Ngày 3-12, một nguồn tin của SGGP cho biết, liên quan đến các sai phạm xảy ra tại Công ty TNHH MTV Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPC), ông Tề Trí Dũng, Tổng Giám đốc IPC, đã tự nhận hình thức kỷ luật ở mức khiển trách. Các lãnh đạo khác của Công ty IPC cũng tự đề xuất hình thức kỷ luật với mức khiển trách nêu trên.
Một lãnh đạo Sở Nội vụ TPHCM cũng xác nhận với PV Báo SGGP, Sở Nội vụ đã phối hợp với các đơn vị liên quan và tổ chức kiểm điểm đối với các cá nhân của IPC vi phạm quy định trong việc đi nước ngoài; đồng thời kiểm điểm trách nhiệm đối với Chủ tịch HĐTV, tổng giám đốc và các cá nhân có liên quan qua các thời kỳ, để xảy ra nhiều sai phạm tại IPC.
Từ kết quả họp kiểm điểm, lãnh đạo Sở Nội vụ đã yêu cầu các cá nhân liên quan hoàn chỉnh lại bản kiểm điểm theo hướng nghiêm túc nhìn nhận trách nhiệm đối với các vi phạm đã xảy ra.
Trên cơ sở đó, Sở Nội vụ sẽ tổng hợp và báo cáo lãnh đạo UBND TPHCM.
Liên quan đến các sai phạm xảy ra tại IPC, Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về kinh tế tham nhũng và buôn lậu (Công an TPHCM) đã tiếp cận hồ sơ để tiến hành điều tra sai phạm.
Cụ thể, cơ quan điều tra sẽ làm rõ việc Công ty Cổ phần Phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco, công ty liên kết của IPC) phát hành 9 triệu cổ phiếu cho cổ đông chiến lược là Công ty Nguyễn Kim và Công ty Cổ phần Khu công nghiệp Hiệp Phước (HIPC, công ty con của IPC) phát hành 20 triệu cổ phần cho cổ đông chiến lược là Công ty Tuấn Lộc.
Trong vụ việc này, cơ quan cảnh sát điều tra sẽ làm rõ trách nhiệm của các Công ty Cổ phần Chứng khoán TPHCM, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thẩm định giá MHD trong việc thẩm định giá cổ phần không đúng quy định.
Ngoài ra, cơ quan cảnh sát điều tra cũng điều tra việc thực hiện dự án Khu dân cư Long Hậu (Long An), việc hợp tác với Công ty Hồng Lĩnh thực hiện dự án có dấu hiệu vi phạm pháp luật, không đảm bảo lợi ích của IPC.
Trước đó, Thanh tra TPHCM đã tiến hành thanh tra hoạt động của IPC và xác định nhiều sai phạm, trong đó có các phi vụ chuyển nhượng nhượng cổ phần có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật, không đảm bảo lợi ích cổ đông của doanh nghiệp, gây thiệt hại cho nhà nước đã nêu.
Ngoài ra, trong 2 năm 2016, 2017, tổng giám đốc Công ty IPC (là ông Tề Trí Dũng) cùng các phó tổng giám đốc IPC (gồm Phạm Xuân Trung, Vũ Xuân Đức, Nguyễn Việt Dũng, Phùng Đức Trí, Trần Đăng Linh), ông Nguyễn Trường Bảo Khánh, Thành viên HĐTV IPC… có một số chuyến đi nước ngoài không đúng quy định (như thời gian đi thực tế vượt thời gian được UBND TP cử đi nước ngoài; không có trong danh sách được cử đi nước ngoài).
Theo kết luận thanh tra, các sai phạm, thiếu sót trên thuộc trách nhiệm chính thuộc về HĐTV, chủ tịch HĐTV, tổng giám đốc, các phó tổng giám đốc IPC được phân công phụ trách lĩnh vực và công việc có liên quan, kiểm soát viên, kế toán trưởng, nhóm đại diện vốn nhà nước... từng thời kỳ có liên quan.
Trước các sai phạm này, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong giao Giám đốc Sở Nội vụ phối hợp với Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, các cơ quan liên quan tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với chủ tịch HĐTV, tổng giám đốc IPC và các cá nhân có liên quan.
Ông Tề Trí Dũng hiện là đại biểu HĐND TPHCM khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021. Tuy vậy, tại buổi tiếp xúc cử tri định kỳ trước kỳ họp thứ 12 HĐND TP khóa IX diễn ra hôm 19-11, ông Tề Trí Dũng vắng mặt (có lý do).
Hiện nay, ông Tề Trí Dũng đã bị tạm đình chỉ công tác vì “gây trở ngại cho công tác thanh tra”. Mặt khác, trước các sai phạm nghiêm trọng xảy ra tại IPC, trong đó có trách nhiệm cá nhân, liệu HĐND TP có xem xét lại tư cách đại biểu HĐND TP của ông Tề Trí Dũng?
Trả lời PV Báo SGGP về vấn đề này, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm cho biết, hiện nay, ông Tề Trí Dũng vẫn là đại biểu HĐND TP. Khi có kết quả xử lý kỷ luật của UBND TP thì HĐND TP mới xem xét quyết định.