Ở thành phố này, chuyện hẹn hò thường bắt đầu bằng câu “Đi cà phê nha!” và tới quán thì người ta có hẳn một ngàn lẻ một sự lựa chọn chứ không chỉ có cà phê.
Về mặt địa lý, thổ nhưỡng nơi đây không thích hợp để cây cà phê sinh trưởng, nhưng lạ một điều, cà phê như một “đặc sản” mà khi tới Sài Gòn TPHCM, người ta phải thưởng thức cho bằng được. Nhiều tài liệu ghi lại, ở thành phố phương Nam này, người ta đã biến tấu từ ly cà phê đen thêm chút sữa đặc, thành ly cà phê sữa thơm nồng nàn, vị hài hòa ngọt - đắng, được cả thế giới công nhận (như hãng tin Bloomberg bình chọn cà phê sữa đá Việt Nam nằm trong tốp 10 thức uống ngon nhất thế giới năm 2014).
Ở nơi đây, có đủ kiểu thưởng thức cà phê, từ cách pha phin truyền thống đến pha phễu giấy hoặc máy pha cà phê hiện đại và biến tấu thêm kem, sữa mang phong cách đồ uống phương Tây. Tuy nhiên, đặc biệt và lưu luyến hơn cả là những ly cà phê pha vợt có giá trên dưới 10.000 đồng, làm nên một phong cách uống cà phê đặc trưng của người thành phố một thời.
Trước khi người ta có cái thú nhìn những giọt cà phê sóng sánh qua phin rồi chậm rãi rơi xuống ly, thì kiểu pha cà phê bằng vợt thịnh hành khắp các quán lớn nhỏ trong thành phố. Cà phê pha bằng vợt vải rồi ủ trong siêu, nhiều người hay gọi là “cà phê kho”.
Một tách cà phê theo kiểu “muôn năm cũ” nhưng lại lưu luyến lòng người đến lạ. Những tiệm cà phê kiểu này vài chục năm tuổi đời là chuyện bình thường như cà phê vợt chợ Thiếc, cà phê Ba Lù hay cà phê Cheo Leo, cà phê vợt Phan Đình Phùng…
Đặc điểm chung ở các quán này là cà phê pha vợt kiểu cũ, bàn ghế cũng cũ nốt, khách ngồi vỉa hè, hoặc cập theo tường nhà trong hẻm… Đây chính là cái thú uống cà phê của người thành phố. Không cầu kỳ như những ly cà phê thêm kem, đá xay, caramel… Cũng không vội vàng như ly cà phê take away (mang đi) trên nhiều tuyến đường trong thành phố mỗi sáng, cà phê vỉa hè cứ đủng đỉnh, thong thả giữa phố phường tấp nập.
Cà phê thị thành có nhiều kiểu, nhưng “đặc sản” thì phải kể cà phê sữa đá, cà phê vỉa hè, thói quen sinh hoạt không lẫn vào đâu được và dung hòa mọi tầng lớp. Ai cũng có thể dừng lại nhâm nhi tách cà phê sớm cùng tờ báo, đủ để bắt chuyện, làm quen bất kỳ ai đang ngồi kế bên mà chẳng chút ngại ngùng.
Có người không thích cà phê bởi vị đắng ở đầu lưỡi, nhưng cũng có người thong thả hớp từng ngụm, từ từ cảm nhận cái ngọt thơm lan tỏa ở vòm họng rồi thành ghiền. “Sài Gòn cà phê sữa đá. Vẫn mãi như thế ai uống hay chưa? Sài Gòn hàng cây ghế đá. Vẫn cứ như thế khi nắng khi mưa” (lời bài hát Sài Gòn cafe sữa đá, sáng tác: Hà Okio). Và cứ thế, ly cà phê sữa đá hay tách cà phê sớm mai bên vỉa hè… trở thành một “di sản” trong nếp sinh hoạt của người thành phố.