Qua 15 năm triển khai (2009 - 2023), đề án đã trang bị cho cơ sở xã, phường, thị trấn ở 63 tỉnh, thành phố trên cả nước 593 đầu sách (cả đĩa CD-ROM và CD audio), với tổng số hơn 14,4 triệu bản in. Để tăng cường hiệu quả của đề án, Trang Thư viện sách điện tử (Thuviencoso.vn) đã được xây dựng từ đầu năm 2020 và cung cấp bản số hóa hơn 500 đầu sách của đề án, phục vụ việc đọc và tra cứu trực tuyến của cán bộ, đảng viên và nhân dân ở cơ sở.
Kết quả đó góp phần giúp đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân ở cơ sở nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực; vững vàng về tư tưởng chính trị; có phẩm chất đạo đức, lối sống tốt; nắm vững đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; bổ sung thêm kiến thức, kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, trong quản lý, trong lao động, sản xuất.
Tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Thọ Truyền, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM cho biết, qua 15 năm triển khai trang bị sách, qua việc báo cáo hàng năm, sơ kết, tổng kết của cấp ủy cũng là việc giới thiệu những mô hình hay, cách làm hiệu quả, kết hợp khai thác, sử dụng sách đề án với triển khai văn hóa đọc trên địa bàn: Thư viện Khoa học Tổng hợp TPHCM phối hợp các địa phương tổ chức Ngày hội Văn hóa đọc tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, công viên Văn Lang thu hút hàng chục ngàn lượt người dân tham dự; tổ chức cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc TPHCM được tổ chức liên tục từ năm 2019 đến năm 2022 thu hút đông đảo các học sinh trên địa bàn thành phố nhằm tìm ra các em học sinh yêu sách... Từ năm 2009 đến nay, toàn thành phố có 1.758 tủ sách cơ sở với 13.921 đầu sách, số lượt người đọc sách là 1.005.919 lượt người.
Góp ý nhằm lan tỏa hơn nữa đề án đưa sách về cơ sở, PGS-TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, bên cạnh việc đầu tư đa dạng loại hình sách cũng cần quan tâm giải đáp cụ thể hơn những vấn đề như ai đọc, đọc như thế nào, hiệu quả ra sao… để có thể thống kê và nắm bắt được chất lượng của đề án. Theo ông Bùi Hoài Sơn, cũng cần đa dạng hóa các dạng bản sách điện tử và sách nói, phù hợp với thời đại số nhằm kết nối, lan tỏa nhiều hơn, nhân lên hiệu quả của xuất bản. “Câu chuyện không chỉ là sách mà các không gian sáng tạo liên quan đến sách như thư viện chẳng hạn. Cần làm cho những không gian này hấp dẫn, phù hợp với bạn đọc, tạo sự cạnh tranh với các thiết chế khác”, PGS-TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.
Chủ trì hội nghị, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương ghi nhận và đánh giá cao những kết quả của đề án và nhấn mạnh về tầm quan trọng của đề án, tuy nhiên cũng chỉ ra những hạn chế cần khắc phục như các mảng đề tài sách còn hạn chế như thiếu đề tài sách về ứng dụng khoa học kỹ thuật; về kiến thức về văn hóa, phong tục tập quán, di sản văn hóa các vùng, miền, xây dựng nông thôn mới; các đề tài sách song ngữ dành cho đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế. Số lượng bộ sách của đề án gửi cho xã, phường, thị trấn còn ít, chưa đáp ứng được đầy đủ yêu cầu tìm hiểu của cán bộ, đảng viên và nhân dân ở cơ sở; công tác quản lý sách có nơi chưa hợp lý dẫn đến lãng phí nguồn sách trang bị của đề án…
Trong giai đoạn tiếp theo cần tiếp tục nhân rộng những mô hình tốt, sáng tạo trong việc bảo quản và sử dụng sách. Đẩy mạnh số hóa, xuất bản và phát hành sách điện tử trên mạng internet để tạo điều kiện thuận lợi trong việc khai thác, tra cứu, tìm hiểu, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của cấp cơ sở trong tình hình mới. Đặc biệt, sách phải đa dạng hơn về nội dung, hình thức thể hiện để có thể đưa tới gần dân hơn.