Những “người thầy” thầm lặng
Dù chỉ mới xuất hiện nhưng Saigon Books lại là đơn vị tỏ ra nhanh nhạy đón đầu xu hướng của thị trường. Kể từ khi ra mắt, đơn vị này đã xem dòng sách khởi nghiệp là mũi nhọn của mình. Đặc biệt, Saigon Books còn kết hợp với CLB Quản trị và Khởi nghiệp, Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp và Công ty Đầu tư tài chính TPHCM giới thiệu nhiều đầu sách hữu ích như: Quản trị và khởi nghiệp, Huy động vốn: khó mà dễ, Marketing sáng tạo cho doanh nghiệp nhỏ, Làm chủ cửa hàng bán lẻ, Tuyệt chiêu tuyển dụng, Cẩm nang CEO khởi nghiệp…
Trong khuôn khổ Hội sách TPHCM tháng 3-2018, đơn vị này tổ chức buổi tọa đàm “Khởi nghiệp: Bài học từ những trang sách”, thu hút đông đảo cộng đồng khởi nghiệp. Bà Nguyễn Thị Diệu Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, cho rằng, đây là thời khắc thuận lợi nhất dành cho những ai đã và đang có ý tưởng khởi nghiệp.
Ngoài Saigon Books, Alpha Books cũng là một trong những đơn vị xuất bản quan tâm đến mảng sách khởi nghiệp. Riêng dòng sách này, đơn vị đã xuất bản được hơn 30 đầu sách. Cùng với đó là hơn 500 cuốn sách về quản trị, marketing, nhân sự cung cấp nhiều kiến thức giá trị cũng như truyền cảm hứng cho người khởi nghiệp. Không chỉ xuất bản sách, đơn vị này còn quan tâm đến việc kết nối các diễn giả, dịch giả đến cộng đồng khởi nghiệp thông qua các sự kiện, như chương trình giới thiệu các giá trị từ các cuốn sách: Cuộc cách mạng nền tảng, 15 nguyên tắc vàng phát triển bản thân, Chiến lược đại dương xanh…
Với bất cứ người khởi nghiệp nào, những vấn đề cơ bản như: Huy động vốn, quản lý, người hướng dẫn, truyền thông… đều quan trọng trong những ngày đầu khởi nghiệp.
Theo ông Nguyễn Tuấn Quỳnh, Giám đốc Saigon Books, việc đọc sách sẽ bổ sung kiến thức và đó là những giá trị mà bạn học hỏi được từ người đi trước. Quan trọng nhất vẫn là cách ứng dụng điều đã học từ sách vào việc điều hành doanh nghiệp khởi nghiệp, vào cuộc sống.
Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh chia sẻ: “Những điều bạn đọc và thấy hay ho, nhưng nếu không hành động thì mãi mãi kiến thức đó chỉ nằm trong đầu bạn mà thôi và nó không tạo ra được giá trị và sự thay đổi”.
Ông Võ Ca Dao, Giám đốc dòng sách Alpha Biz, nhìn nhận: Nhu cầu đào tạo, rèn luyện của các cá nhân, doanh nghiệp luôn là nhu cầu mang tính sống còn nếu muốn phát triển. Với người khởi nghiệp, một trong những cái thiếu là thiếu kiến thức. Các cuốn sách về bán hàng, tiếp thị, văn hóa doanh nghiệp… sẽ là những “người thầy” có mặt bất cứ lúc nào để giúp người khởi nghiệp học hỏi, tích lũy kinh nghiệm.
“Không phải quyển sách nào cũng đưa ra được giải pháp cho doanh nghiệp, nhưng có thể là một gợi mở, một phương pháp để tìm ra giải pháp”, ông Võ Ca Dao nói.
Anh Nguyễn Xuân Huy đang khởi nghiệp với dự án “Gốm Bàu Trúc Ninh Thuận - gốm Chăm handmade” tại TPHCM, đồng tình: “Khi khởi nghiệp, nhờ sách mình định hình được những giá trị của một dự án khởi nghiệp phải tạo ra, các giai đoạn triển khai dự án, cách tiếp cận thị trường, tận dụng mọi nguồn lực vì đa phần các dự án khởi nghiệp thường hạn chế về vốn, nhất là khi khởi nghiệp thường bị những người xung quanh nhìn với ánh mắt đầy nghi ngờ”.
Thay đổi để thích ứng
Không thể phủ nhận những lợi ích thiết thực mà dòng sách khởi nghiệp mang lại cho cộng đồng khởi nghiệp, tuy nhiên, giống như rất nhiều dòng sách khác, dù thịnh hành đến cỡ nào thì cũng đến lúc bạn đọc rơi vào tình cảnh “no xôi chán chè”, cung vượt quá cầu. Riêng dòng sách khởi nghiệp, rất khó để tạo ra đột phá khi môi trường kinh doanh thay đổi liên tục như hiện nay. Mặt khác, đa số sách khởi nghiệp được giới thiệu đều là sách dịch. Với lượng kiến thức và kinh nghiệm đồ sộ, dựa trên tình hình thực tế của nước ngoài, dĩ nhiên không dễ dàng để có thể áp dụng cho các bạn trẻ Việt Nam.
Có thời điểm, “người người khởi nghiệp, nhà nhà khởi nghiệp”, nhưng gần đây, “cơn sốt” khởi nghiệp đã hạ nhiệt, kéo theo đó là dòng sách khởi nghiệp cũng đang chững lại. Ông Võ Ca Dao thừa nhận, đời sống sách mỗi lúc đa dạng và phong phú hơn; các đơn vị làm sách đưa ra nhiều đề tài hơn, nên tạo cảm giác dòng sách khởi nghiệp đang chững lại. Tuy vậy, theo ông Võ Ca Dao, đây vẫn là mảng sách đang phát triển tốt và nhu cầu của người đọc vẫn còn rất nhiều. Nhiều vườn ươm khởi nghiệp cũng ý thức tầm quan trọng và tính tiện lợi của sách khởi nghiệp nên đã đầu tư tủ sách, thư viện sách trong không gian của mình.
Vậy phải làm gì để dòng sách khởi nghiệp tồn tại? Ông Võ Ca Dao cho rằng: “Sự thay đổi chóng mặt của công nghệ càng khiến cho người đọc ý thức phải cập nhật nhiều hơn nữa kiến thức. Taxi truyền thống nếu không thay đổi sẽ rất khó khăn trước mô hình Grab; các nhà sách truyền thống nếu cách làm cũ sẽ phải đối mặt với “ông lớn” sách mạng Amazon. Sách về quản trị, về khởi nghiệp vì thế càng đòi hỏi phải tốc độ hơn, đa dạng hơn. Thời gian tới, chúng ta sẽ chứng kiến sự ra đời nhiều hơn của các dòng sách bàn về trí tuệ nhân tạo, về nền kinh tế thành viên… là để đáp ứng nhu cầu này của các doanh nghiệp”.
Là một người đang khởi nghiệp, Nguyễn Xuân Huy bày tỏ: “Tôi đang trong giai đoạn 2-3 năm đầu gầy dựng cộng đồng, chào hàng sản phẩm riêng của dự án và có vẻ sắp vượt qua giai đoạn này. Đến giai đoạn đào sâu, thu lại thành quả từ một số thử nghiệm thành công để tiến hành các bước tiếp theo như tạo dựng thương hiệu, hoàn thiện đội ngũ, giao việc… Chính vì vậy, tôi quan tâm đến cách tạo dựng thương hiệu và sẽ tìm đọc những cuốn sách khởi nghiệp gắn với vấn đề mình quan tâm trong từng giai đoạn”.