đồng, cấu kết thực hiện hành vi trái quy định của Luật Đấu thầu trong việc mua sắm vật tư trang thiết bị y tế tại Bệnh viện TP Thủ Đức, gây thiệt hại nghiêm trọng tài sản Nhà nước.
Nhiều vi phạm, thiếu sót
Theo Thanh tra Chính phủ, trong năm 2018, cơ quan này đã tiến hành thanh tra chuyên đề diện rộng về công tác quản lý Nhà nước và thực hiện pháp luật trong hoạt động mua sắm, đấu thầu thuốc chữa bệnh, trang thiết bị y tế. Tiếp đó, năm 2019 thanh tra chuyên đề diện rộng về mua sắm thuốc chữa bệnh, trang thiết bị y tế và sử dụng quỹ Bảo hiểm y tế. Qua tổng hợp báo cáo kết quả thanh tra, xác định có nhiều tồn tại, thiếu sót, vi phạm. Cơ quan thanh tra chỉ rõ một số địa phương không ban hành danh mục mua sắm tập trung trang thiết bị y tế trước khi thực hiện việc mua sắm, mà thực hiện mua sắm tại tuyến tỉnh và phân cấp cho các cơ sở y tế trái quy định, tạo điều kiện cho các đơn vị được phân cấp chia nhỏ gói thầu để áp dụng hình thức chào hàng cạnh tranh, chỉ định thầu trái luật. Nhiều địa phương có tỷ lệ gói thầu thực hiện mua sắm theo hình thức chỉ định thầu và chào hàng cạnh tranh lên tới 90%.
Thanh tra Chính phủ cũng chỉ rõ, Bộ Y tế và tất cả các địa phương đều có thiếu sót, vi phạm trong quá trình tổ chức thực hiện các quy định về mua sắm, đấu thầu từ bước lập kế hoạch, đấu thầu, ký kết và thực hiện hợp đồng. Vi phạm chủ yếu xảy ra tại bước lập giá kế hoạch gói thầu và thẩm định giá. Hơn nữa, việc thực hiện đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế vừa qua chỉ mang tính hình thức, hiệu quả rất thấp hoặc không có hiệu quả. Tỷ lệ giảm giá trung bình của tổng số gói thầu tại 3 bộ, 50 địa phương chỉ đạt 1,26%. Cá biệt, tại một số địa phương, nhiều gói thầu mua sắm trang thiết thiết bị y tế đấu thầu rộng rãi nhưng tỷ lệ giảm giá sau đấu thầu là 0%.
Việc Bộ Y tế và UBND các tỉnh, thành phố không đăng tải công khai trên cổng thông tin điện tử các thông tin về giá trúng thầu mua sắm trang thiết bị y tế của các cơ sở y tế công lập trên phạm vi toàn quốc, danh sách các trang thiết bị y tế đã bị thu hồi số lưu hành dẫn đến các địa phương không có căn cứ tham khảo, phát hiện chênh lệch giá mua sắm trang thiết bị y tế giống nhau hoặc có cấu hình tương tự khi xây dựng giá kế hoạch. Đặc biệt, việc đẩy giá trị thiết bị lên cao khi định giá mua sắm trang thiết bị y tế để đưa vào liên doanh, liên kết tại các cơ sở y tế và ký kết hợp đồng đặt mua sắm trang thiết bị y tế kèm điều khoản ràng buộc mua các sản phẩm hóa chất, vật tư từ đối tác với giá độc quyền đã dẫn đến thiệt hại cho quyền lợi của cơ sở khám chữa bệnh và người bệnh.
Về những sai phạm trong hoạt động đấu thầu, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an, nhấn mạnh các sai phạm về đấu thầu gây ra rất nhiều hệ lụy tiêu cực cho xã hội và bức xúc trong quần chúng nhân dân. Thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư, Bộ Công an đã tăng cường nắm tình hình, nhận diện vi phạm, lựa chọn khâu đột phá để kiên quyết đấu tranh, xử lý triệt để các hành vi vi phạm, điển hình như: Vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại CDC Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Tim Hà Nội; Sở Y tế tỉnh Hà Tĩnh, TP Cần Thơ; Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ninh, Thanh Hóa, Điện Biên...
“Quy trình, thủ tục đấu thầu theo Luật Đấu thầu năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành hiện nay vẫn còn những bất cập, kẽ hở cho các đối tượng lợi dụng để vi phạm hoạt động đấu thầu, gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý. Qua các vụ án vừa qua, Bộ Công an đã kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan nhiều giải pháp để khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn các vi phạm tương tự”, Trung tướng Tô Ân Xô cho biết.
Theo Trung tướng Tô Ân Xô, hành vi thông thầu với nhà thầu có mối quan hệ “sân sau”, không dựa trên uy tín và năng lực thực sự của nhà thầu, hành vi gian lận giá thầu, cấu kết nâng giá trị sản phẩm hàng hóa để trục lợi, chung chi “hoa hồng” của chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị thẩm định thầu, đơn vị kiểm tra, giám sát dẫn đến các dự án chậm tiến độ, chất lượng hàng hóa kém, hiệu quả kinh tế - xã hội thấp, gây thất thoát, thiệt hại nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Việc gian lận thầu, nâng khống giá thầu thường có sự thông đồng, liên kết chặt chẽ của nhiều cá nhân, từ những người có chức vụ, quyền hạn chỉ đạo đến cán bộ thực hiện; từ khâu xác lập, phê duyệt, thẩm định đến khâu kiểm tra, giám sát thầu. Thậm chí họ can thiệp cả vào quá trình xây dựng, thực thi chính sách để giành đặc quyền, đặc lợi, phục vụ cho việc trục lợi cá nhân, gia đình, nhóm lợi ích của mình một cách hợp lý hơn, kín đáo hơn, không quan tâm đến hiệu quả cũng như tài sản thiệt hại, thất thoát của Nhà nước. |