Ngày 16-5, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo quốc gia “Hệ thống giáo dục mở trong bối cảnh tự chủ giáo dục và hội nhập quốc tế” do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Bộ GD-ĐT, Hiêp hội các trường ĐH-CĐ Việt Nam, trường Đại học Bách khoa Hà Nội phối hợp tổ chức.
Tại hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, đây là hội thảo quốc gia đầu tiên về giáo dục mở, nhưng không phải là hoạt động đầu tiên để xây dựng hệ thống giáo dục mở, vì thực tế chúng ta đã triển khai nhiều hoạt động, đề án để phát triển giáo dục mở.
Phó Thủ tướng cho rằng, bình dân học vụ cũng chính là hình thức giáo dục mở. 2 đại học mở cũng đã được xây dựng từ sớm. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc năm 2006 ghi rõ phải chuyển dần hệ thống giáo dục hiện tại sang hệ thống giáo dục mở.
Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT tiếp tục khẳng định điều này.
Sau khi có Nghị quyết, chúng ta đã ban hành một khung hệ thống giáo dục quốc gia mới, rồi khung trình độ giáo dục quốc gia, trong đó hoàn toàn thể hiện tính mở, theo đúng xu thế thế giới. Chương trình, sách giáo khoa phổ thông mới cũng xây dựng theo hướng mở. Các trung tâm học liệu mở cũng bắt đầu được các trường đại học quan tâm…
Gần đây nhất là Đề án xây dựng hệ tri thức Việt số hóa, xây dựng một kho dữ liệu khổng lồ, một hệ thống để kết nối các học liệu mở để mọi người đều có thể học. Một số trường tiên phong tham gia vào việc này như Đại học Thái Nguyên, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Chính phủ cũng đã phê duyệt hàng loạt đề án liên quan đến nội dung này đã được phê duyệt, như Đề án xây dựng xã hội học tập; Đề án phát triển đào tạo từ xa; Đề án tăng cường ứng dụng CNTT trong giảng dạy ở các cấp; Đề án tăng cường giảng dạy ngoại ngữ…
“Chính phủ đã triển khai nhiều đề án hướng đến nền giáo dục mở, trong đó có “xóa mù công nghệ số”. Cần tiếp tục đẩy mạnh, thực hiện tốt các đề án này”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng cho rằng, thời đại 4.0, giáo dục phải đổi mới và đi trước 1 bước. Giáo dục phổ thông Việt Nam tương đối tốt nhưng giáo dục đại học phải đặc biệt lưu ý, phải đổi mới nhiều vì chất lượng còn yếu, do đó bắt buộc các trường đại học phải tự chủ, trong đó có việc phát triển các học liệu mở.
“Những rào cản đối với giáo dục mở phải được dỡ bỏ, trong đó có những rào cản về mặt quản lý hành chính. Cùng với đó phải tập trung kêu gọi để xây dựng được hệ thống học liệu mở, trước hết cho các trường đại học. Chúng ta cùng xây dựng hệ thống học liệu này, ví dụ sách giáo khoa do ngân sách chi trả cũng phải là tài liệu mở, đưa lên mạng, để người học sử dụng miễn phí”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Song song đó, phải đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong mọi lĩnh vực, kể cả trong giáo dục, để làm sao người học có thể học ở bất cứ đâu, học trên máy tính, điện thoại, học không phải để lấy bằng mà để nâng cao kiến thức, để trở thành người giỏi.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, tới đây chúng ta hoàn thiện hệ thống pháp luật về giáo dục, trong đó có sửa 2 luật về giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về học tập. Học không phải vì bằng cấp, mà để có kiến thức, để có thể sáng tạo, đóng góp cho xã hội.
“Giáo dục mở là phải nhân lên được khát vọng học tập của toàn xã hội, của mỗi người dân, để chúng ta không được kém cỏi so với thế giới”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Hệ thống giáo dục mở cũng như tư duy về giáo dục mở hiện vẫn chưa được quan tâm đúng mức trong sự phát triển của nền giáo dục Việt Nam. Trước áp lực của cuộc cách mạng 4.0, giáo dục mở trở thành luồng gió mới của nhiều quốc gia trên thế giới.
Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH-CĐ Việt Nam cũng cho rằng, giáo dục mở không phải là bổ sung, đứng bên cạnh giáo dục truyền thống, mà phải nằm sâu và thâm nhập vào giáo dục truyền thống, lồng ghép, đan xen để đạt tới hiệu quả giáo dục cao nhất, đó mới chính là bản chất của giáo dục mở. Giúp cho người học được tham gia rộng rãi học trong học tập, được lựa chọn hình thức học, thời gian học, nội dung học, thậm chí cả thầy giáo.
Như vậy, sự tự chủ của người học là rất cao, từ đó có điều kiện để cá nhân hóa giáo dục. Cá nhân hóa giáo dục là mơ ước của các nhà sư phạm, vì mỗi cá nhân là riêng biệt, nên nền giáo dục đồng loạt dù có lợi là giảm chi phí thì lại phải hy sinh tài năng cá nhân quá nhiều, thậm chí loại bỏ một số học sinh cá biệt.
“Trong khi về mặt nguyên tắc, không có một em học sinh nào lại không tiếp cận được kiến thức. Nếu có điều kiện thì chúng ta phải khai thác được tiềm năng của từng em học sinh. Điều này giáo dục truyền thống không làm được, chỉ có giáo dục mở làm được. Chúng ta để các em tự chủ trong hoạt động giáo dục, cá nhân hóa giáo dục, để từng em đều được thể hiện đúng bản thân, có chính kiến, biết phản biện, có cảm xúc, phát triển được tài năng. Muốn thế, bản thân người thầy cũng phải thay đổi, không còn là những nhà truyền thụ kiến thức theo kiểu áp đặt, buộc học sinh phải thừa nhận và không được nói khác, không kiểm chứng mà là hướng dẫn, gợi ý cho học sinh chinh phục các kiến thức”, GS Trần Hồng Quân nêu.
Muốn vậy cũng phải thay đổi cách quản lý giáo dục, đó là vấn đề quan trọng khi phát triển giáo dục mở, không được áp đặt, ép chân cho vừa giày, mà phải tùy biến. Cùng với đó, thay đổi cách thi cử.