Để giữ gìn vóc dáng, nhiều người chọn cách kiêng ăn vô tội vạ. Không ít người loại bỏ tinh bột ra khỏi khẩu phần ăn, khiến cơ thể thiếu hụt chất dinh dưỡng nghiêm trọng.
Càng nhịn càng thèm và... ăn bù!
Đó là tình trạng hiện nay của chị Đ.T.H.L. (55 tuổi, ngụ quận 7, TPHCM). Chị L. kể, sau khi lo cho con tốt nghiệp ra trường, chị đi du lịch khắp nơi, hễ đi đến đâu là ăn thỏa thích bất kể ngày đêm, thế nên cân nặng của chị tăng nhanh chóng. Một năm trước, chị L. quyết định giảm cân bằng cách... nhịn ăn, mỗi ngày chỉ ăn 2 dĩa rau luộc và 2 trái táo. “Ăn được 3 ngày thì bụng đói cồn cào không chịu nổi, lúc nào trong đầu cũng nghĩ tới món ăn ngon, đêm đi ngủ mà bụng kêu vì đói”, chị L. chia sẻ. Thế là, cố gắng ăn kiêng được 4 ngày, chị L. đã bỏ cuộc. Đáng nói, chị L. còn quyết ăn bù những món chị thèm mà lúc ăn kiêng không ăn được!
Theo bác sĩ Dương Thị Kim Loan, Trưởng khoa Dinh dưỡng lâm sàng, Bệnh viện Thống Nhất TPHCM, nhịn ăn để giảm cân sẽ gây ra bất lợi cho cơ thể. Khi nhịn ăn, tế bào sẽ không được nuôi dưỡng, cơ thể thiếu năng lượng và các chất dinh dưỡng, đặc biệt là thiếu năng lượng cho não. Tùy vào mức độ nhịn ăn và mức độ dự trữ của cơ thể sẽ dẫn đến các bệnh lý như: suy dinh dưỡng, suy mòn, bệnh gan, đái tháo đường... Nhịn ăn cũng làm ảnh hưởng đến dạ dày, tăng nguy cơ viêm loét dạ dày, vi khuẩn dễ tấn công vào cơ thể từ đường tiêu hóa. Hơn nữa, nhịn ăn gây mệt mỏi, thiếu năng lượng, thiếu oxy tế bào, hạ đường máu. Nguy hiểm hơn, khi nhịn ăn quá mức, cơ thể sẽ có cảm giác thèm ăn vì tế bào bị bỏ đói, sau đó ăn bù nhiều, gây tăng cân nhanh chóng.
Dễ sinh bệnh
Bác sĩ Dương Thị Kim Loan nhận định, tinh bột là một trong 3 chất dinh dưỡng cơ bản cung cấp năng lượng cho cơ thể hoạt động, chiếm tỷ trọng chủ yếu trong khẩu phần ăn mỗi ngày, trung bình từ 55%-65% tổng năng lượng. Mỗi ngày cơ thể cần ít nhất 100 gram đường Glucose cho não, tế bào gan, hồng cầu để sử dụng. Nếu khẩu phần ăn uống cắt hoàn toàn chất bột đường thì gan sẽ phải làm việc quá mức để chuyển dạng đường dự trữ ở cơ và gan. Cơ thể phải sử dụng cơ, mỡ để chuyển thành đường Glucose nhằm cung cấp năng lượng cho não. Tuy nhiên, việc chuyển hóa này sẽ gây bất lợi cho cơ thể, vì mặc dù giúp cơ thể giảm cân nhưng giảm khối cơ nhiều hơn khối mỡ, khi giảm cơ sẽ làm suy giảm sức đề kháng, gây hốc hác trên khuôn mặt, nhão các bắp cơ tay, chân dẫn đến ảnh hưởng thẩm mỹ. Vì vậy, khi cắt bỏ hoàn toàn chất bột đường sẽ ảnh hưởng đến chuyển hóa các chất dinh dưỡng, gây bất lợi cho cơ thể.
Ngoài việc xây dựng chế độ ăn hợp lý, không tự ý cắt bỏ tinh bột khỏi khẩu phần ăn mỗi ngày thì người trung niên nên tăng cường vận động thể lực vừa sức, chọn loại hình vận động thích hợp, cường độ vừa phải. Thời gian luyện tập từ 30-45 phút mỗi lần tập, tần suất vận động mỗi ngày hay 3 ngày/tuần. Chú ý vận động lúc đói và cường độ vừa phải sẽ giúp cơ thể tiêu hao lượng mỡ thừa. Hạn chế thói quen ngồi lâu liên tục trên 2 giờ. Tập thói quen sống năng động, tích cực.
Thay vì bỏ ăn, nhịn ăn, chúng ta nên sáng suốt trong việc lựa chọn thực phẩm, tạo chế độ ăn hợp lý, cân đối các chất dinh dưỡng, bao gồm: đạm, bột đường, béo, vitamin, khoáng chất, xơ, nước. Hạn chế ăn các loại thực phẩm giàu béo, rượu, bia. Ngoài ra, nên ăn đa dạng thực phẩm, đảm bảo nhu cầu vitamin và khoáng chất.
Để giảm cân, giảm béo hợp lý, tránh bị tác dụng ngược, chúng ta nên tham vấn ý kiến của bác sĩ. Tuyệt đối không vì mong muốn giảm cân thần tốc mà nhịn ăn hay áp dụng bất cứ chế độ ăn kiêng nào nhưng không được chuyên gia tư vấn, theo dõi. Lưu ý, không tùy tiện và nôn nóng giảm cân cấp tốc, trường hợp cần giảm cân để điều trị các bệnh lý tim mạch (tăng huyết áp, bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ, rối loạn mỡ máu), đái tháo đường, bệnh ngưng thở khi ngủ… cần được xem xét bởi bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng vì mỗi người sẽ có mục tiêu giảm cân khác nhau. |