Nhiều ấn phẩm mới
Mới đây, Công ty sách Tao Đàn liên kết với NXB Hội Nhà văn ấn hành ấn phẩm Mỹ học phim của 4 giáo sư, nhà nghiên cứu điện ảnh nổi tiếng người Pháp: Jacques Aumont, Alain Bergala, Michel Marie và Marc Vernet. Đây là các tác giả có đóng góp lớn trong lĩnh vực nghiên cứu và giảng dạy về điện ảnh, đặc biệt là điện ảnh Pháp. Thông qua 5 chương, Mỹ học phim mang đến cho bạn đọc những nghiên cứu về điện ảnh với góc nhìn của người yêu thích nghệ thuật, nghiên cứu các bộ phim với tư cách các thông điệp nghệ thuật.
Cùng thời điểm, Công ty sách Nhã Nam liên kết với NXB Thanh Niên giới thiệu ấn phẩm Hướng dẫn viết về phim của tác giả Timothy Corrigan, giáo sư danh dự ngành Ngôn ngữ Anh và Nghiên cứu Điện ảnh tại Đại học Pennsylvania (Mỹ). Cuốn sách như một hướng dẫn cụ thể cách viết về phim, từ việc ghi chép khi xem phim đến phong cách và cấu trúc bài điểm phim. Cuốn sách này từng được ra mắt vào năm 2011 từ dự án Điện ảnh quỹ FORD (Trường Đại học KHXH-NV Hà Nội) nhưng chủ yếu phục vụ cho hoạt động đào tạo của dự án.
Chia sẻ về lý do tái bản Hướng dẫn viết về phim, đại diện Ban biên tập Nhã Nam cho biết: “Bản in năm 2024 được chúng tôi hiệu đính, đồng thời cập nhật một số nội dung mới mà GS Timothy Corrigan đã bổ sung thêm. Chúng tôi nghĩ rằng, cuốn sách là một cẩm nang cơ bản, đáng tin cậy trong việc hướng dẫn chúng ta cách thưởng thức, cảm nhận và viết phê bình phim. Việc viết đánh giá, phân tích phim, hay đơn giản là “chém gió” về phim, cũng cần và nên có những tri thức điện ảnh nền tảng, để tránh phần nào sự chủ quan, cảm tính quá đà”.
Với các tác giả trong nước, thời gian qua cũng có một số ấn phẩm đáng chú ý như Phác thảo điện ảnh Việt Nam thời đổi mới và hội nhập (Liên Việt và NXB Hội Nhà văn) của Ngô Phương Lan, Lịch sử sân khấu kịch và điện ảnh Việt Nam (NXB Tổng hợp TPHCM) của Nguyễn Đức Hiệp, Điện ảnh như là thủ pháp (NXB Đại học Quốc gia Hà Nội) của Vũ Ngọc Thanh, Chân trời của hình ảnh (NXB Đại học Quốc gia TPHCM) của TS Đào Lê Na… Đặc biệt là nhà báo Lê Hồng Lâm với loạt ấn phẩm: 101 bộ phim Việt Nam hay nhất, Cánh chim trong gió, Sự lưỡng nan của tình thế làm người, Người tình không chân dung…
Tuy vậy, theo như TS - nhà phê bình Mai Anh Tuấn chia sẻ trong chương trình ra mắt ấn phẩm Hướng dẫn viết về phim tại Hà Nội, hiện đang tồn tại khoảng trống trong việc cung cấp kiến thức cho những người yêu thích điện ảnh, nhất là những công cụ được cập nhật mới nhất. Chính vì lẽ đó, sự xuất hiện của những ấn phẩm lý luận phê bình điện ảnh được xem như là nỗ lực để lấp đầy khoảng trống đó.
Nâng cao kỹ năng của công chúng
Theo NSND Phạm Nhuệ Giang, những cuốn sách lý luận phê bình điện ảnh có vai trò quan trọng trong việc gợi mở những cách tư duy và tiếp cận mới, có hệ thống về phim. Những ấn phẩm như vậy được ra đời, chính là tham gia vào việc giáo dục, cung cấp và trang bị về hiểu biết phim cũng như kỹ năng xem phim cho sinh viên cũng như công chúng quan tâm.
Còn theo đại diện của Ban biên tập Nhã Nam, đời sống điện ảnh Việt Nam càng sôi động càng cần nhiều cuốn sách về điện ảnh, nhất là những cuốn sách có tính chuyên môn sâu, có khả năng khơi gợi và bổ túc hiểu biết điện ảnh cho công chúng khán giả lẫn nhà làm phim, nhà báo, nhà phê bình phim.
Đồng quan điểm, PGS-TS Phan Thị Bích Hà, Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh TPHCM, bày tỏ: “Công chúng phổ thông không bắt buộc phải nắm chuyên sâu như người làm nghề, nhưng khi nắm được thì sự cảm thụ sẽ tốt hơn. Khi người xem có một trình độ nhất định thì khi thưởng thức các bộ phim điện ảnh hay những loại hình khác, sẽ cảm thấy thú vị hơn rất nhiều”.
Hiện nay, sự quan tâm đến điện ảnh của nhiều bạn trẻ ngày càng tăng. Đặc biệt, khi mạng xã hội nở rộ, đã và đang xuất hiện vấn nạn “truyền thông bẩn”, gây ra sự cạnh tranh thiếu lành mạnh giữa các đoàn phim với nhau, cũng như dẫn đến sự hoang mang, bối rối đối với công chúng trong việc xem phim. Chính vì vậy, sự ra đời của những ấn phẩm lý luận phê bình điện ảnh có vai trò quan trọng trong việc nâng cao kiến thức và kỹ năng phê bình điện ảnh của công chúng, đồng thời, góp phần vào sự phát triển của nền điện ảnh Việt Nam trong tương lai.