Sài Gòn có cây bao-báp

Sài Gòn có cây bao-báp

1. Rất tình cờ, tôi được biết ở Sài Gòn có một cây bao-báp (baobab), loại cây vốn chỉ xuất hiện một số vùng thuộc châu Phi. “Chàng khổng lồ” là tên mà người châu Phi gọi cây bao-báp bởi cây này thường có chiều cao từ 5 - 20m, đường kính rộng hàng chục người ôm và đặc biệt nó có thể sống lâu đến 3.000 năm, bất chấp thiên nhiên khắc nghiệt. Với tính chất của một “chàng khổng lồ” như thế, cây bao-báp trở thành biểu tượng sức mạnh của người châu Phi.

Sài Gòn có cây bao-báp ảnh 1

Cây bao-báp trong khuôn viên ĐHSP TPHCM. Ảnh: V.Q.

Thật kỳ lạ và vô cùng thú vị khi có một cây bao-báp như thế đang “ngự” tại Sài Gòn, ngay trong khuôn viên Trường Đại học Sư phạm (ĐHSP) TPHCM. Được sự giới thiệu của PGS-TS Nguyễn Kim Hồng-Hiệu phó Trường ĐHSP TPHCM, tôi đã được mục kích cây bao-báp và có cả một buổi chiều để… ngắm nghía “chàng khổng lồ” này. Thực ra, nếu so với những cây bao-báp ở châu Phi thì cây bao-báp ở Trường ĐHSP TPHCM còn quá khiêm tốn về vóc dáng. Nó chỉ mới cao chừng 10m và đường kính khoảng chừng 2 người ôm.

2. Thoạt đầu tôi cứ nghĩ, thầy Hồng là tác giả của cây bao-báp có nguồn gốc từ châu Phi này, nhưng không phải. Thầy cũng chỉ là một trong những người “khoái” cây bao-báp, còn người trực tiếp trồng cây bao-báp này là thầy Nguyễn Quý Tuấn, hiện đã nghỉ hưu.

Gặp thầy Tuấn tại nhà riêng, tôi biết thêm thầy nguyên là Phó Trưởng phòng KHCN và sau đại học của ĐHSP TPHCM. Khi còn giảng dạy ở khoa Sinh vật Trường ĐHSP TPHCM, thầy từng có 5 năm (1988 - 1993) làm chuyên gia giáo dục giảng dạy đại học ở Angola (châu Phi). Năm 1993, khi về nước, hành trang mà thầy mang theo chỉ có… 2 loại hạt là hạt cây bao-báp và hạt chanh dây. Sau biết ở VN cũng có chanh dây nên thầy không mặn mòi với nó nữa mà dành sự chăm chút cho những hạt cây bao-báp kia.

Theo thầy Tuấn, sở dĩ thầy thích cây bao-báp vì đấy là loại cây nổi tiếng về học thuật kinh điển sinh vật học. Chuyên môn của thầy vốn là ngành động vật chứ không phải thực vật nhưng thầy mê cây bao-báp bởi hình ảnh rất mạnh mẽ đồng thời rất gần gụi, thân thương của nó. Ở châu Phi, cây bao-báp rất dễ trồng, chỉ cần vứt hạt xuống đất, đến mùa mưa nó sẽ tự mọc. Cây bao-báp lớn nhanh như thổi. Đến tháng 8, cây ra hoa, những bông hoa có cuống dài bằng cánh tay trắng muốt như hoa quỳnh và treo lủng lẳng như những quả chuông. Quả bao-báp hình bầu dục, có nhiều hạt to cỡ ngón tay cái, bên trong có bột như bột sắn. “Bột này có vị chua chua, người Phi hay dùng nấu món “ka-lặc”-một món ăn sền sệt có vị như sữa chua” - thầy Tuấn cho biết thêm.

3. Thầy Tuấn bảo, ban đầu muốn uốn cây bao-báp thành cây bonsai, nhưng không được vì cây lớn vùn vụt. Nhà chật nên thầy phải mang cây vào trường trồng, đến năm thứ 10 (2003) thì cây ra hoa. Thầy rất mừng, hồi hộp chờ cây ra trái nhưng chờ mãi vẫn không thấy. Rồi thầy về hưu, rời trường, ít có dịp trở lại. Cây bao-báp vẫn lớn nhanh từng ngày.

Khuôn viên nhỏ chừng 10m2 này có lẽ không phải là mảnh đất lý tưởng cho “chàng khổng lồ”. Tôi thấy một đoạn bờ tường đã bị vỡ toạc vì rễ cây bao-báp bung ra. Được biết, Thảo Cầm viên đã từng đến xin cây bao-báp này nhưng nhà trường chưa đồng ý vì đấy cũng là một “vật quý” của trường. Nhưng, nếu không đưa “Chàng khổng lồ” về Thảo Cầm viên thì nhà trường cũng nên tính đến việc dời nó đến một địa điểm thích hợp hơn.

Tôi được biết, từ cổ xưa ở Zimbabwe, những người dân thường chui vào trú ngụ trong thân cây bao-báp rỗng. “Ngôi nhà cây” này có thể chứa đến 20 - 30 người. Cây bao-báp ở Sài Gòn này rồi cũng sẽ già và rỗng từ bên trong. Nhưng khi đó là chừng nào? Và chừng đó ai là người được sống trong… ngôi nhà cây bao-báp ấy (?!).

TRẦN NHÃ THỤY

Tin cùng chuyên mục