Đa dạng về thể loại
Sau một số giải thưởng và tác phẩm dành cho thiếu nhi đã được xuất bản trước đó như Cánh thư bay, Thì thầm cùng giọt sương, Mật thư trên ngọn da, năm nay, nhà văn - cô giáo Nguyễn Thu Hằng mang tới cho các em tập truyện ngắn Mùa hoa lưng chừng gió (NXB Kim Đồng). Tác phẩm tái hiện vùng nông thôn Bắc bộ bình yên và tươi đẹp với đầy ắp những niềm vui trong trẻo.
Nhà văn Nguyễn Thị Thanh Bình cũng từng gặt hái nhiều giải thưởng và là tác giả của hàng chục đầu sách dành cho thiếu nhi. Hè năm nay, chị mang tới tập truyện dài Đã có Mắm còn thêm Xì Dầu (NXB Tổng hợp). Nhà văn - cô giáo Hồ Xuân Đà lần đầu thử sức với thơ qua tập Chim sơn ca đến trường (TYM Books và NXB Phụ nữ).
Bên cạnh những tác giả đã thành danh, hè năm nay chào đón thêm những tác giả lần đầu thử sức với văn học thiếu nhi. Có thể kể đến nhà thơ Phạm Thị Ngọc Liên với tập truyện Chiếc gối biết nói. Nhà văn - nhà báo Tiểu Quyên quyết định “trẻ hóa” ngòi bút của mình bằng truyện dài Cà Nóng chu du Trường Sa. Đặc biệt là sự xuất hiện đầy hứa hẹn từ tác giả trẻ Tùng Lê với truyện dài đầu tay Xứ thần tiên và những đứa trẻ được chọn.
Ngoài mảng sách văn học, thể loại sách tranh, sách khoa học cũng được các tác giả và đơn vị xuất bản trong nước chú trọng. Có thể kể đến bộ sách Giải đố giải ngố cùng truyện ngụ ngôn toán học của nhóm tác giả đến từ các lĩnh vực: toán học, nghệ thuật học, viết và vẽ cho thiếu nhi như TS Lê Anh Vinh, nhà văn Lê Thắm, họa sĩ Mai Anh… Bộ sách tranh 4 cuốn Khác biệt mới tuyệt làm sao do tác giả 9X Nguyễn Hoàng Vũ viết lời, cùng 4 họa sĩ là Gà’s little world (tên thật Minh Trang), Hoàng Trung, Ru-oi (Thanh Xuân), Linh Vương thực hiện. Bộ sách này cũng vừa được vinh danh giải Khát vọng Dế Mèn tại giải thưởng Dế Mèn lần thứ 2. Cũng không thể không nhắc tới bộ sách Gieo mầm (Zenbooks và NXB Đà Nẵng) của nhóm tác giả Nguyên Trang và Nguyễn Trần Thiên Lộc, với sự hợp tác từ các họa sĩ trẻ: Đặng Hồng Quân, Mai Thanh Phúc Niên, Nhân Tài Trương, Phạm Huy Hạnh…
Cần xác định vị trí xứng đáng
Năm nay, dù không có giải Hiệp sĩ Dế Mèn nhưng giải thưởng Dế Mèn đã chọn và vinh danh nhiều tác giả, tác phẩm ở hạng mục Khát vọng Dế Mèn như tiểu thuyết Đi trốn (Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn) của nhà văn Bình Ca, truyện tranh Ly & Chũn - Tết là nhất, nhất là Tết! (Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn) của Mèo Mốc (Đặng Quang Dũng), bộ truyện Khác biệt mới tuyệt làm sao (NXB Kim Đồng). Đặc biệt, giải thưởng cũng nhận được sự quan tâm từ các cây bút nhỏ tuổi với 6 tác phẩm dự thi vượt qua vòng sơ loại.
Chỉ giới hạn trong phạm vi một giải thưởng, nhưng nhìn vào số lượng tác phẩm gửi về tham dự giải thưởng Dế Mèn, hoàn toàn có thể khẳng định: tác giả viết cho thiếu nhi trong nước không thiếu. Có lẽ, sự thiếu ở đây chính là chất xúc tác nhằm kích thích, tạo ra những sân chơi dành cho người viết.
Theo nhà văn Trần Đức Tiến (Chủ tịch Hội đồng Văn học thiếu nhi, Hội Nhà văn Việt Nam), hội vừa quyết định đổi tên Ban Văn học thiếu nhi thành Hội đồng Văn học thiếu nhi, nhằm trao thêm nhiệm vụ và tạo điều kiện làm việc thuận lợi cho hội đồng, là một dấu hiệu nhỏ nhưng chứng tỏ quyết tâm đổi mới của hội. Đây là lần đầu tiên hội thành lập giải thưởng văn học thiếu nhi hàng năm, bắt đầu từ năm 2021. Giải thưởng này tiến hành song song và độc lập với Giải thưởng Văn học hàng năm của hội.
Hội Nhà văn Việt Nam cũng đang có kế hoạch mở cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi, chuẩn bị hội thảo về văn học thiếu nhi, tìm nguồn vốn tài trợ cho việc sáng tác và công bố tác phẩm của các nhà văn viết cho thiếu nhi…
Nhà văn Trần Đức Tiến chia sẻ: “Có lẽ chúng ta nên nghĩ đến những tác động sâu xa, căn cốt hơn: xác định vai trò, vị trí xứng đáng của văn học thiếu nhi trong nền văn học nói chung; sự quan tâm, ưu ái của cả xã hội đối với văn học thiếu nhi và những nhà văn viết cho thiếu nhi - thể hiện bằng những việc làm cụ thể, nói đi đôi với làm”.
Theo nhà văn Trần Đức Tiến, lực lượng sáng tác cho thiếu nhi hiện nay tương đối đông, nhiều lứa tuổi. Bên cạnh cây bút thành danh là những người mới vào nghề, nhưng “sáng tác đầu tay không hề tầm thường, non nớt”. |