Theo đó, 2 trong 4 NXB lớn nhất nước hiện nay là NXB Kim Đồng và NXB Trẻ chuyên làm sách cho thiếu nhi. Thế nhưng, bất chấp vai trò quan trọng như vậy, mảng sách thiếu nhi vẫn đang ở tình trạng “nặng ngoại, nhẹ nội”.
“Thượng vàng hạ cám”
Theo Cục Xuất bản, in và phát hành (gọi tắt là Cục Xuất bản), gần như tất cả đơn vị xuất bản trong nước, từ các NXB đến các đơn vị văn hóa tham gia liên kết xuất bản, đều có thực hiện sách cho thiếu nhi. Tuy nhiên, số lượng đơn vị tham gia lớn trong khi số bản thảo sách thiếu nhi của tác giả trong nước lại ít. Ước tính, từ 70%-80% sách thiếu nhi hiện nay là sách dịch.
Để đáp ứng nhu cầu lớn của thị trường, nhiều đơn vị làm sách đã bỏ qua các quy định về xuất bản, lơ là công tác biên tập, dẫn đến việc đưa ra thị trường nhiều ấn phẩm gây dư luận tiêu cực. Điển hình như loạt sách Hỏi đáp trí tuệ từng bị Cục Xuất bản phạt vì có nội dung không phù hợp với bạn đọc nhỏ tuổi. Trên thực tế, loạt sách hỏi đáp dạng này là sự ăn theo thành công về mặt doanh thu của một số bộ sách có nguồn gốc từ Trung Quốc và không phải là sách cho thiếu nhi. Yếu tố trẻ em trong sách chẳng qua là một cách để tạo tình huống hài hước. Thế nhưng, khi dịch ra tiếng Việt, những người làm sách đã đưa dạng sách này thành sách trẻ em. Loạt sách bán chạy nên được nhiều đơn vị khác biên soạn, chỉnh sửa thay nhau xuất bản, dẫn đến việc cục phải tiến hành xử phạt và yêu cầu chấn chỉnh lại việc xuất bản dòng sách này.
Bộ 3 tác phẩm về thiếu nhi của cây bút Dương Thụy
Sách thiếu nhi là một mảng sách có lợi nhuận cao nhưng không dễ để thực hiện. Đơn cử như trường hợp NXB Kim Đồng từng cho xuất bản một bộ sách thiếu nhi có nội dung truyền tải những vấn đề vốn dĩ khá phức tạp của cuộc sống như cái chết, bạo lực, lịch sử xã hội… Đây đều là những bộ sách nổi tiếng thế giới, được đánh giá cao khi xuất bản ở các quốc gia châu Âu. Khi xuất bản ở Việt Nam, tác phẩm bị các bậc phụ huynh phê phán mạnh mẽ bởi các hình ảnh, chi tiết là một phần đời sống văn hóa phương Tây lại vô cùng phản cảm, trái ngược với đời sống văn hóa Việt Nam. Những sự cố như vậy xuất hiện rất thường xuyên với dòng sách thiếu nhi dịch, nếu là một đơn vị xuất bản lớn, có uy tín sẽ cố gắng giảm thiểu các yếu tố không phù hợp thông qua khâu biên tập. Còn với các đơn vị xuất bản thiếu trách nhiệm, những yếu tố không phù hợp dễ bị bỏ qua...
Ưu ái cho sách thuần Việt
Hiện nay, trong lĩnh vực xuất bản sách thiếu nhi, các đơn vị xuất bản truyền thống đều ưu ái các bản thảo trong nước bởi với sự tương đồng, hiểu biết về văn hóa, ít nhất thì các bản thảo này sẽ không vấp phải những vấn đề như ở sách dịch.
Sách thiếu nhi trong nước dù có ưu điểm về tính văn hóa nhưng lại có một nhược điểm lớn mà hầu hết lãnh đạo các đơn vị xuất bản khi nhắc đến đều ngán ngẩm, đó là: “sách thiếu nhi không dành cho thiếu nhi”. Đại diện một NXB khi nhắc đến vấn đề này đã cho rằng, nhiều nhà văn viết cho thiếu nhi nhưng là thiếu nhi thời của tác giả chứ không phải thiếu nhi hiện nay. Như một tác phẩm truyện tranh được đầu tư công phu về nội dung, nét vẽ với bối cảnh Hà Nội khoảng năm 1980 với chi tiết rất cụ thể như việc trẻ bị nhốt trong phòng đợi ba mẹ đi làm, trẻ xếp hàng mua thực phẩm… những chi tiết lạ lẫm với thiếu nhi hôm nay. Kết quả, tác phẩm truyện tranh được xếp vào dạng dành cho bạn đọc đã ở tuổi trưởng thành muốn hoài niệm và không đạt thành công như mong muốn.
Trước sự thiếu thốn về bản thảo, nhiều đơn vị lựa chọn cách làm là tái bản những tác phẩm thiếu nhi từng thành công, đơn cử như bộ sách về thiên nhiên hoang dã của tác giả Vũ Hùng do NXB Kim Đồng thực hiện. Đây được xem là một trong các bộ sách thiếu nhi trong nước hiếm hoi đạt thành công thời gian qua.
Gần đây, nhận thấy nhu cầu của thị trường sách thiếu nhi khan hiếm các đầu sách trong nước, ngày càng có nhiều tác giả hướng đến bạn đọc nhỏ tuổi. Võ Diệu Thanh, một cây bút vốn chuyên về đề tài đồng quê Nam bộ, bất ngờ liên tục xuất bản 2 tác phẩm Siêu nhân cua và Chúng mình bay đầy trời. Hay nhà văn Mai Bửu Minh giới thiệu Chiến công siêu phàm với hình ảnh mới về thiếu nhi miền Tây Nam bộ đầy độc đáo.
Điều đáng chú ý là các tác phẩm thiếu nhi mới của các nhà văn trong nước đã nỗ lực thoát khỏi cái bóng “thời thiếu nhi của tác giả”. Để xây dựng nhân vật, mỗi tác giả đều nỗ lực gắn với những câu chuyện của thiếu nhi hôm nay. Điển hình nhất có lẽ là bộ 3 tác phẩm về thiếu nhi của cây bút Dương Thụy, người vốn nổi tiếng với dòng văn học lãng mạn, xung quanh các du học sinh Việt Nam ở nước ngoài. Những tác phẩm này là sự pha trộn những kiến thức từ các chuyến đi nước ngoài, kết hợp cùng hình ảnh hai đứa con của chính tác giả. Đó là, SuSu và GoGo đi Paris, SuSu và GoGo đi Nhật Bản, SuSu và GoGo đi Singapore. Thông qua hình ảnh 2 em bé, tác giả miêu tả những vấn đề văn hóa, xã hội của mỗi địa phương, cùng với những nét hồn nhiên, hiếu động của trẻ em hôm nay. Bộ sách được đánh giá gần gũi với bạn đọc nhỏ tuổi, thu hút các em cùng khám phá thế giới xung quanh.