Người trẻ chiếm lĩnh thị trường sách
Tác phẩm Buồn làm sao buông của cây bút trẻ Anh Khang đứng đầu danh sách bán chạy nhất tại hội sách lớn nhất cả nước (Hội sách TPHCM), bỏ lại phía sau nhiều tác phẩm nổi tiếng khác. Thậm chí, một loạt tác phẩm của các cây bút trẻ khác cũng chiếm vị trí cao trong danh sách 10 cuốn sách bán chạy nhất hội sách. Các buổi giao lưu giữa bạn đọc trẻ với các nhà văn trẻ cũng gây ấn tượng mạnh về quy mô cũng như thời gian tổ chức (liên tục kéo dài tới tận khuya, thậm chí khi ban tổ chức hội sách tắt đèn thì những người tham dự đã bật đèn pin, mở màn hình điện thoại để tiếp tục). Có thể nói, sự hồ hởi, háo hức của bạn đọc trẻ với sách đã gây bất ngờ cho rất nhiều người, nhất là trong bối cảnh dư luận vẫn cho rằng, người trẻ hiện đã ít đọc sách.
Thế nhưng, có lẽ chỉ có giới phê bình là bất ngờ với thành công của sách cho bạn đọc trẻ, còn lại, từ bạn đọc đến những nhà làm sách, điều này không mấy bất ngờ. Đại diện cả hai đơn vị phát hành sách lớn nhất nhì trong nước hiện nay là Fahasa và Phương Nam đều công bố số liệu cho thấy, doanh thu bán sách dành cho bạn đọc trẻ hiện chỉ đứng sau sách thiếu nhi - dòng sách vốn đứng đầu suốt hơn 10 năm qua. Thậm chí có một số thời điểm, nó còn vượt qua cả sách thiếu nhi để lên đứng đầu danh sách.
Với nhu cầu đọc lớn, bạn đọc trẻ còn tạo ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống văn học trong nước. Có thể nói hầu hết các trào lưu sách thời gian qua đều có dấu ấn của bạn đọc trẻ như: trào lưu sách du ký, nhật ký, khởi nghiệp, tô màu… Điển hình như vụ tranh cãi xung quanh cuốn du ký Xách balo lên và đi của tác giả Huyền Chip bị bạn đọc trẻ phản biện suốt từ Bắc tới Nam.
Đi cùng với bạn đọc trẻ dĩ nhiên là các tác giả trẻ, hàng loạt tác giả trẻ theo phong cách mới như Anh Khang, Hamlet Trương, Iris Cao, Phan Ý Yên… thu hút bạn đọc không khác gì những ngôi sao trong các lĩnh vực giải trí khác. Thậm chí, nhà thơ trẻ Phong Việt còn trở thành người “lật đổ” mọi nhận xét u ám về thơ khi có được những tập thơ bán trăm ngàn bản - một con số không tin nổi trong bối cảnh hiện nay.
Thiếu sự kết nối giữa người viết - người đọc
Trước một câu hỏi khá đơn giản rằng, bạn đến hội sách để tìm sách gì, Vũ Tuấn Anh (sinh viên ĐH Bách khoa TPHCM) đã liệt kê một loạt tác phẩm mà bạn đang tìm kiếm, trong đó có sách văn học, sách khởi nghiệp, sách lịch sử đất nước… Tuy nhiên, Tuấn Anh cho biết, các ấn phẩm vừa nêu đều do bạn bè giới thiệu, chứ bản thân chưa biết. Ngay tại buổi ra mắt tác phẩm du ký Từ rừng Amazon đến quê hương Bolero vừa qua, Trần Việt Quỳnh Anh, sinh viên ĐH Văn Lang cũng cho biết, đến với dòng sách du ký từ lời quảng cáo của bạn bè theo kiểu “đọc đi, hay lắm” nên tìm đọc và thấy thích.
Cuộc tranh cãi về dòng sách ngôn tình cách đây không lâu có thể nói cũng là một ví dụ điển hình của việc thiếu định hướng trong hưởng thụ văn hóa đọc của người trẻ. Viết trên Facebook, cây bút trẻ Huyền Minh nhớ lại, khi đó còn là học sinh cấp 3, trong lớp ai cũng đọc, ai cũng kể về những nhân vật trong truyện ngôn tình. Việc một cô bé giỏi văn nhưng chẳng biết gì về những câu chuyện tình vượt thời gian, không gian, thật là khó chấp nhận nên cũng tìm đọc để không lạc hậu nhưng Huyền Minh vẫn không thể thích thể loại văn học này.
Theo thống kê của Cục Xuất bản, hiện nay trung bình mỗi năm, người Việt đọc khoảng 0,4 cuốn sách (đã trừ sách giáo khoa, tham khảo), trong đó hai đối tượng bạn đọc đông nhất hiện nay là thiếu nhi và thanh thiếu niên thông qua lượng sách dành cho hai đối tượng này được bán ra. Như vậy, tuổi càng cao thì nhu cầu đọc sách của người Việt càng giảm. Và mục tiêu gìn giữ niềm đam mê, thói quen đọc sách đang là trọng tâm của công tác xuất bản, xây dựng văn hóa đọc hiện nay.
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh vừa kỷ niệm 30 năm ra mắt tác phẩm đầu tiên, đến nay vẫn là nhà văn thành công nhất về số sách bán ra. Không yêu đương đến sống chết, không xuyên qua không gian và thời gian, không bi kịch chết chóc… nhưng những tác phẩm của nhà văn vẫn sống với bạn đọc suốt 30 năm qua. Trong khi đó nhiều tác giả trẻ hôm qua còn lẫy lừng với trăm ngàn bản sách, hôm nay tác phẩm mới ra đời đã chẳng còn được ai để ý. Nhiều tác phẩm hôm qua ai cũng biết, cũng tìm thì hôm nay đã chìm vào quên lãng.
Nhu cầu đọc sách của người trẻ là rất lớn, điều đó đã khẳng định bằng những con số cụ thể của những người bán sách. Thế nhưng, bán nhiều sách không có nghĩa là văn hóa đọc phát triển. Ngược lại, đó còn có thể xem là một tín hiệu báo động, bởi người trẻ đang mất định hướng trong việc tìm đọc sách khi thiếu đi sự đánh giá, cảm thụ về sách. Khoảng hẫng của văn hóa đọc cho bạn đọc trẻ đã thể hiện rõ. Sách ngôn tình, huyền ảo đã qua thời đỉnh cao, sách du ký không còn thu hút, sách tình yêu lãng mạn đã mất đi sự hấp dẫn, sách khởi nghiệp thiếu đi sự mới lạ, tô màu chết yểu... Có thể nói, sách cho bạn đọc trẻ đang ở giai đoạn khủng hoảng, bối rối bởi không thể biết được bạn đọc trẻ đang muốn đọc gì.