Lễ hội Mahakumbh Mela có ý nghĩa tinh thần và triết lý sâu sắc nhất trong tín ngưỡng của Hindu giáo. Đây cũng là lễ hội lớn và thanh bình nhất thế giới. Lễ hội có thể nhìn thấy được từ mặt trăng qua kính viễn vọng, với số người tham dự mỗi kỳ tổ chức đều vượt quá 100 triệu người.
Được tổ chức 3 năm một lần, Mahakumbh Mela có ý nghĩa lớn về mặt tinh thần đối với các tín đồ. Họ cảm thấy như được xá tội và cứu rỗi khỏi vòng luân hồi sinh tử. Nguồn gốc của lễ hội Mahakumbh Mela có thể bắt nguồn từ kinh Vệ đà của đạo Hindu. Từ “kumbh” dùng để chỉ chiếc bình chứa thuốc trường sinh bất tử. Theo thần thoại, tiên dược rớt xuống 4 địa điểm là Prayagraj, Haridwar, Nashik, Ujjain và khiến những nơi này trở thành địa điểm tổ chức lễ hội Mahakumbh Mela ngày nay.
Từ năm 2017, lễ hội Mahakumbh Mela được UNESCO đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, khẳng định đóng góp cho sự sáng tạo và đa dạng văn hóa của nhân loại. Người Ấn Độ tin rằng Mahakumbh Mela không chỉ là một sự kiện tôn giáo mà còn là một trải nghiệm văn hóa thu hút người dân từ mọi tầng lớp xã hội, trải qua nhiều thế hệ.
Lễ hội Mahakumbh Mela diễn ra gần nhất vào năm 2019, đã thu hút 240 triệu người hành hương. Sự kiện năm nay có quy mô lớn hơn, dự kiến khoảng 400 triệu người hành hương trên khắp quốc gia Nam Á này và các tín đồ nước ngoài sẽ cùng tham dự nhiều nghi lễ linh thiêng, cầu nguyện và rước kiệu tôn giáo cũng như các hoạt động diễu hành lớn. Thành phố Prayagraj, bang Uttar Pradesh, miền Bắc Ấn Độ, nằm ở ngã ba sông Ganga, Yamuna và Saraswati, đã chuẩn bị chu đáo cho cuộc hành hương mong đợi. Các bếp ăn cộng đồng (mỗi bếp có thể phục vụ tới 50.000 người cùng lúc) và khoảng 150.000 nhà vệ sinh đã được lắp đặt.
Nghi lễ cao nhất của lễ hội là ngâm mình dưới dòng nước thiêng. Các nhà tiên tri tin rằng nghi thức là một cách thức để sám hối lỗi lầm trong quá khứ và rửa sạch tội lỗi. Đây cũng là dịp để tế lễ cho các linh hồn đã khuất, giúp họ siêu thoát. Tương truyền, ai đã tắm tại Prayagraj - nơi giao thoa của sự bất tử, sẽ được giải thoát và tìm thấy mục đích sống, thẩm thấu ý nghĩa vòng đời. Hàng triệu người đến không chỉ để tham gia các nghi lễ mà còn để chứng kiến sự hiện diện của các vị thánh, nhà tu khổ hạnh và ẩn sĩ, thường thấy trong bộ áo choàng màu nghệ tây, bất chấp nhiệt độ giá lạnh trên sông.
Để đảm bảo lễ hội diễn ra suôn sẻ, hệ thống điện mới đã được lắp đặt và chính quyền đã chi khoảng 765 triệu USD cho cơ sở hạ tầng phục vụ sự kiện. Ngành đường sắt Ấn Độ đã thiết lập 98 đoàn tàu đặc biệt, thực hiện 3.300 chuyến cho việc vận chuyển du khách, bên cạnh các chuyến tàu hỏa thông thường. Chính quyền địa phương đã triển khai nhiều biện pháp bảo vệ người hành hương. Mỗi khu vực đều có bệnh viện dã chiến (với 20 giường) bên cạnh bệnh viện trung ương để cung cấp các dịch vụ y tế nhanh chóng. Hơn 300 thợ lặn sâu đã đóng quân tại 50 điểm trên sông để kịp thời xử lý mọi trường hợp khẩn cấp trong các lễ tắm. Thiết bị bay không người lái cũng đã được sử dụng ở khắp nơi để giám sát đám đông một cách hiệu quả.