- Sách cho ngày 8-3: Sức mạnh tình yêu và Quà tặng dành cho người đang yêu là hai cuốn sách do NXB Trẻ ấn hành sẽ là món quà ý nghĩa dành cho phái nữ trong ngày 8-3. Sức mạnh tình yêu kể về câu chuyện tình thật đẹp và lãng mạn. Căn bệnh u não đã cướp đi sự sống của người chồng, nhưng vào sinh nhật lần thứ 30 người vợ lại nhận được bức thư của anh.
Đó là những lời yêu thương anh gửi trước khi mất để giúp cô vượt qua nỗi đau. Với Quà tặng dành cho người đang yêu tập hợp những mẩu chuyện nhỏ thể hiện nhiều cung bậc tình cảm khác nhau. Tất cả tạo nên những câu chuyện cổ tích thời hiện đại, giúp mỗi chúng ta cảm nhận được rằng tình yêu không chỉ là cho đi mà cả khi nhận về những nỗi đau để thấy cuộc sống thật nhiều ý nghĩa.
- Độc giả không thờ ơ đối với tác phẩm văn học “made in Việt Nam”: Năm 2007, NXB Văn nghệ đã xuất bản trên 300 đầu sách văn học. Trong số đó có một số tác phẩm của những tác giả đoạt giải thưởng nhà nước về văn học như: Hào kiệt đêm thế kỷ (kịch bản văn học của Minh Khoa), Nhật ký chiến trường (Dương Thị Xuân Quý), Miền cỏ thơm (Hoàng Phủ Ngọc Tường) và đặc biệt là bộ ba tác phẩm: Trăng hoàng cung, Tôi đã trở thành nhà văn như thế nào và Phùng Quán còn đây (Phùng Quán)…
Bên cạnh đó, NXB Văn nghệ còn xuất bản những tác phẩm mới của những cây bút sung sức trên văn đàn hiện nay như: Miên man tùy bút (Lý Lan), Phía một khách sạn (Khôi Vũ), Hồ thiêng (Thu Trân), Big bang bỏ túi (Thu Nguyệt), Chuyện ở bản Piat (Vũ Xuân Tửu) và một số tập truyện ngắn, tập thơ chọn chọn lọc… của những cây bút trẻ như Lê Thiếu Nhơn, Nguyễn Vĩnh Nguyên, Trần Nhã Thụy, Vũ Đình Giang…
Trong Hội sách lần thứ 5, NXB Văn nghệ đưa đến cho độc giả những tác phẩm mới nhất của các nhà văn ở nhiều thế hệ: Nhà văn về làng (Nguyễn Quang Sáng), Bằng đôi chân trần (Nguyên Ngọc), Tiểu thuyết đàn bà (Lý Lan), Mưa mặt nạ (Nhật Chiêu), Giải phẫu thẩm mỹ (Linh Mai), Cũng chẳng khoái ru (Đỗ Hồng Ngọc)…
Điều đáng mừng là hơn một nửa đầu sách văn học được NXB Văn nghệ chọn lọc và đầu tư đều được tái bản, có tác phẩm in đến lần thứ 2, thứ 3. Điều này, chứng tỏ độc giả nước nhà không thờ ơ với tác phẩm văn học “made in Việt Nam”.
Duy Xuyên – Trịnh Bích