Sai phạm đất đai, xây dựng tại huyện Phú Quốc: Xử lý hình sự các băng nhóm “xã hội đen”

Báo SGGPO ngày 2-3 có bài đăng “Phú Quốc bất lực hay bảo kê vi phạm xây dựng?" phản ánh tình trạng phân lô bán nền, xây dựng không phép, trái phép tràn lan trên đất nông nghiệp, đất rừng, đất Nhà nước quản lý, đất dự án đã cấp cho doanh nghiệp tại khu vực Bãi Trường, xã Dương Tơ (huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang).

Ông Huỳnh Văn Nhân, Chủ tịch UBND xã Dương Tơ, thừa nhận có 24 công trình sai phạm xây dựng không phép dạng bungalow chỉ tính riêng trong phạm vi dự án do Công ty Nhựa Phước Thành (18,9ha). 


Về hướng xử lý những công trình sai phạm nói trên, ông Huỳnh Văn Nhân cho biết UBND xã Dương Tơ đang tập hợp hồ sơ, xin ý kiến chỉ đạo của UBND huyện Phú Quốc. Nếu thực hiện theo đúng quy trình phải cưỡng chế tháo dỡ, lấy đất giao cho nhà đầu tư. Trên khu đất 18,9ha, có một số sổ đất giao khoán rừng trước đây vẫn chưa thanh lý, chủ tịch huyện đã chỉ đạo thanh lý cho người dân. Tuy nhiên, gần một tháng trôi qua, người dân địa phương cho biết, ngoài 24 công trình sai phạm nói trên chưa bị xử lý tháo dỡ thì đã có thêm nhiều công trình sai phạm khác mọc lên. 

24 ngôi nhà xây dựng trái pháp luật mọc lên trước sự bất lực của chính quyền 

Ông Nhân trần tình, mặc dù nắm rõ tình hình, biết các công trình sai phạm ngang nhiên công khai xây dựng rầm rộ nhưng chính quyền không thể ngăn chặn vì lực lượng quá mỏng. Ngày nào lực lượng chức năng địa bàn cũng có nguy cơ đối đầu với các băng nhóm manh động, trong khi xã chỉ có 2 nhân sự địa chính phụ trách. Không ít công trình sai phạm mọc lên, cán bộ phát hiện xuống lập biên bản không ai nhận. Cho lực lượng xuống kéo xe cuốc, thiết bị, vật tư về nhưng các công nhân cho biết họ chỉ làm thuê, không phải chủ nhà, cũng không phải chủ thầu. 

Thực tế, nhiều tổ chức, cá nhân bắt tay với các băng nhóm tội phạm bao chiếm đất, xây dựng không phép, sai phép tại huyện đảo Phú Quốc đã diễn ra trong thời gian dài, "nóng" nhất là 7 năm trở lại đây. Kể từ khi có thông tin xây dựng đặc khu và làn sóng các tập đoàn BĐS lớn đổ bộ về đây, thị trường nhà đất không ít lần lên cơ sốt điên cuồng. Để xảy ra sai phạm nhiều, quy mô sai phạm ngày càng lớn, rõ ràng chính quyền địa phương đã không làm tròn trách nhiệm, có dấu hiệu buông lỏng công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng, an ninh trật tự địa bàn.

Để lập lại kỷ cương công tác quản lý đất đai, xây dựng tại huyện Phú Quốc, ngày 10-3 vừa qua, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã có cuộc họp với lãnh đạo Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính, Bộ Tư Pháp, Bộ Xây dựng, UBND tỉnh Kiên Giang... để lắng nghe báo cáo kết quả xử lý các vi phạm đất đai, trật tự xây dựng và đấu tranh với các băng, nhóm tội phạm trên địa bàn huyện.

UBND tỉnh Kiên Giang báo cáo đã xử lý được nhiều vụ việc vi phạm liên quan đến đất đai, trật tự xây dựng, an ninh trật tự, xử lý nhiều tập thể cá nhân liên quan để xảy ra vi phạm.

Cụ thể, lĩnh vực đất đai đã xử lý 231/308 vụ (đạt 75%), còn 77/308 vụ đang xác minh, củng cố hồ sở tiếp tục xử lý; lĩnh vực xây dựng đã xử lý 189/229 vụ (đạt 82,5%), còn 40/229 vụ đang củng cố hồ sơ; lĩnh vực lâm nghiệp đã xử lý 33/33 vụ (đạt 100%).

UBND huyện Phú Quốc đã xử lý, luân chuyển nhiều cán bộ, công chức. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều trường hợp vi phạm chưa được xử lý dứt điểm, xử lý cán bộ vi phạm chưa nghiêm và tình hình an ninh trật tự mới tạm ổn định.

Sau khi nghe báo cáo, về phía UBND tỉnh Kiên Giang, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu chấn chỉnh công tác quản lý Nhà nước về đất đai, trật tự xây dựng, an ninh trật tự; tiếp tục kiểm tra, rà soát và xử lý dứt điểm các vi phạm, trong đó phải xử lý nghiêm các trường hợp lấn, chiếm, phá rừng, chuyển nhượng đất rừng quốc gia, rừng phòng hộ trái pháp luật.

Các vi phạm mới phải kịp thời phát hiện, xử lý ngay, không để phát sinh thêm vi phạm. Vi phạm nào có dấu hiệu tội phạm phải xem xét xử lý hình sự, nhất là đối với các băng nhóm xã hội đen. Tổ chức kiểm kiểm, xử lý nghiêm đối với các tập thể, cá nhân liên quan đến các vi phạm đất đai, trật tự xây dựng... Báo cáo Thủ tướng Chính phủ các nội dung chỉ đạo trước ngày 1-7-2020.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cũng chỉ đạo Bộ Công an tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương chỉ đạo đấu tranh, ngăn chặn, triệt phá, điều tra, xử lý quyết liệt các đối tượng băng nhóm hoạt động theo kiểu xã hội đen; nhất là các băng nhóm hoạt động đội lốt công ty, doanh nghiệp dịch vụ bảo vệ. 

Tin cùng chuyên mục