Sài Gòn ấm áp thân thương

49 năm sau ngày giải phóng, Sài Gòn - TPHCM đã có nhiều cuộc đổi dời để trở thành mới mẻ. Khung cảnh, nhịp sống đã khác vô vàn so với trước. Có người bao năm tháng chỉ ở đây, và cũng có những người đi xa tít tắp rồi chọn trở về.

Bên dòng kênh từng đặc quánh

Nắng sắp tắt. Có mấy người hẹn gặp lại nhau bên dòng kênh Tân Hóa - Lò Gốm. Ông Tám Minh thủng thẳng: “Chú chắc không rành, chớ tui ở đây từ hồi nhỏ xíu. Hồi đó cái kênh này ớn lắm. Nắng thì bốc mùi, thở hổng nổi. Mưa lại sình thúi, mà cả vùng đều chịu trận chứ chạy đi đâu”. Rồi hơn chục năm trước, dòng kênh bắt đầu chuyển mình cho một cuộc đổi thay lớn lao. “Lúc đầu thấy người ta làm dự án cải tạo rầm rộ, thiệt tình là dân ở đây cũng hồ nghi. Thứ đã nổi danh ô nhiễm nhất nhì Sài Gòn bao nhiêu năm, đâu thể nghĩ tới lúc nó lột xác trong hình hài mới”, ông Tám Minh nói tiếp.

2-1374.gif
4-6579.gif
3-531.gif

Nhưng điều tưởng rằng không thể đã xảy ra. Chỉ riêng về tiền, ngân sách đã đổ vào đây 5.000 tỷ đồng. Dòng kênh từng đặc quánh, dài hơn 7km lờ đờ xịch đụi qua 4 quận (6, 11, Tân Bình, Tân Phú) dần thay da đổi thịt. Việc thi công diễn ra liên tục ngày đêm trong nhiều năm liền. Bao nhiêu sức người đã nhẫn nại để một dòng kênh tưởng chừng ngắc ngoải lại chảy, lại trôi. Phố xá dọc bên kênh đổi thay đến ngỡ ngàng. Đâu thể ngờ có một ngày bên dòng Tân Hóa - Lò Gốm lại có hàng quán khang trang, dân tình chạy bộ, hóng mát buổi sớm, thả diều buổi chiều. Ông bạn người Bỉ biết nói khá sõi tiếng Việt, nghe chuyện rồi trố mắt: “Ồ, đó lại là dòng kênh này được sao? Nếu quả thực làm được vậy, đúng là chuyện kỳ diệu”!

Chị chủ quán cà phê tên Duyên, giọng vẫn còn âm hưởng miền Tây rặt, thay ly trà, khi được mời ngồi, liền góp chuyện: “Em mới bán ở đây mấy năm thôi, nhưng thấy êm.

Nhiều người ở khu này từ hồi lâu lắc thỉnh thoảng vẫn nhắc chuyện ô nhiễm hồi xưa. Ai dè có lúc bờ kè làm bê tông sắc cạnh sạch sẽ vầy. Rồi ai dè cây xanh lại đổ bóng cũng đỡ nực. Nhưng nói thiệt, giá có cách nào để nước đỡ hôi”.

Dòng kênh đã qua một cuộc dời đổi lớn lao, nhưng nước vẫn chưa thể trong xanh. Bởi cư dân hai bên bờ vẫn có người xả rác, quăng đồ dơ xuống nước. “Sạch là do mình, mà dơ cũng đâu ai khác ngoài mình. Cái thói quen đổ bậy muốn khác đi cũng phải ráng trần thân. Nhưng dòm lại mấy chục năm, nếu đồng lòng sửa thì sửa được. Giữ trong lành cho mình thì mình hưởng”, ông Tám nói. Đổi đời lần thứ nhất là khi dòng kênh ô nhiễm nặng nề được cải tạo khang trang. Sự thật ấy dẫn đến lòng tin rằng một ngày kia, cuộc đổi đời lần thứ hai cũng sẽ xảy ra với cư dân hai bờ. Nếp sống sẽ tiến bộ hơn, nước kênh được xử lý qua nhà máy lọc. Ngày đó, ai cũng được ưỡn căng lồng ngực và thở thỏa thuê dưới tán cây đổ bóng sum suê.

Những kênh Nước đen, Tàu Hũ, Đôi… đều có thể nhìn cuộc biến cải của lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè để có thêm khích lệ. Dòng kênh đổi đời và hàng triệu con người cùng nhịp.

Có một Sài Gòn bao dung

“Em muốn ăn món gì đó vừa ấm mềm, thơm, mà vừa thiệt nhẹ bụng. Em nhớ hồi nhỏ có được ăn rồi, mà giờ không thể tả đó là món gì”, Jack Đoàn từ Canada về tuần trước, đưa ra đề nghị bất ngờ. Vậy là hẹn Jack sáng sớm ở một khúc vỉa hè trên đường Trần Hưng Đạo, quận 5. Nơi đó có gánh tàu hũ của một chị người Quảng Ngãi. Và khi bưng chén tàu hũ nóng hổi sóng sánh trên tay, xúc hai muỗng hít hà, mắt Jack lóng lánh. Không đủ vốn từ, nên cậu nói tiếng Anh pha tiếng Việt với vẻ vui sướng: “Trời ơi, đúng cái này rồi. Bao nhiêu năm mới ăn lại, mà ruột gan em như gặp được người thân thuộc”. Chị Quảng Ngãi cười hiền khô: “Ăn từ hồi lâu lắc mà vẫn nhớ để ghiền ha”.

5-8349.gif
Những con kênh không chỉ là tuyến đường thủy giao thương mà còn lưu dấu chặng đường phát triển của đời sống thị dân. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Không rầm rộ, nhưng từ vài năm nay, có nhiều Việt kiều thành đạt ở châu Âu, Bắc Mỹ, Australia, Nhật Bản… đã trở về. Điều chia sẻ công khai của họ là tìm cơ hội đầu tư, hoặc nhỏ hơn, là tái khởi nghiệp. Và rồi khi đã đứng chân vững hơn, họ chợt thấm rằng mối đồng cảm bên trong có thể còn mạnh hơn lợi ích từng đeo đuổi. Và đặc biệt, trong đó có không ít người chưa đến tuổi trung niên.

Dũng rời xóm giáp cù lao Phú Nhuận theo gia đình định cư lúc là một cậu nhóc 6 tuổi. Với tấm bằng kỹ sư công nghệ, cậu từng làm cho một hãng lớn bên Mỹ và lâu lâu có trở lại Sài Gòn - TPHCM. Dũng thổ lộ: “Em là dân IT, lúc đầu tính về để thăm dò mở công ty xuất khẩu phần mềm. Nhưng thị trường mấy năm qua khác quá. Thực tế dẫn mình tới lựa chọn khác: làm nông nghiệp sạch. Thứ nảy ra khác với dự định ban đầu cũng khiến tùm lum cái đã chuẩn bị không khớp, phải điều chỉnh tới lui cũng cực”. Nhưng điều khiến Dũng ngẩn ngơ là xóm cù lao ngày xưa đã mất dạng. Người xưa cảnh cũ hoàn toàn thay đổi. Và rất nhiều gia đình trong xóm cũ giờ đã “lên đời”.

Góp chuyện, Huỳnh, một Việt kiều Pháp làm trong mảng công nghệ sinh học, nói rành rẽ: “Sự hấp dẫn của thị trường mình rất đáng kể đó. Sức tăng trưởng của một thị trường quy mô cả 100 triệu dân thu hút nguồn lực tài chính, nhân tài, các mối liên kết. Ở đâu thì cũng phải cày cật lực mới thật sự có cơ hội, nhưng trở về, còn là do những thôi thúc khác ở bên trong”. Thôi thúc đó là gì? “Em thấy mình dường như có khoản nợ chưa trả với nơi mà mình đã ra đi 15 năm trước. Về, ngoài cảm giác trở lại với rất nhiều điều thân thuộc trong máu huyết, còn là được vẫy vùng, cố gắng như một người trong cuộc”, Huỳnh giải bày.

Tại sao lại có mong muốn được vẫy vùng như vậy? “Cái này cũng khó nói đích xác lý do. Nhưng những lần trở về Sài Gòn, em thấy như gặp lại những gì quen lắm, thân lắm. Hồi dịch Covid-19, em mắc kẹt nhiều tuần vì không thu xếp được chuyến bay về bên kia. Và mỗi ngày, dù loanh quanh một chỗ, những lan tỏa của tình người trong hoạn nạn đều khẽ chạm tới tim mình. Khi trở lại bên kia, bỗng nhiên em nôn nao và bắt đầu sắp xếp để quay về. Chưa dám nói chắc nụi có về hẳn đây không, nhưng ít nhất là đã cảm thấy mình đang được ở nhà”, Dũng bộc bạch.

Khi đã chọn Sài Gòn - TPHCM để sống, để được sẻ chia, ai cũng sẽ dần thấm sâu cảm giác về một miền đất ấm áp, thân thương

Tin cùng chuyên mục