Vào cuộc mạnh mẽ
Chỉ sau một tháng ra mắt, bộ sách tranh Chuyện ở rừng Vi vu (NXB Kim Đồng) của nhà văn Trương Huỳnh Như Trân đã được tái bản. Vốn là tác giả quen thuộc của văn học thiếu nhi, đây là một niềm vui lớn với chị khi chuyển sang thử sức với sách tranh không lâu. “Điều này cho thấy bộ sách đã được đón nhận nồng nhiệt, phụ huynh và độc giả nhí đã đồng cảm với tác giả về các nhân vật cũng như những giá trị trong bộ sách”, nhà văn Trương Huỳnh Như Trân chia sẻ.
Từ quan sát trong quá trình làm nghề, anh Phan Cao Hoài Nam, biên tập viên NXB Kim Đồng, cho rằng: “Do thời đại bây giờ đã thay đổi, trẻ em ngại đọc sách nhiều chữ nên sách tranh được ưu tiên hơn. Ngoài ra, với cuộc sống bận rộn, phụ huynh không có nhiều thời gian để đọc sách cùng con, họ tìm đến những cuốn sách ngắn gọn, trực quan và có thể chia sẻ, tương tác với con. Đó là lợi thế của sách tranh bây giờ”, anh Phan Cao Hoài Nam lý giải.
Ngoài nhà văn Trương Huỳnh Như Trân, nhiều tác giả trong nước cũng bắt đầu nhập cuộc với sách tranh như: Đào Trung Uyên, Phương Huyên, Trịnh Hà Giang, Nguyễn Trần Thiên Lộc, Nguyễn Tấn Thanh Trúc, Nguyễn Hoàng Vũ… Cùng với đó là một thế hệ họa sĩ trẻ năng động và tài năng như: Thông Nguyễn, Trần Quốc Anh, Phạm Quang Phúc, Phùng Nguyên Quang… Có những người vừa viết lời vừa vẽ như Huỳnh Kim Liên, Vũ Thị Thùy Dung, Dương Ngọc Tú Quỳnh, Phạm Thu Thủy…
Sự vào cuộc mạnh mẽ của tác giả và họa sĩ khiến thị trường sách tranh nội càng ngày càng trở nên sôi động và phong phú. Nhiều cuốn sách/bộ sách được ra mắt, nhận được sự đón nhận nồng nhiệt của phụ huynh lẫn các em. NXB Kim Đồng có nhiều bộ sách tranh được tái bản nhiều lần như: Từ những hạt mầm, Vòng quanh thế giới, Hành trình biến đổi, Tập tục quê em… Trong khi đó, NXB Trẻ có nhiều bộ sách được phụ huynh và các em nhỏ yêu thích như Bé học lễ giáo, có những cuốn đã được in tới 100.000 bản; bộ sách Bé tập kể chuyện - Mỗi tuần một câu chuyện đến nay đã in lần thứ 6…
Chị Mỹ Dung (ngụ phường 27, quận Bình Thạnh, TPHCM) cho rằng: “Gần đây, tôi đã tìm thấy một số bộ sách tranh do NXB Trẻ hay NXB Kim Đồng ấn hành có những điều mà sách nước ngoài đã làm. Nhiều bộ sách tranh hình ảnh sinh động, có nhân vật cốt lõi và xuyên suốt, lồng ghép được những kỹ năng cần thiết, phù hợp với văn hóa Việt Nam”.
Cơ hội cho sách Việt
Có mặt tại Việt Nam từ năm 2000, đến năm 2005 Room to Read (RtR) Việt Nam bắt đầu tập trung tổ chức và thực hiện sách tranh dành cho lứa tuổi mới biết đọc. Đến nay, RtR đã thực hiện hơn 200 tựa sách tranh với 180.000 cuốn gửi đến các trường học trong mạng lưới của dự án. Tất cả số sách này đều do các tác giả và họa sĩ trong nước thực hiện.
Mỗi năm, RtR sẽ tổ chức một chương trình workshop cho họa sĩ và một chương trình cho tác giả, nhằm thảo luận và trao đổi về công việc làm sách tranh với các chuyên gia lẫn tác giả và họa sĩ lành nghề. “Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ các bạn mới bắt đầu, còn nghiệp dư, chưa có môi trường để thực hành và phát triển, miễn là các bạn có đam mê và tâm huyết”, chị Đoàn Bảo Châu, đại diện RtR cho biết.
Đánh giá về năng lực của các họa sĩ trẻ người Việt, chị Đoàn Bảo Châu nói: “RtR thường có những hội thảo về sách tranh giữa các quốc gia khác nhau, qua những chương trình đó, chúng tôi nhận thấy họa sĩ trẻ Việt Nam không hề thua kém. Các bạn không chỉ giỏi tiếng Anh mà nắm bắt vấn đề rất nhanh, chuyển thể vào văn hóa Việt Nam rất tốt. Các bạn có độ nhạy về chuyên môn, một số vẽ đẹp hơn nhiều nước khác”. Tuy nhiên, ở khía cạnh nội dung, theo chị Đoàn Bảo Châu, các tác giả trong nước cần phải trau dồi nhiều hơn. Bởi có một thực tế là kịch bản của các tác giả Việt chưa có nhiều chiều sâu so với nội dung sách tranh tại các nước phát triển.
Theo anh Phan Cao Hoài Nam, về số lượng thì hiện sách tranh của nước ngoài vẫn trội hơn, bởi lý do cơ bản là làm sách tranh rất cực, có nhiều khâu và tốn rất nhiều thời gian. Để thực hiện một bộ sách tranh, ít nhất phải mất 6 tháng. “Các bậc phụ huynh thay vì thành kiến ‘sách nội thua sách ngoại’, hãy cho sách tranh Việt một cơ hội bằng cách ra nhà sách, cầm một cuốn sách tranh Việt lên xem, đánh giá một cách thực tâm nhất. Bởi với tâm lý ‘sách ngoại là nhất’ sẽ khiến các em nhỏ mất đi cơ hội tiếp cận kho ngôn ngữ, văn hóa của Việt Nam”, anh Phan Cao Hoài Nam nói.