25 tác giả góp mặt trong tập sách này đến từ nhiều ngành nghề khác nhau, trong đó có y bác sĩ, doanh nhân, nhà nghiên cứu, vận động viên, nhà văn, nhà báo, nhiếp ảnh gia... Một số tác giả đã là những tên tuổi quen thuộc với bạn đọc như: nhà báo Cù Mai Công, bác sĩ Dương Minh Tuấn, nhà văn Dương Thụy, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, doanh nhân Nguyễn Phi Vân, TS Nguyễn Thị Hậu, TS - Bác sĩ tâm lý Vũ Phi Yên…
Họ chia sẻ những trải nghiệm sống động từ bệnh viện tuyến đầu, về những điều nhân văn, ý nghĩa đã chứng kiến trong mùa cao điểm dịch, những suy nghiệm và cảm hứng cho thời bình thường mới - cũng là cảm xúc của người dân thành phố trong thời khắc chuyển giao năm cũ năm mới: buông bỏ những điều buồn phiền, nuôi dưỡng hy vọng, bước tiếp và sống tốt.
Bác sĩ Nguyễn Minh Hảo Hớn (Trưởng khoa Mũi Xoang, Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM) kể chuyện những ngày ở Khu Điều trị Covid, đã giúp ông cảm nhận ý nghĩa của cuộc sống và tình người ấm áp lan tỏa. Ở đó, các y bác sĩ, nhân viên y tế và bà con khó khăn đã luôn nhận được sự quan tâm, sẻ chia của tất cả mọi người. Ông kể, có những người chưa bao giờ gặp mặt, nhưng sẵn sàng nấu hàng trăm suất cơm ngon lành, nóng hổi mỗi ngày dành tặng tuyến đầu. Cũng có người đóng góp những ngày lương để mua khẩu trang, mua máy trợ thở, tặng cho bệnh viện để cấp cứu bệnh nhân. Hay có người dành số tiền tích cóp xây nhà để mua rau củ, thịt trứng hỗ trợ người nghèo tại cách khu cách ly.
“Biết bao tấm gương thầm lặng, biết bao người đã quên bản thân mình. Chúng ta đã cùng nhau đi qua những ngày tháng khó khăn nhất và cũng đã sống những ngày đáng sống nhất trong cuộc đời mình. Đại dịch rồi sẽ qua đi, nhưng tình người sẽ còn mãi mãi”, bác sĩ Nguyễn Minh Hảo Hớn chia sẻ trong bài viết Chúng ta đã đi qua những ngày đáng sống nhất trong cuộc đời.
Đọc những dòng chữ của bác sĩ Tăng Hà Nam Anh (Giám đốc Trung tâm Chân thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh) trong bài viết Khoác áo blouse và lên đường, người đọc không khỏi không cảm động trước những tấm lòng của những “chiến binh thầm lặng”: “Không chỉ thiếu hụt vật tư thiết bị y tế, nhân lực mà máu cũng thiếu. Thiếu hụt máu nghĩa là nguy cơ bệnh nhân tử vong tăng lên. Và cũng như mọi khi, những nhân viên y tế ở các bệnh viện lặng lẽ xếp hàng để hiến những giọt máu của mình cho bệnh nhân. Bản thân người viết cũng đã nhận nhiều cuộc gọi của nhân viên mình với lí do đi trễ vì “em đang chờ hiến xong bịch máu sẽ về bệnh viện làm việc liền”.
Ngoài 26 bài viết của 25 tác giả, Sài Gòn chọn nhớ những điều thương còn có sự tham gia của các nhiếp ảnh gia: Ngô Trần Hải An, Minh Hòa, Hải Thành, Kiếng Cận. Họ đã mang đến những bức ảnh chân thực và kịp thời, từ đó cộng hưởng thêm với những trang viết để tạo nên một bức tranh đặc biệt về Sài Gòn - TPHCM, khi đi qua đại dịch Covid-19, dẫu có nhiều mất mát nhưng vẫn luôn đầy ắp nghĩa tình.
Được biết, toàn bộ lợi nhuận từ cuốn sách này sẽ được NXB Trẻ đóng góp vào Quỹ Phòng, chống Covid-19. Các tác giả, nhiếp ảnh gia trong sách cũng nhận mức nhuận bút tượng trưng để đồng hành cùng NXB Trẻ, trong đó nhiều người tặng nhuận bút của mình để góp quỹ.