Sài Gòn có nghĩa là “củi gòn”?

Hỏi:
Sài Gòn có nghĩa là “củi gòn”?

Hỏi: Cách đây vài tháng, trên Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh có chiếu một cuốn phim nói về nguồn gốc và ý nghĩa của địa danh Sài Gòn. Trong phim này, một nhà nghiên cứu văn hóa Nam bộ nổi tiếng cho rằng Sài Gòn có nghĩa là “củi gòn”, vì trước đây ở vùng Sài Gòn có mọc nhiều cây gòn. Xin ông cho biết ý kiến về vấn đề này.
Huỳnh Quốc Ấn (TP Hồ Chí Minh)

Sài Gòn có nghĩa là “củi gòn”? ảnh 1

Tôi có xem cuốn phim này và sau đó có trao đổi ý kiến với nhà nghiên cứu khả kính trên. Nhân dịp bạn hỏi, tôi xin trình bày một khía cạnh của vấn đề này.

Trong lý luận ngôn ngữ học, có hai thuật ngữ gần nghĩa nhưng hoàn toàn khác nhau. Đó là từ và từ tố (hay hình vị). Từ (word) là đơn vị ngôn ngữ nhỏ nhất có ý nghĩa hoàn chỉnh, có cấu tạo ổn định và dùng để đặt câu. Thí dụ: đi, đẹp, củi,… Vậy từ có 3 đặc điểm: có cấu tạo ổn định, có ý nghĩa hoàn chỉnh, có tính độc lập (nên có thể dùng để đặt câu). Còn từ tố hay hình vị (morpheme) là đơn vị có nghĩa, nhỏ nhất, mang giá trị ngữ pháp.

Thí dụ: duy nhất, quốc, thiều, sài, tân,… Vậy có thể xác định 3 đặc điểm của hình vị là: có nghĩa, nhỏ nhất, không dùng độc lập (mà chỉ dùng như một yếu tố của từ ghép: duy nhất, quốc thiều, sài tân “bến củi”).

Như vậy, sài là yếu tố Hán Việt, là từ tố không dùng độc lập như từ (đơn) nên người viết không thể nói: sài tre (= củi tre), sài đước (= củi đước), sài gòn (= củi gòn),...

Do đó, ý kiến cho rằng Sài Gòn vốn có nghĩa là “củi gòn” là hoàn toàn không đúng.
Ngoài ra, không có một tài liệu cổ nào ghi rằng tại vùng đất này có mọc nhiều cây gòn.
Muốn biết đầy đủ và toàn diện vấn đề nguồn gốc địa danh Sài Gòn, xin bạn đọc một trong hai cuốn sách Địa danh ở thành phố Hồ Chí Minh (NXB KHXH, 1991) hoặc Nguyên tắc và phương pháp nghiên cứu địa danh (Địa danh ở thành phố Hồ Chí Minh) (NXB KHXH, 2003).

PGS-TS Lê Trung Hoa

Tin cùng chuyên mục