Đằng sau những con số lạc quan
Cũng theo Waka, hiện đơn vị này đang sở hữu khoảng 10.000 đầu sách điện tử (ebook) và dự kiến đến cuối 2017 con số này sẽ đạt 15.000 cuốn. Những bạn đọc chính của Waka nằm trong độ tuổi từ 18 - 35 và được đánh giá có thời gian đọc đều và nhiều. Chương trình “Thử thách đọc sách” được Waka tổ chức vào tháng 4, có số bạn đọc tham gia vào khoảng 40.000 người và gần 500 người tham gia có mức đọc sách đạt 3 cuốn/tháng.
Những con số do Thư viện số Waka công bố gây bất ngờ cho nhiều người, bởi thời gian qua, thị trường ebook trong nước có phần trầm lắng. Số đơn vị tham gia ebook giữ nguyên, lượng đầu sách tăng không đáng kể và dĩ nhiên, lượng bạn đọc cũng ít có biến động. Đánh giá về công bố của Waka, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực ebook trong nước thừa nhận, những con số này không phản ánh tổng quan thị trường văn hóa đọc, mà thể hiện một hướng đi khác biệt trong việc phát triển ebook hiện nay.
Không như các đơn vị kinh doanh ebook khác, vốn tập trung vào việc bán và thu lợi nhuận từ sách, Waka lại đi con đường khác. Đơn vị này dồn sức cho việc xây dựng hệ thống dữ liệu, tạo thương hiệu. Sách Waka sở hữu, phần lớn được mua bản quyền trọn gói, sau đó họ cung cấp miễn phí cho bạn đọc hoặc là với mức phí rất thấp, như đọc tất cả sách chỉ với 1.000 đồng/ngày.
Cách làm này có nhược điểm là không thể thực hiện với các đầu sách hay, nổi tiếng, nên sách của Waka chủ yếu tập trung vào dòng sách dành cho giới trẻ, nhất là những thể loại sách ngôn tình, sách kỳ bí, ma quỷ, sách tình cảm tuổi mới lớn… Điều này lý giải vì sao bạn đọc của Waka đa số đều rất trẻ. Bản thân Waka cũng không che giấu định hướng chủ đạo của đơn vị là nhắm tới bạn đọc trẻ. Cũng vì điều này, những con số thống kê của Waka được xem chỉ phản ánh một đặc thù mang tính cá biệt, không thể hiện thực trạng thị trường ebook hiện nay.
Dù hấp dẫn bạn đọc nhưng ebook Việt vẫn chưa tìm được hướng đi thích hợp
Trở ngại trong phát triển ebook
Điều đáng nói là hầu hết những người hoạt động trong thị trường ebook hiện nay lại không mấy bất ngờ với cách làm của Waka, ngược lại đều cho rằng, đó là một nỗ lực đáng khen nhằm tìm kiếm lối đi cho thị trường ebook bị coi là đang bế tắc.
Ebook từng được hy vọng là một hướng đi thích hợp cho thị trường sách trong nước, với các ưu điểm: chi phí mua sách thấp, dễ trao đổi mua bán, tiện lợi… Thế nhưng, thực tế cho đến nay, thị trường ebook chính thức ở Việt Nam gần như tê liệt, chỉ còn vài đơn vị làm theo kiểu cầm chừng, cố gắng tồn tại như Ybook, Alezza, Greelane Kim Đồng, sachweb…
Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do sự thiếu tập trung, phân mảng quá lớn trong khâu phát hành. Đơn vị làm ebook nào thì chỉ bán sách của đơn vị mình làm, không bán hoặc bán rất ít sách của đơn vị khác. Ngay cả các nhà phát hành ebook dạng độc lập như Waka, Alezza, Komo… cũng chỉ lèo tèo các đầu sách ít nổi tiếng, còn sách hay, đang được chú ý thì hầu như không có, do các đơn vị làm sách nếu có làm ebook đều giữ riêng cho mình.
Các đơn vị làm sách hầu hết đều nỗ lực tìm hướng giải quyết vấn đề phát hành ebook hiện nay. Trong số đó có Ybook, trực thuộc NXB Trẻ. Đây là đơn vị liên tục tìm kiếm các hướng đi cho ebook như bắt tay với Tập đoàn Samsung xây dựng thư viện điện tử cho mảng thiết bị di động của đơn vị này, hay kết nối giữa ebook và sách in.
Theo ông Đồng Phước Vinh, Giám đốc Ybook, đơn vị đang hỗ trợ các địa phương vùng Nam bộ xây dựng thư viện ebook địa chí dựa trên các bộ sách địa chí, chuyên khảo về Nam bộ của NXB Trẻ. Hiện nay, thư viện ebook địa chí đầu tiên đã hoàn thiện tại Thư viện tỉnh Vĩnh Long. Với thư viện ebook, bạn đọc của tỉnh hay các địa phương khác cần tra cứu thông tin chỉ cần liên hệ, thư viện sẽ cấp mã là có thể tra cứu toàn bộ các đầu sách, thông tin. Hiện nay, Ybook đang triển khai thư viện dạng này ra các tỉnh Sóc Trăng, Cà Mau, Cần Thơ, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang…
Thế nhưng vì sao cho đến nay tại Việt Nam vẫn chưa thể có nhà phát hành lớn cho ebook? Ba lý do được nêu ra, đầu tiên là vấn đề tiêu thụ, đòi hỏi đơn vị phát hành phải có tiềm lực mạnh, có khả năng phát hành lớn, cung cấp khả năng bán sách cao; thứ hai, là có công nghệ ưu việt, kiểm soát tốt việc cung cấp ebook trên nhiều nền tảng, nhiều phương thức thanh toán…; và cuối cùng là tạo được lòng tin với các đối tác, bởi ebook là dạng sách phức tạp hơn hẳn về quản lý số lượng, bản quyền so với sách giấy.
Trong ba lý do trên, lý do thứ nhất được xem là quan trọng nhất, đóng vai trò quyết định. Đại diện một đơn vị làm ebook cho rằng, nếu một đơn vị phát hành ebook nào có thể đem lại lợi nhuận cho người làm ebook vào khoảng 1-2 tỷ đồng/năm thì dù có khó khăn thế nào, các đơn vị làm ebook cũng sẽ khắc phục.
Còn như hiện nay, có đơn vị phát hành bán mỗi năm vài triệu, hay chỉ vài trăm ngàn đồng thì khó mà thu hút được các nhà làm ebook tham gia. Thậm chí, có trường hợp gửi bán một thời gian thấy không hiệu quả, người làm ebook đã thu sách về và tự bán.
Chính vì vậy, hướng đi của Waka chấp nhận không có lợi nhuận từ ebook để mở rộng thị phần, xây dựng thương hiệu được xem là hướng đi tích cực, dù rằng khả năng thành công còn khá xa vời, khi mà vẫn còn đó những rào cản về kinh phí, cơ chế và quan trọng nhất là thói quen đọc sách.