1. Với mong muốn hỗ trợ trẻ em Việt Nam đang sinh sống tại Mỹ tìm hiểu về ngôn ngữ và văn hóa Việt, tháng 5-2021, anh Nguyễn Nghĩa Tài (quê Nghệ An, hiện sống và làm việc tại Mỹ) đã thành lập dự án Stories of Vietnam. Dự án đã in được 4 đầu sách: Rùa con đi chợ, Giấc mơ biển xanh, Chiếc vòi của Tiwi, Lại may hỏng rồi. Tất cả đều là truyện thiếu nhi, có minh họa sinh động và thông điệp hướng tới những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Sách được xuất bản dưới dạng song ngữ Anh - Việt. Phần sau mỗi cuốn sách đều giới thiệu thêm về văn hóa Việt Nam. Như cuốn Rùa con đi chợ, giới thiệu về rùa Hồ Gươm và Tháp Rùa; hay cuốn Lại may hỏng rồi là một chút thông tin về lịch sử áo dài và 12 con giáp.
Giao diện webiste dự án Stories of Vietnam |
Sau gần 2 năm, hơn 4.300 bản sách đã được gửi đến hơn 1.300 gia đình ở Mỹ hoàn toàn miễn phí, kể cả phí vận chuyển. Anh Tài cùng cộng sự đang tích cực liên hệ với các thư viện để có thể mang sách của dự án đến với thư viện cộng đồng ở khu vực có nhiều người Việt sinh sống. Hiện tại, sách của dự án đã có mặt tại 24 chi nhánh thư viện ở California. Ngoài lứa tuổi thiếu nhi, dự án còn hướng đến lứa tuổi lớn hơn thông qua việc thu thập và tạo ra nhiều nội dung song ngữ hay, bổ ích trên website storiesofvietnam.org.
Anh Nghĩa Tài chia sẻ: “Chúng tôi muốn giúp các gia đình giới thiệu văn hóa và tiếng Việt cho các con từ nhỏ nên sách vẫn là hình thức phù hợp nhất. Dự án là món quà từ cộng đồng đến thiếu nhi, nên một món quà cầm và chơi được trên tay có lẽ sẽ gần gũi, ấm áp với các cháu nhỏ hơn là một video hay một ebook. Có phụ huynh nhắn bày tỏ sự xúc động vì con họ được cộng đồng quan tâm, tặng sách. Có gia đình, cha là người Mỹ đọc sách cho con tiếng Anh, mẹ đọc cho con tiếng Việt. Vui nhất là có những cháu nhỏ, sau khi đọc sách thì hỏi cha mẹ thêm rất nhiều về Việt Nam, có cháu còn bảo con muốn học tiếng Việt”.
"Ngôn ngữ di sản và văn hóa truyền thống chính là sợi dây gắn kết các cháu nhỏ với gia đình và cội nguồn. Không giao tiếp kết nối được với ông bà là một sự mất mát tình cảm cho các cháu nhỏ. Lớn hơn một chút, mất kết nối với cội nguồn càng khiến các cháu gặp khó khăn hơn khi đi tìm bản sắc cá nhân (identity), trong khi đây là yếu tố quan trọng để hình thành sự tự tin"
Anh NGUYỄN NGHĨA TÀI
Những phản hồi tích cực dành cho ấn phẩm Chiếc vòi của Tiwi do dự án Stories of Vietnam thực hiện |
2. Hiện tại, Nguyễn Thùy Phương Linh (thuộc thế hệ 9X, từng là vận động viên wushu suốt 15 năm trong đội tuyển wushu TPHCM) đã chuyển về TPHCM sinh sống và làm việc, nhưng có lẽ, thời gian ở Đức cùng với sự ra đời của Tiệm sách Vui Vẻ là một dấu ấn khó lòng quên được. Cuối năm 2019, cô theo gia đình sang Đức, chưa kịp làm quen với xứ người thì đại dịch Covid-19 bùng phát. Thời gian đó, cô không đi làm mà ở nhà trông con. Sống tại một ngôi làng ở Grosshabersdorf (TP Fürth, Đức), không có nhiều người Việt sinh sống, lại mới qua nên Linh hầu như không quen ai.
Linh kể, lúc đó, cô muốn đọc sách cho khuây khỏa nhưng ở Đức lại không có cửa hàng sách online nào còn mở cửa. Qua tìm hiểu trên các hội nhóm, cô biết có nhiều người mẹ giống như mình, cũng mong muốn có sách, nhất là sách tiếng Việt cho con đọc. Linh quyết định đặt sách qua các kênh online ở Việt Nam rồi nhờ người thân chuyển qua Đức, vừa có sách đọc trong nhà, cũng là một cách để kiếm thêm thu nhập trong thời gian không có việc làm.
“Một trong những lý do để tôi lựa chọn khởi nghiệp với sách tiếng Việt chính là nhu cầu duy trì ngôn ngữ mẹ đẻ cho con của những người xa quê. Bên cạnh đó là tìm kiếm thông tin, kiến thức bằng tiếng Việt, bởi tiếng Đức không dễ, có nhiều người mới qua vẫn chưa rành nên họ không thể đọc sách bằng tiếng Đức”, Linh chia sẻ.
Sau gần 3 năm, Tiệm sách Vui Vẻ đã phát triển các chi nhánh ở Mỹ, Canada, Việt Nam và Nhật, trở thành đối tác của các đơn vị xuất bản uy tín trong nước như: Lionbooks, NXB Trẻ, Thái Hà Books, Nhã Nam, NXB Kim Đồng, NXB Tổng hợp TPHCM… Hàng tháng, Linh nhập 200-300kg sách từ trong nước, trong đó, một nửa là sách đặt trước với gần 100 đơn, nửa còn lại để bán dần.
Nguyễn Thùy Phương Linh (trái) bên Tiệm sách Vui Vẻ lúc còn ở Đức |
3. Giống như Nguyễn Thùy Phương Linh, Nguyễn Quý Quỳnh Hạnh cũng là một bà mẹ trẻ thuộc thế hệ 9X, đang sinh sống ở Phần Lan. Cùng chung mong muốn đưa sách tiếng Việt đến với cộng đồng người Việt xa quê, cô đã thành lập Tiệm Mọt vào tháng 3-2021. Sau nửa năm hoạt động, Tiệm Mọt đã kết nối với nhiều đơn vị xuất bản cũng như tác giả trong nước, hiện đã có chi nhánh tại 12 nước của 3 châu lục.
Việc mở Tiệm Mọt xuất phát từ sở thích và nhu cầu của bản thân Quỳnh Hạnh khi sinh sống tại nước ngoài. Cô bảo: “Việc sinh con và nuôi con ở nước ngoài khiến tôi cảm thấy việc giữ gìn ngôn ngữ mẹ đẻ cho con là rất quan trọng. Nó như sợi dây kết nối giữa các thành viên trong gia đình. Tôi quyết định khởi nghiệp với Tiệm Mọt để có thể mang sách Việt đến với chính gia đình mình và các bạn nhỏ gốc Việt”.
Không quá lời khi gọi Nguyễn Nghĩa Tài, Nguyễn Thùy Phương Linh và Nguyễn Quý Quỳnh Hạnh là những sứ giả của tiếng Việt. Bởi nhờ họ mà những trang sách nhỏ đã băng qua bao vùng đất, qua bao đại dương, mang tiếng Việt đến với những người con đất Việt. Không đơn thuần là những trang sách, đằng sau đó là tâm huyết giữ gìn văn hóa, cội nguồn, giữ cả tiếng mẹ ru bên nôi.