Đọc gần 300 trang sách với 8 chương như những trường đoạn khác nhau của một cuốn phim, người đọc cảm nhận được bức tranh sinh động về một thời kháng chiến hào hùng mà mỗi tên đất, tên người đã trở thành huyền thoại. Nhà cách mạng lão thành tiền bối Phan Kiệm (Đào Tấn Xuân, Năm Vân, Năm Thành) là một nhân vật như thế. Dưới ngòi bút của Phan Tùng Sơn, người chiến sĩ cách mạng ra đi từ làng Nhan Biều (xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) ấy, đã dấn thân vì sự nghiệp giải phóng dân tộc như một sứ mạng trái tim.
16 tuổi, Phan Kiệm được kết nạp vào Đảng, 4 năm sau, ông đã được giao làm Phó Bí thư Huyện ủy Triệu Phong. Và cứ thế, con đường hoạt động cách mạng của ông đầy thăng trầm, vào tù nhiều lần. Tên ông in dấu ở các nhà lao đế quốc thời bấy giờ như: Lao Bảo, Buôn Ma Thuột, Côn Đảo... Một chiến sĩ cách mạng mà kẻ thù gọi là “mật mã của cộng sản ở Sài Gòn - Chợ Lớn” quả thực chẳng ngoa, bởi qua các cương vị công tác: Bí thư Tỉnh ủy Đắc Lắc, Chính ủy Trường Lục quân Nam bộ, phó tư lệnh rồi quyền tư lệnh kiêm Chính ủy Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn..., Phan Kiệm gần như biết rõ ngọn nguồn của cách mạng.
Tù đày, gian khổ như vậy nhưng dưới ngòi bút của Phan Tùng Sơn, người chiến sĩ cách mạng Phan Kiệm luôn có cuộc sống nội tâm tràn đầy niềm lạc quan cách mạng. Ông hiểu được giá trị của sự cống hiến. Tác giả Phan Tùng Sơn đã dày công, lặn lội từ quê hương Triệu Phong đến các vùng đất, nhà tù đế quốc mà ông đã hoạt động như Đắc Lắc, Côn Đảo, Lao Bảo... để tìm hiểu về cuộc đời hoạt động cách mạng của nhân vật - nhân chứng lịch sử Phan Kiệm.
Không chỉ viết báo, Phan Tùng Sơn còn là người làm thơ, một cây bút viết tùy bút của Báo QĐND, nên các trang viết (truyện ký) của anh không khô khan mà thấm đậm tình người, tình đất. Phan Tùng Sơn đã bước đầu thành công khi tái hiện người thực, việc thực bằng bút pháp văn học. Cuộc sống đời thường được Phan Tùng Sơn miêu tả vừa có vẻ đẹp lung linh, huyền diệu vừa giữ được tính chân thật - điều cốt tử của thể loại truyện ký. Chị Phan Thu Nga, con gái của nhà cách mạng lão thành Phan Kiệm bày tỏ: “Mỗi lần đọc Mật mã đặc khu, chúng tôi như được gặp lại chính người cha thân yêu của mình. Tập sách như cuốn phim sống động và trung thực về cuộc đời của cha chúng tôi với quê hương, đồng đội, gia đình và cả chí khí của ông trước kẻ thù”.
Thực tế, không phải ai viết truyện ký cũng được những người trong cuộc nhận xét như vậy. Mật mã đặc khu đã góp phần tái hiện một thời hào hùng của dân tộc vừa sống động, thực tế, vừa huyền thoại, lung linh. Cái nôi quê hương cách mạng Hà Tĩnh và sự thực tâm dấn thân, rèn luyện đã mang lại cho Phan Tùng Sơn sự thành công, dù chỉ là bước đầu.
Tập truyện ký Mật mã đặc khu của Thượng tá, nhà báo Phan Tùng Sơn, gửi đến chúng ta những thông điệp không bao giờ cũ, rằng mảng đề tài chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang còn là món nợ trầm kha của người cầm viết; đó là vùng đất tiềm tàng, màu mỡ cho những cây viết thực sự quan tâm đến đề tài truyền thống...