Chưa thay thế được thói quen đọc sách giấy
Tại hội nghị giao ban công tác xuất bản mới đây, một thông tin đáng chú ý được Cục Xuất bản, In và Phát hành đưa ra về tình hình xuất bản của 6 tháng đầu năm 2019: Trong số xuất bản phẩm được làm và nộp lưu chiểu là hơn 17.000 với trên 250 triệu bản, thì bản sách giấy lưu chiểu là hơn 16.000 cuốn với trên 239 triệu bản; trong khi đó, sách điện tử có 92 bản lưu chiểu với trên 1 triệu lượt phát hành.
Nhìn vào số liệu trên, phải chăng thị trường ebook tại Việt Nam đang thất thế so với sách giấy? Mặc dù số liệu mà cục đưa ra chưa thể phản ánh đúng thực tế, vì ngoài những ebook hợp lệ, trên internet hiện nay xuất hiện tràn lan ebook lậu, chưa kể định dạng ebook hiện nay còn tồn tại một số vấn đề bất cập. Bất tiện có thể thấy rõ nhất khi lựa chọn sách điện tử là sách mới thường chưa có ebook, phải chờ một thời gian sau sau khi sách giấy ra mắt, mà còn có quyển thì không có ebook. Thêm vào đó, nếu bản ebook có định dạng PDF thì không thay đổi được cỡ chữ, gây khó khăn cho người đọc.
Ngoài ra, thói quen chủ yếu của độc giả Việt Nam vẫn là đọc sách giấy. Độc giả Lâm Lê (TPHCM) chia sẻ: “Đối với tôi, sách giấy luôn mang lại một nguồn năng lượng tích cực, có cảm giác gần gũi với thiên nhiên. Ngoài ra, đọc sách giấy giống như mình đang có một sự tương tác rất gần với ngôn ngữ và tác giả. Đọc một văn bản trên sách giấy, lớp nghĩa hiện ra gần hơn sau những con chữ, còn sách điện tử thì chỉ có lớp chữ mà thôi”.
Đánh giá về thị trường ebook hiện nay, ông Nguyễn Thành Nam, Phó Giám đốc NXB Trẻ, bày tỏ: “Từ năm 2010, người ta dự báo ebook sẽ tăng trưởng, nhưng thực tế nó diễn ra không giống như dự báo. Ebook có một sự suy giảm cả trên thế giới lẫn Việt Nam, và bây giờ trên thế giới lại chuyển sang xu hướng audiobook (sách nói - PV) và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Dù vậy, thị trường ebook vẫn có”.
Thông tư đi sau thực tế
Sau thời gian thử nghiệm, ít nhất đã có 2 đơn vị phải ngưng sản xuất ebook là NXB Kim Đồng và Iread. Một số đơn vị vì vướng phải Thông tư 42/2017, Đề án hoạt động xuất bản/phát hành xuất bản phẩm điện tử của Bộ TT-TT nên cũng đang phải dừng đăng ký xuất bản và tạm dừng phát hành ebook. Chẳng hạn Công ty TNHH Sách điện tử Trẻ (Ybook) - một thành viên của NXB Trẻ, để duy trì hoạt động, từ năm 2018, đơn vị này không còn bán ebook mà chuyển sang bán sách giấy và làm dịch vụ số hóa cho các đối tác.
Theo đại diện của NXB Trẻ, Thông tư 42 đặt ra nhiều vấn đề, đòi hỏi về công nghệ. Điều này xảy ra tình trạng: các NXB có thẩm quyền xuất bản sách nhưng công nghệ thì chưa đáp ứng; còn đơn vị làm ebook có đủ công nghệ nhưng chưa đủ thẩm quyền xuất bản sách. Hiện tại, đơn vị này cũng đang trong quá trình hoàn thiện đề án theo Thông tư 42 của Bộ TT-TT.
Cả nước hiện có 59 NXB nhưng mới chỉ có 5 NXB được xác nhận đăng ký hoạt động xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử, gồm: NXB Thông tin Truyền thông, NXB Giáo dục, NXB Quân đội Nhân dân, NXB Y học và NXB Bản đồ. Trong khi đó, trên thực tế có nhiều đơn vị đã tham gia thị trường ebook từ năm 2012. Tuy nhiên, vì vướng mắc từ Thông tư 42 nên buộc phải tạm dừng. Việc không cập nhật ebook mới làm cho dữ liệu ebook của NXB không thể thu hút người đọc, dẫn đến mất khách hàng, ảnh hưởng đến doanh thu ebook vốn đã không cao.
Trong trường hợp này, Thông tư 42 đã đi sau thực tế, lại chưa có sự linh động đối với các NXB hay các đơn vị tham gia hoạt động ebook từ trước đó. Cục Xuất bản, In và Phát hành có lẽ cần xem xét, cho phép các NXB đã hoạt động ebook trước thời gian ban hành nghị định, thông tư có liên quan, được tạm duy trì hoạt động xuất bản và phát hành ebook. Có như vậy mới có thể khuyến khích và hỗ trợ các NXB mạnh dạn làm ebook; từ đó cũng hạn chế tình trạng ebook lậu đang lan tràn trên mạng như hiện nay.
Ngoài ra, ông Nguyễn Thành Nam cũng đề xuất: “Khi ebook mới ra đời, rất nhiều nơi tham gia vào việc thực hiện ebook. Câu chuyện rơi vào 2 vấn đề: công nghệ và nội dung. Nếu nhiều đơn vị làm sẽ dẫn đến sự phân mảnh, còn một đơn vị thì không đủ nội dung để cung cấp cho bạn đọc. Bạn đọc muốn mua tất cả sách của thị trường Việt Nam phải tải rất nhiều app của các đơn vị làm ebook về máy của mình, gây phiền phức. Tôi cho rằng, nên có một chính sách về ebook và sách trên các nền tảng công nghệ khác mang tầm quốc gia. Lúc đó, cần quy hoạch lại đơn vị nào được quyền làm ebook, có thể là một trung tâm phát hành ebook chẳng hạn. Sách của NXB nào thì đơn vị đó cấp giấy phép và bán qua trung tâm đó, như mô hình sách giấy hiện nay.