° PHÓNG VIÊN: Ông nói gì về thực trạng nhiều quyển sách vừa in xong lập tức phải nhận quyết định thu hồi?
° Ông LÊ HOÀNG: Tôi cho rằng, khi xem xét một quyển sách có vi phạm, nhất là phạm vào điều 10 của Luật Xuất bản, có một số nội dung được cho là sai phạm, có gây nên thiệt hại cho lợi ích quốc gia hay không để phải đến mức thu hồi xuất bản phẩm, còn có những ý kiến khác nhau. Do vậy, đối với việc xử lý các loại sai phạm này, theo tôi có những quyển phải lập hội đồng đọc thẩm định để có sự đồng thuận ở mức cao nhất khi đưa ra quyết định tạm dừng hay thu hồi.
° Phải chăng chúng ta cần có một hội đồng thẩm định đối với những quyển sách có vấn đề, trước khi Cục Xuất bản ra quyết định thu hồi?
° Thực tế trước đây đã từng có và bây giờ cũng vậy. Một số quyển sách có vấn đề về nội dung sẽ được đưa ra hội đồng thẩm định, hay mời các chuyên gia thuộc lĩnh vực nội dung đó thẩm định.
° Nhà xuất bản đăng ký kế hoạch xuất bản, Cục Xuất bản chỉ xác nhận đăng ký kế hoạch xuất bản, không phải là cấp phép xuất bản. Khi tác phẩm được in ra, nộp lưu chiểu thì nội dung của tác phẩm đó sẽ được Cục Xuất bản xem xét trong giai đoạn hậu kiểm. Trong quá trình đọc lưu chiểu lúc đó mới xác định nội dung quyển sách có bị sai phạm hay không. Chứ lúc đọc bảng đăng ký đề tài, bản tóm tắt nội dung tác phẩm có khoảng vài chục chữ, làm sao biết được nội dung cụ thể của cuốn sách sẽ in đó là gì.
° Nghĩa là, việc đăng ký đó chỉ là thủ tục, hoàn toàn chưa thể nói hết được về quyển sách?
° Có những bản tóm tắt nội dung quyển sách rất bình thường, đôi khi nó được viết lên đẹp lắm nhưng không phản ảnh được nội dung thực sự của tác giả và quyển sách. Vì người làm việc đó là cán bộ của nhà xuất bản, nên có trường hợp người ta muốn được duyệt tên, tựa và đề tài đó thì người ta sẽ viết theo chủ quan của họ. Người ta nghĩ rằng, viết như vậy cục mới dễ dàng thông qua cho mình.
° Như vậy, trách nhiệm của vấn đề này thuộc về các nhà xuất bản và đơn vị liên kết?
° Đúng. Luật đã giao nhiệm vụ đó cho nhà sản xuất, cụ thể hơn là biên tập viên, trưởng ban biên tập, tổng biên tập; thì những người này phải là người chịu trách nhiệm chính về biên tập và đọc duyệt nội dung để cho ra đời quyển sách. Nhà nước ta không có chủ trương kiểm duyệt sách, báo; mà chuyển nhiệm vụ đó cho đội ngũ này. Do vậy, đội ngũ này phải thực sự là những người bản lĩnh. Bản lĩnh ở đây là chính trị, là nghiệp vụ để đảm bảo một cuốn sách khi ra đời có thể được phát hành.
Tôi cho rằng, những cơ quản quản lý nhà nước, những đơn vị chức năng cho đến cơ quan chủ quản và ban lãnh đạo của các nhà xuất bản phải không ngừng giúp các biên tập viên nâng cao bản lĩnh, nghiệp vụ của mình lên.
Tôi đã đề xuất rất nhiều lần với các cơ quan chức năng là đội ngũ biên tập viên tập huấn 1 năm chỉ 1-2 lần, mà phải thường xuyên. Như trong mấy chục quyển sách sai phạm vừa rồi, có thể trong một phạm vi giới hạn, chí ít những người làm công việc biên tập, xét duyệt nội dung sẽ được chia sẻ, tại sao nó sai, muốn tránh cái sai này thì nên như thế nào... Đó là những bài học nghiệp vụ, cần thiết để kịp thời trang bị cho những người làm nghề, người làm nội dung nâng cao bản lĩnh của mình.
Trong nội dung hoạt động của Hội Xuất bản Việt Nam, có 5 mục tiêu, trong đó có mục tiêu “Nâng cao chất lượng đội ngũ làm nghề”. Đó là nâng cao nhận thức chính trị, nâng cao bản lĩnh xử lý những vấn đề phức tạp nhạy cảm, nâng cao nghiệp vụ về ngôn ngữ… cho các biên tập viên. Đây là vấn đề mà ngành xuất bản thời gian vừa qua chưa làm tốt.
Thời gian qua, dù đã mở một số lớp bồi dưỡng, nhưng chưa thực sự là nơi để trao đổi thấu đáo về nghề, về nghiệp vụ. Tôi cho rằng, cần làm tốt hơn nữa công tác đào tạo nghề cho những người làm nội dung của ngành xuất bản. Điều đó thực sự là nhu cầu có thật của bản thân những người làm nghề cũng như các nhà xuất bản.
° Trên cương vị là Phó Chủ tịch Hội Xuất bản, ông có giải pháp gì nhằm giảm thiểu những thiệt hại cho các bên liên quan?
° Vấn đề này còn khó lắm. Là bởi chúng ta đang sống trong một hệ pháp luật, một hệ quy chiếu như vậy, chúng ta phải thích nghi. Thành ra, bản lĩnh của tổng biên tập, của biên tập viên hay của nhà xuất bản là phải biết vận dụng, xử lý những nội dung như thế nào để nói lên được điều mình muốn nói nhưng không phạm luật.
Và tôi rất mong, Hội đồng Lý luận văn học nghệ thuật Trung ương cùng các hội chuyên ngành hãy tổ chức các buổi hội thảo về các nội dung văn học nghệ thuật được gọi là có tính nhạy cảm để các nhà xuất bản được đăng đàn, trao đổi về các loại đề tài đó. Qua đó, có những trao đổi đến tận cùng những vấn đề dựa trên cái chung nhất, dựa trên lợi ích của quốc gia. Có như vậy chúng ta mới thống nhất được với nhau...
° Có một thực tế là những thiệt hại thường rơi vào các đơn vị liên kết mà ít có sự chia sẻ nào từ Cục Xuất bản hay các nhà xuất bản. Điều này có thỏa đáng không, thưa ông?
° Tôi nghĩ, không thể đổ hết trách nhiệm về cho một phía nào, ở đây nên có sự chia sẻ từ các bên liên quan. Bởi luật cho phép tư nhân được liên kết với các nhà xuất bản và luật cũng quy định rõ, anh đã tham gia vào quá trình tổ chức nội dung, biên tập sơ bộ rồi mới gửi cho nhà xuất bản.
Ngoài nhà xuất bản, tên của đơn vị liên kết cũng có trên bìa sách nên cũng phải chịu trách nhiệm. Thành ra, nếu nói đơn vị liên kết không chịu trách nhiệm gì hết vì đã giao cho nhà xuất bản biên tập, cũng không được.
Thực tế, các nhà xuất bản cũng phải gánh lấy hậu quả của sai phạm đó, nó không thể hiện bằng tiền, mà hậu quả còn nặng hơn nữa là thiệt hại về chính trị, về thương hiệu của nhà xuất bản.
Còn phía Cục Xuất bản, như đã nói, họ chỉ kiểm duyệt trong quá trình lưu chiểu. Không thể nói rằng cục cấp giấy chứng nhận đăng ký xuất bản thì phải có trách nhiệm đối với những cuốn sách có vấn đề sau lưu chiểu. Đây là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau.
Theo ông Lê Hoàng, tại Điều 10 của Luật Xuất bản 2012 chỉ ra những nội dung và hành vi bị cấm trong hoạt động xuất bản. Còn Điều 22: Đăng ký xuất bản và xác nhận đăng ký xuất bản, nghĩa là nhà xuất bản đăng ký đề tài với Bộ TT - TT và Cục Xuất bản xác nhận đăng ký đối với đề tài đó. Thủ tục đăng ký đề tài ở đây gồm: Tên cuốn sách, tóm tắt nội dung cuốn sách, tác giả, số lượng bản in…. Đăng ký xuất bản tức là đăng ký kế hoạch đề tài, sau đó Cục Xuất bản sẽ có xác nhận cho những đề tài được phép xuất bản. Hoàn toàn không có sự kiểm duyệt nào cả, vậy nên không thể dùng “tiền kiểm” trong trường hợp này. |