Kiên trì chuyển hóa
Căn nhà khang trang của gia đình bà Huỳnh Thị Quỳnh Trân nằm sát kênh Cầu Mé (phường 3 quận 11) trước đây phải đóng cửa kín như bưng vì muỗi và mùi hôi bốc ra từ dòng kênh. Dòng kênh này nhiều năm qua là nơi hứng rác của người dân xung quanh, rác ken kín kênh khiến nước tù đọng không lưu thông được. Vài tháng nay, kênh được vớt rác, khơi thông dòng chảy, tình trạng ấy được cải thiện rất nhiều.
Cũng sinh sống ven dòng kênh này, ông Đặng Văn Tuấn cho biết: “Trước đây, mặt kênh không khác gì bãi rác cạn. Nay mọi người tự tay vớt rác dọn dẹp kênh, lại hàng ngày được nghe tuyên truyền về Chỉ thị 19 nên bảo nhau cùng giữ gìn dòng kênh cho sạch, cũng là để môi trường sống của gia đình mình sạch hơn, đẹp hơn”. Tuy vậy, theo ông Tuấn, để mọi người có thói quen không xả rác là cả một quá trình và cũng đủ chuyện va chạm, xích mích với xóm giềng. “Nhiều năm qua, mọi người quen tay dọn trong nhà xong thì hất luôn rác xuống kênh, thành thử lúc mới khơi thông kênh Cầu Mé, vài ngày sau đã xuất hiện rác. Nhắc nhở vài lần không được, tôi xót công sức của bà con, xót con kênh đã bớt bẩn nay lại đứng trước nguy cơ tái bẩn, đành báo lên phường nhờ can thiệp. Đợt đó, vài người bị phạt tiền vì xả rác và phải dọn lại kênh nên cũng oán tôi lắm, nhưng khi thấy kênh sạch, mùa mưa nước chảy ào ào, nước đen và rác không tràn vào cổng nhà như trước nên quay ra cảm ơn tôi, từ đó mọi người cùng trông chừng để không ai xả rác xuống kênh”, ông Tuấn kể.
Nói đến điểm xả rác khổng lồ, người dân ở khu phố 7, phường 11 quận Bình Thạnh vẫn nhớ đến bãi rác tại khu vực mương hở giáp đường sắt Bắc - Nam. Rác đổ đầy hai bên lối đi, lấn gần hết con đường người dân qua lại. Không chỉ vậy, rác còn tràn xuống con mương thoát nước khiến dòng chảy bị ùn ứ, bốc mùi hôi thối. Thế rồi từ khi thực hiện Chỉ thị 19, Đảng bộ, chính quyền và người dân quận Bình Thạnh đã làm sạch và xanh hóa nơi ô nhiễm này. Giờ bãi rác đã được dọn đi, con mương cũng được khơi thông. Đoàn thanh niên phường 11 đã xây bồn trồng hoa, treo khẩu hiệu tuyên truyền. Nhờ sự chung sức ấy đã giúp khu vực này có diện mạo mới.
Hay Công viên Hoa Hồng Ngọc (khu phố 4, phường Tăng Nhơn Phú A, quận 9) rộng 1.500m² được cải tạo từ bãi rác, suốt 1 năm qua là niềm tự hào của các ban ngành, đoàn thể và người dân khu phố 4. Trước đó, chỉ 2 tháng sau cuộc vận động thiết thực của Thành ủy TPHCM, người góp kinh phí, người góp sức, bãi rác khổng lồ bị “bứng” đi, thay vào đó là lối đi tráng bê tông quanh những khóm hoa, chậu cây cảnh và tiểu cảnh mô phỏng những nét văn hóa truyền thống của dân tộc.
Những năm qua, rác xuất hiện trên đường phố hay ken kín các kênh rạch do thói quen xả rác bừa bãi của người dân gây ra. Thói quen ấy không chỉ làm đường phố nhếch nhác mà còn khiến ô nhiễm môi trường gia tăng, ảnh hưởng lớn đến chính đời sống của người dân. Với cuộc vận động hướng đến toàn dân mà Thành ủy TPHCM phát động, các cấp ủy, chính quyền địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến mọi tầng lớp nhân dân, chức sắc, tôn giáo… Trong đó, một số địa phương đã có hoạt động tổng vệ sinh định kỳ ở các khu dân cư, từ đó tác động tích cực đến nhận thức của một bộ phận người dân trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường. Một số mô hình cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường đã được hình thành và từng bước phát huy hiệu quả.
Đánh giá tình hình vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố trong năm qua, đồng chí Võ Thị Dung, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM, cho rằng Chỉ thị 19 đã lan tỏa đến cộng đồng dân cư, các giới và đoàn thể. Nhiều điểm “đen” về rác thải, ao tù nước đọng gây ô nhiễm môi trường, gây bức xúc trong nhân dân đã được các địa phương tập trung xử lý dứt điểm.
Song, đồng chí cũng nhìn nhận việc vận động ý thức người dân không xả rác ra đường và kênh rạch là nội dung chính yếu vẫn chưa được như mong đợi, ở nhiều vị trí như gốc cây, cột điện, miệng hố ga, cống thoát nước còn rác thải… Nguyên nhân là do các địa phương chưa xử lý hiệu quả các hoạt động kinh doanh trên vỉa hè, mặt tiền đường nên việc buôn bán còn gây mất mỹ quan môi trường và vệ sinh nơi công cộng. Do đó, trong năm tiếp theo, TPHCM sẽ kiên quyết tiến hành nội dung này và xác định rõ trách nhiệm của các đơn vị liên quan, để thực hiện hiệu quả hơn nữa Chỉ thị 19.
“Phải làm sao để ý thức bỏ rác đúng nơi quy định trở thành sự tự giác của mỗi người thì cuộc vận động này mới thật sự đạt được hiệu quả và giúp thành phố sạch căn cơ. Các buổi đi quét rác, dọn vệ sinh tại khu dân cư như hiện nay chỉ đang là hoạt động gieo ý thức, quan trọng là ý thức người dân cần được nâng lên. Bên cạnh đó, tôi cho rằng cần thực hiện song song giữa nâng cao ý thức tự giác cho mọi người với biện pháp xử phạt hành chính, có như vậy mới đủ sức răn đe”, đồng chí Võ Thị Dung nhấn mạnh.