Bên cạnh những bức xúc phẫn nộ, xã hội đòi hỏi phải chỉ rõ trách nhiệm của những người liên quan.
Sớm nhận thấy bất thường?
Không phải đến những ngày vừa qua mà nghi vấn về điểm thi bất thường của tỉnh Hòa Bình đã được dư luận đặt ra từ ngày 12-7, một ngày sau khi Bộ GD-ĐT công bố điểm thi. Ngày 19-7, Sở GD-ĐT tỉnh Hòa Bình thậm chí chủ động báo cáo với Bộ GD-ĐT và cam kết kết quả thi là xác thực, đồng thời “mời bộ về chấm thẩm định”.
Ngày 21-7, khi tổ công tác của Bộ GD-ĐT và cơ quan công an vẫn đang tiếp tục xác minh tại Sơn La, Lạng Sơn thì riêng Bộ GD-ĐT đã lập tổ chấm thẩm định tại Hòa Bình. Ngày 23-7, cùng với thời điểm Sơn La họp báo công bố kết quả điều tra bước đầu thì Bộ GD-ĐT công bố kết quả chấm thẩm định tại Hòa Bình không phát hiện bất thường. Lúc đó, dư luận dù cũng rất ngỡ ngàng với công bố nhưng vẫn cho rằng nghi vấn gian lận điểm thi ở Hòa Bình đã “khép lại”.
Lý giải về việc Bộ GD-ĐT không phát hiện thấy bất thường khi chấm thẩm định tại Hòa Bình nhưng nay công an lại có quyết định khởi tố vụ việc, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), khẳng định qua điều tra cho thấy sai phạm diễn ra trước khâu chấm, cụ thể là họ đã sửa phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh trước khi mang vào chấm, vì vậy tổ thẩm định không phát hiện ra điều gì cũng là bình thường. “Nhưng qua chấm thẩm định thì chúng tôi yêu cầu rà soát quy trình và đã phát hiện thấy dấu hiệu vi phạm quy trình trong lúc chấm thi. Chính phát hiện này đã là đầu mối nghi ngờ để ngày 24-7, Bộ GD-ĐT có công văn đề nghị Bộ Công an điều tra làm rõ”, ông Mai Văn Trinh cho hay.
Trong khi đó, chiều 3-8, tại trụ sở Sở GD-ĐT tỉnh Hòa Bình, ông Bùi Văn Cửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình, Trưởng ban chỉ đạo thi THPT quốc gia tỉnh, cho biết lãnh đạo tỉnh nhận được đơn tố cáo của người dân trước thời điểm bộ về chấm thẩm định. “Không phải lãnh đạo tỉnh đến lúc nhận được đơn mới vào cuộc. Khi có thông tin dư luận cho rằng điểm của Hòa Bình bất thường, UBND tỉnh đã tổ chức họp.
Tại cuộc họp đó, Chủ tịch UBND tỉnh đã giao Giám đốc Sở GD-ĐT kiểm tra, xem xét đánh giá toàn bộ sự việc về kỳ thi; báo cáo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ trước khi bộ về chấm thẩm định”, ông Cửu cho hay. Cũng theo lãnh đạo tỉnh Hòa Bình, trong quá trình chấm, Bộ GD-ĐT đánh giá cao kết quả nên rất tin tưởng. Sau khi có kết quả chấm thẩm định càng yên tâm hơn. Nhưng tiếp tục công tác rà soát theo yêu cầu của Bộ GD-ĐT mới phát hiện ra sai phạm.
Cả bộ và địa phương đều có trách nhiệm
Những tiêu cực xảy ở Hà Giang, Sơn La và hiện nay đang điều tra ở Hòa Bình là rất nghiêm trọng. Sai phạm này thể hiện rất rõ một điều là những người gây ra sai phạm đã có ý đồ từ trước, thậm chí có tổ chức nhằm vô hiệu hóa quy trình tổ chức thi. Vậy thì ai sẽ chịu trách nhiệm khi để xảy ra những sai phạm có tổ chức đó? Trách nhiệm chính thuộc về ai, Bộ GD-ĐT hay các địa phương?
Ông Mai Văn Trinh cho rằng, việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia là việc rất quan trọng của các tỉnh, thành, vì vậy trách nhiệm trước hết phải thuộc về Ban chỉ đạo thi tỉnh, thành đó. “Nếu như cơ quan quản lý trực tiếp, cụ thể ở đây là hội đồng thi, ban chấm thi, thực hiện đầy đủ các quy định trong quy chế thi thì rất khó để có thể sai phạm được”, ông Trinh nói. Ví dụ, với phòng bảo quản bài thi, phòng chấm thi, trong quy chế thi nêu rõ phải được khóa bằng 2 khóa riêng biệt, 2 ổ khóa này phải được niêm phong và chìa khóa do 2 người khác nhau cầm, được bảo vệ 24/24 giờ.
Khi mở phải phải có biên bản, có sự chứng kiến của ít nhất 3 bên và có 2 chìa khóa như vậy mới mở được. Nhưng người ta đã bỏ qua khâu này để có thể vào phòng đó rất dễ dàng. “Ở đây, trước hết cơ quan quản lý trực tiếp của địa phương phải chịu trách nhiệm. Còn về phía Bộ GD-ĐT thì chúng tôi cũng đã nhìn thấy trách nhiệm và Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng đã xác định rõ trách nhiệm của mình. Chúng tôi cũng đã có định hướng rất rõ ràng để khắc phục trong kỳ thi những năm tới đây”, ông Mai Văn Trinh nêu quan điểm.
Trách nhiệm thực hiện chưa đúng quy chế thi ở các tỉnh nêu trên là rất rõ ràng. Rồi đây những cá nhân sai phạm sẽ phải chịu trách nhiệm cho hành vi của mình. Nhưng trách nhiệm của Bộ GD-ĐT cũng rất lớn trong việc vận hành một phần mềm chấm trắc nghiệm còn có những kẽ hở trong bảo mật, có thể dẫn đến bị lợi dụng để làm sai lệch kết quả thi. Bên cạnh đó là công tác thanh kiểm tra, giám sát của Bộ GD-ĐT đối với các địa phương vẫn còn sơ hở, chưa sâu sát. Nếu công tác thanh tra, giám sát của bộ thực chất hơn, quyết liệt hơn, chắc chắn các sai phạm sẽ được hạn chế.