Bằng những chương trình gặp mặt tri ân, hàng ngàn công trình đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc gia đình chính sách, người có công, thành phố đang viết tiếp câu chuyện nghĩa tình, nhân văn để quá khứ hào hùng mãi được gìn giữ trong từng nhịp sống mới.
LTS: Sài Gòn - TPHCM trong hành trình 50 năm từ ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đã từng bước khẳng định vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước.
Không chỉ lo cho mình, TPHCM còn tích cực chia sẻ với các địa phương khác thông qua nhiều hoạt động hỗ trợ phát triển hạ tầng, y tế, giáo dục, nhất là trong thiên tai, dịch bệnh.
Với tinh thần “văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, “vì cả nước, cùng cả nước”, là địa phương đi đầu, nơi khởi nguồn của nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa, an sinh xã hội, TPHCM đang viết tiếp hành trình 50 năm bằng những việc làm thiết thực, nhân văn, thể hiện rõ vai trò đầu tàu, luôn mang trong mình trách nhiệm với đồng bào cả nước và khát vọng vươn lên, cùng cả nước vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng.

Tri ân những cống hiến
Chiều buông trên mảnh đất Củ Chi kiên cường, những tia nắng vàng xen qua kẽ lá chiếu vào khoảng sân trước nhà bà Phan Thị Chum, xã Phạm Văn Cội. Trong căn nhà nhỏ vừa được sửa sang khang trang, bà Chum thắp nén nhang lên bàn thờ Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Đắng.
Mẹ Đắng có 14 người con, 3 người là liệt sĩ đã nằm lại chiến trường, hài cốt vẫn chưa tìm thấy. Một người con của Mẹ là ông Phan Văn Hôn, chiến sĩ biệt động Sài Gòn… Tuổi thơ của bà Chum thấm đẫm mùi thuốc súng và tiếng bom rền. Mười bốn tuổi, bà đã khoác lên mình màu áo thanh niên xung phong. Chiếc xe bò cũ dùng để cáng thương, tải đạn dược cùng những đêm dài vượt rừng đưa đón bộ đội, đã trở thành một phần không thể quên trong ký ức người con gái ấy.
Gần 50 năm ngày đất nước thống nhất, bà Chum vẫn mang trên mình dấu tích của chiến tranh để lại. Những vết thương cũ thường nhói đau khi trái gió trở trời khiến người thương binh hạng 3/4 khó khăn trong lao động, đời sống kinh tế bấp bênh. Trước nay, bà sống cùng chồng trong ngôi nhà cũ ẩm thấp, nóng bức và chằng chịt vết nứt theo thời gian.
Thấu hiểu hoàn cảnh gia đình, đầu năm nay, từ quỹ Đền ơn đáp nghĩa, huyện Củ Chi đã hỗ trợ bà Chum 60 triệu đồng để bà sửa lại căn nhà. Ngôi nhà thể hiện sự quan tâm, tri ân của Đảng và Nhà nước đối với những người có công cùng nhiều hoạt động khác, mang đến cho bà cuộc sống an yên hơn ở tuổi xế chiều.
Hiện nay, mỗi tháng, bà Chum nhận chế độ dành cho thương binh và người có công. Các dịp lễ, tết, chính quyền địa phương đều đến tặng quà, thăm hỏi, động viên gia đình, đặc biệt là khi đau ốm.
Cảm giác mình chưa bao giờ bị lãng quên là điều rất hạnh phúc
- bà Chum xúc động nói.
Cùng với các hoạt động tri ân nhân kỷ niệm ngày đất nước thống nhất, nhiều năm qua, TPHCM luôn chú trọng hoạt động đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc người có công, gia đình chính sách bằng những chương trình cụ thể, tạo sự lan tỏa rộng rãi, trở thành hoạt động tự thân của mỗi người dân thành phố.
Theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM Phan Kiều Thanh Hương, những năm qua, cùng với thực hiện các chính sách của Trung ương, TPHCM có nhiều chính sách đặc thù chăm sóc người có công, gia đình chính sách, từ đó nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người có công.

Hạnh phúc ngày trở lại
Xúc động, ngỡ ngàng xen lẫn niềm tự hào là những cảm xúc mà cựu chiến binh Trần Thái Học cùng các cựu chiến binh của tỉnh Đắk Lắk cảm nhận khi trở lại thành phố mang tên Bác trong những ngày tháng 4 lịch sử. Những mái đầu bạc trắng, mang trên mình bộ quân phục đã ngả màu, sờn vai, ông Trần Thái Học và những cựu chiến binh tham quan các di tích lịch sử, trở lại chiến trường xưa.
Đến thăm Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi, lật mở nắp hầm địa đạo, nhớ lại một thời hoa lửa, những người cựu chiến binh góp phần làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975 không giấu được xúc động. “Mình còn sống trở về là thấy may mắn, hạnh phúc lắm rồi”, ông Trần Thái Học chia sẻ.
Ông Trần Thái Học cùng đoàn đại biểu cựu chiến binh tỉnh Đắk Lắk và nhiều tỉnh, thành khác đến thăm TPHCM trong những ngày tháng 4 lịch sử theo lời mời của UBND TPHCM. Để chuyến trở lại TPHCM này thêm trọn vẹn, TPHCM đã chuẩn bị chu đáo từ nơi nghỉ dưỡng đến hành trình tham quan thành phố, kết nối quá khứ với hiện tại. Trên gương mặt sạm nắng của những người cựu chiến binh là ánh mắt ấm áp xen lẫn tự hào.
Về lại thành phố hôm nay, thấy từng con đường, từng góc phố đổi thay, lòng tôi rưng rưng. Nhưng ấm lòng hơn, hạnh phúc hơn là tình cảm mà thành phố dành cho chúng tôi vẫn vẹn nguyên như thuở nào
- ông Trần Thái Học bày tỏ.
Trải qua hành trình 3 ngày tại TPHCM, tham quan các di tích lịch sử, các địa chỉ đỏ như Hội trường Thống Nhất, Địa đạo Củ Chi, tham quan thành phố về đêm trên xe buýt 2 tầng, trải nghiệm tuyến metro số 1…, cựu chiến binh Trần Nguyên, tỉnh Nghệ An, chia sẻ, mỗi nơi đều mang lại cho ông những kỷ niệm khó quên, những cảm xúc bồi hồi, xao xuyến.
“Chuyến đi thật ý nghĩa, rất trân trọng tình cảm này của thành phố đối với chúng tôi”, ông Trần Nguyên nói. Chia sẻ tại buổi họp mặt đoàn đại biểu tỉnh Nghệ An mới đây, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Dũng bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đến các cô, chú cựu chiến binh, những người góp phần làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975.
Theo đồng chí, kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, TPHCM mời đại biểu các tỉnh, thành về thăm thành phố, thăm lại chiến trường xưa, tham gia các hoạt động kỷ niệm, diễu binh, diễu hành. Đây là dịp để thành phố tri ân sự cống hiến của các thế hệ đi trước, những người đã chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc, đồng thời góp phần tuyên truyền, giáo dục, hun đúc lòng yêu nước, tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ.

Hướng đến kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, TPHCM triển khai nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa. Những ngôi nhà mới khang trang, những chính sách ưu đãi thiết thực là cách thành phố tiếp tục bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc, bền bỉ, nghĩa tình.
Ở nơi đây, tri ân không chỉ vào những dịp lễ lớn, mà đã trở thành nhịp sống thường ngày, giản dị mà ấm áp...
Đồng chí NGUYỄN THANH NGHỊ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM:
Thành phố vì cả nước, cùng cả nước
Một trong những dấu ấn trong xây dựng, phát triển thành phố 50 năm qua là thành phố đã nhân rộng, lan tỏa truyền thống nhân ái, nghĩa tình. Cùng với phát triển kinh tế, truyền thống nhân ái, nghĩa tình là một đặc trưng văn hóa dân tộc được kế thừa, phát triển ngày càng sâu rộng, phổ biến trong nhận thức, quan hệ ứng xử của nhân dân thành phố.
Đảng bộ TPHCM phát động rất sớm phong trào Đền ơn đáp nghĩa với nhiều hoạt động thiết thực, cách làm sáng tạo xuất phát từ đạo lý uống nước nhớ nguồn, lòng biết ơn sâu sắc công lao của các thế hệ người có công với đất nước.
Thành phố cũng là nơi khởi xướng chương trình Xóa đói giảm nghèo, là nơi đầu tiên của cả nước hình thành mô hình bệnh viện miễn phí cho người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn.
Với truyền thống nhân ái, nghĩa tình, TPHCM là nơi hội tụ và lan tỏa, thu hút lực lượng lớn lao động, trí thức, văn nghệ sĩ, các tầng lớp nhân dân từ nhiều địa phương đến định định cư, phát triển nghề nghiệp, cùng chung sức, đồng lòng vì sự phát triển của thành phố. Sự lan tỏa của phong trào nhân ái, nghĩa tình chính là tình cảm, trách nhiệm, là cách thành phố đền đáp vì cả nước, cùng cả nước.
Ông LÊ VĂN SANG, cựu chiến binh xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi, TPHCM:
Nhẹ lòng với chế độ người có công
Hòa bình lập lại, tôi mang theo vết thương chiến tranh là thương binh hạng 3/4, bệnh binh hạng 2/3. Vợ tôi cũng là thương binh hạng 4/4, hai vợ chồng thường xuyên đau ốm.
May mắn được sự quan tâm từ chính quyền và các hội đoàn thể, tôi được tạo điều kiện công tác tại Ban Quản trang Nghĩa trang chính sách huyện Củ Chi, sau đó tiếp tục tham gia công tác xã hội tại địa phương với nhiều vai trò như: Chi hội trưởng Chi hội Nông dân, trưởng ấp, đại biểu HĐND xã. Năm 2015, gia đình tôi được hỗ trợ xây dựng lại căn nhà khang trang.
Tôi nhẹ lòng lắm, cả đời vất vả, nay có chỗ ở đàng hoàng là mãn nguyện. Gia đình cũng nhận đầy đủ trợ cấp chính sách người có công, hỗ trợ kinh tế, chăm sóc sức khỏe, quà các dịp lễ, tết… Các chế độ ưu đãi dành cho người có công giúp vợ chồng tôi yên tâm tuổi già.