Sống tại Sóc Trăng, chị Trần Thị Bội Duyên (30 tuổi) từng đổi sách trên “Hội trao đổi mua bán sách cũ” và một số nhóm khác. “Mình thích đọc sách văn học, ở tỉnh xa nhiều khi khó kiếm được cuốn sách mình cần. Nhờ vô hội nhóm mà mình tìm được mấy cuốn xưa xưa”, Duyên nói. Còn anh Võ Hoài Nam (26 tuổi, TPHCM), hay tham gia các sự kiện về sách, chia sẻ: “Hồi đó, tôi ngại trao đổi sách lắm, phải đăng lên mạng rồi “chat” qua lại, đợi chốt cuốn mình cần, hẹn gặp hoặc gửi bưu điện. Nay tới mấy sự kiện, tôi đổi sách cái rẹt. Dĩ nhiên tôi tham gia với tinh thần yêu quý sách, không so sánh giá cả, miễn sách còn tốt là được”.
Trước đây, mạng xã hội hầu như chưa có các nhóm chuyên trao đổi sách, một vài nhóm ngoài đời lập ra nhưng độ lan tỏa chưa cao và sớm nở tối tàn. Người muốn tìm, trao đổi sách thường phải đăng thông tin trên các diễn đàn mua bán sách. Năm 2016, “Sách chuyền tay” ra đời, được đánh giá là một trong những dự án thành công cho đến nay. Nhờ công nghệ, “Sách chuyền tay” quản lý việc trao đổi sách “khỏe re” với khoảng 20.000 đầu sách, cùng với mô hình “Xe buýt sách” ở Đường sách TPHCM (quận 1).
Ngoài “Sách chuyền tay”, các hội nhóm, sự kiện về trao đổi sách tại TPHCM cũng dần thu hút người trẻ. Dự án “Book Exchange” sau 7 mùa, tạo ngày hội trao đổi sách giữa sinh viên Trường Đại học Ngoại thương cơ sở 2, đã mở rộng toàn thành phố, đặt bàn nhận sách tại một số trường học rồi tổ chức tọa đàm và trao đổi sách. Tủ sách “Giải trí và giáo dục” lấy Ngày Quốc tế trao tặng sách 14-2 làm ngày phát động thử thách trao đổi sách 4 năm nay. Tại Hà Nội, tủ sách nhỏ “Neverland Library” ra đời năm 2014 đặt tại phố Phan Huy Ích và Đặng Dung để bạn trẻ đổi sách, chỉ cần để lại vài dòng thông tin…
Việc trao đổi sách trở nên dễ dàng là điều đáng mừng. Nhưng nguồn sách “ngầm” còn nhiều, nhiều người có nhu cầu nhưng chưa biết phải làm thế nào. Anh Phạm Ngọc Hoàng Huy (32 tuổi, sáng lập “Sách chuyền tay”) cho rằng, để dự án bền vững và đến được với người trẻ, ngoài các yếu tố như nguồn sách, cách quản lý, nhân lực… thì nên có sự phối hợp giữa nhóm dự án với địa phương để có địa điểm trao đổi sách nhiều người biết đến. Chẳng hạn, “Sách chuyền tay” được Ban quản lý Đường sách TPHCM tạo điều kiện dựng “Xe buýt sách” từ năm 2018. Còn chị Trần Thị Kim Thoa (35 tuổi, trưởng nhóm điều hành tủ sách “Giải trí và giáo dục”) cho rằng, nếu các chương trình trao đổi sách có sự liên kết và thực hiện bài bản, sẽ tạo sự lan tỏa rất lớn.
Hoạt động của các hội nhóm, dự án trao đổi sách giữa người trẻ khá sôi động. Nhưng cuối cùng, yếu tố chính tùy thuộc bản thân người đọc. Nếu muốn trao nhận, chúng ta đừng ngần ngại. Sách trao đi sẽ sống vòng đời có ích, thay vì nằm phủ bụi trong góc nào đó.